Mỗi phát ngôn của họ tác động đến xã hội không nhỏ, điều này lý giải vì sao chỉ một lời nói hoặc cử chỉ, cách ăn mặc... phản cảm lại gây “sốc” và bị dư luận phản ứng gay gắt.
Mới đây nhất, trường hợp của nam ca sĩ Duy Mạnh khoe và khen phụ nữ Việt Nam “ngon”, “sexy”. Ngay lập tức ca sĩ này bị dư luận chỉ trích gay gắt. Tệ hơn là cách anh phản ứng lại, gọi những người chỉ trích anh là “yếu sinh lý”.
Anh giải thích trên báo chí rằng chỉ là chuyện cá nhân chứ đâu có nói trên sân khấu thì có người “vặn” lại: “Thế tại sao lại đưa video clip này lên Facebook?”.
Rồi thì ồn ào này cũng sẽ chìm đi trong bộn bề cuộc sống nhưng còn mãi mãi trong con mắt người đời là nam ca sĩ chẳng bao giờ là người đàn ông lịch lãm nữa.
Hoặc, có ca sĩ cũng khá nổi tiếng, có số người hâm mộ đông đảo thì trong những phát biểu của mình anh ta luôn luôn coi mình là “nhất thế giới”, “quốc tế chưa ai sánh được” trong lĩnh vực thẩm âm cũng như xướng âm,... kể cả việc tự xưng là “giáo sư âm nhạc”. Chắc chắn, đó là động thái “tự nắm tóc mình kéo lên”, làm sao nhấc khỏi mặt đất được.
Một trạng thái khác mà công chúng thường gặp trong giới showbiz là sự kỳ thị vùng miền hoặc hạ thấp, coi thường lẫn nhau. Ví dụ, “ca sĩ miền trong chẳng học hành gì” hoặc “bolero là một bước thụt lùi âm nhạc”,... Có nhiều dẫn chứng khác cho sự thể hiện kỳ thị, coi thường, thiếu tôn trọng công chúng này khiến người nghe rất khó chịu và thường vấp phải sự chê bai từ phía cộng đồng.
Tự tôn quá đáng cũng là một biểu hiện thường thấy trong sự thể hiện mình của giới ca hát. Sau một “xì-căng-đan” về việc xúi giục người ta hành xử giang hồ với kẻ tát con, một ca sĩ tuyên bố “tạm ngừng biểu diễn trên toàn lãnh thổ Việt Nam”. Động thái này khiến người ta nhớ đến một bị cáo tuyên bố trước “toàn quốc” là bà ta vô tội. Hoặc, có người hát tự xếp mình vào tầng lớp tinh hoa, quý tộc của thời đại mới, hết sức cao ngạo khi đặt câu hỏi: “Các bạn có quyền gì mà phán xét”(?!).
Có khi, chỉ một nhận xét cá nhân của mình trước một sự kiện nào đó được mọi người quan tâm cũng phải nhận lại sự chỉ trích nặng nề từ cộng đồng. Ví dụ như một nữ ca sỹ phê phán những người không đưa con tới trường mà để xe nhà trường đưa đón gây nên hậu quả nghiêm trọng. Thế nên, chớ phán xét theo ý chủ quan của mình nếu mình ở địa vị là “người của công chúng”. Bởi, nếu chỉ là một người bình thường, không tiếng tăm gì thì lời nhận xét đó phát ra từ những người đó có ai để ý làm gì.
Phát ngôn gây sốc có rất nhiều, thậm chí còn phản lại đạo lý thông thường, đều thể hiện không phải là “cá tính” mà là sự kém hiểu biết, ăn nói liều lĩnh, bất chấp dư luận và đặc biệt là thái độ thiếu tôn trọng người nghe. Dù là có mục đích gì, đánh bóng tên tuổi hay “gây sốc” để thiên hạ nhớ đến mình, đều là không thể chấp nhận được.
Trong giới chính khách, chỉ vì một câu nói mang tính kỳ thị mà có những bộ trưởng (nước ngoài) phải từ chức hoặc mất chức. Trong giới showbiz ở nước ta thì chỉ bị kêu gọi tẩy chay là cùng. Tuy nhiên, không phải vì thế mà ăn nói văng mạng làm xấu đi hoặc méo mó hình ảnh của chính mình và gây nên những tác động xấu cho cộng đồng.
Người hoạt động trong lĩnh vực giải trí phải là những người thể hiện phong cách lịch thiệp, ứng xử có văn hóa để luôn luôn lưu giữ hình ảnh đẹp đẽ, không chỉ ngoại hình mà cả nội tâm trong lòng công chúng. Kỳ thị, tự tôn quá mức, chê bai người khác, “dìm hàng” nhau, cao ngạo và coi thường dư luận,... dù biểu hiện ra bằng bất cứ cách nào đều gây phản cảm và còn đâu một sự lịch lãm cần phải có trong nghề nghiệp của những người này!