Những ngành chịu ảnh hưởng đầu tiên và trực tiếp nhất của dịch nCoV đó là nhân viên làm trong ngành du lịch, hàng không và xuất nhập cảnh bởi tính chất công việc thường xuyên phải tiếp xúc với khách nước ngoài, đặc biệt là khách Trung Quốc.
Tiếp viên hàng không phát khẩu trang cho hành khách. |
Anh Bùi Long - tiếp viên hãng hàng không Vietnam Airline cho biết, 60-70% số chuyến bay của các anh là đi các tỉnh, thành Trung Quốc. "Khi biết tin dịch bệnh nCoV lây lan nhanh chóng, những người trực tiếp ảnh hưởng là chúng tôi. Có đồng nghiệp nghe tin dịch bệnh khi vẫn đang trong chuyến bay trên bầu trời Trung Quốc. Không phải chúng tôi không hoang mang, có lúc nghĩ đến việc xin nghỉ bay đến khi nào hết dịch bệnh. Tuy nhiên, nghề của mình là phục vụ, không thể lúc thuận lợi thì làm, khó thì bỏ", anh Long chia sẻ. "Nghĩ thế nên tôi và đồng nghiệp vẫn cố gắng duy trì công việc bình thường, làm tròn trách nhiệm của mình, đeo khẩu trang lên và tiếp tục "chiến đấu".
Tiếp viên hàng không cùng phi công đeo khẩu trang khi làm việc. |
Đeo khẩu trang vốn được xem như một hành động thất lễ với khách trong ngành dịch vụ. Tuy nhiên, để phòng tránh bệnh cho chính mình và khách hàng trong thời điểm này, mọi nhân viên hàng không đều đeo khẩu trang.
"Chúng tôi bắt buộc phải dùng khẩu trang và găng tay khi phục vụ khách hàng trong suốt chuyến bay. Khách hàng cũng mặc nhiên coi đây là chuyện bình thường, không chỉ vì chúng tôi mà vì chính sức khỏe của họ. Trong thời gian này, vệ sinh khoang máy bay được quản lý chặt chẽ hơn bao giờ hết. Chúng tôi cũng phát khẩu trang và nước rửa tay cho tất cả hành khách trên chuyến bay để đảm bảo vệ sinh và an toàn cho từng hành khách", anh Bùi Long cho biết thêm.
Nhân viên ngành du lịch cũng e ngại khi phải tiếp xúc với du khách người Trung Quốc. |
Tương tự ngành hàng không, những nhân viên phục vụ cho nhà hàng, khách sạn..., đang trong tình cảnh tương tự. "Công việc khác thì có thể làm việc ở nhà vài ngày, nghỉ vài ngày nhưng công việc của chúng tôi nghỉ thì ai làm, hoặc nghỉ thì mất việc", một nam nhân viên khách sạn ở Hà Nội giãi bày. "Trước khi có dịch, khách đến là chúng tôi phải tươi cười từ xa, nay phải đeo khẩu trang. Cũng may khách hàng của chúng tôi thông cảm, thậm chí có khách còn phàn nàn nếu bắt gặp nhân viên sơ ý "quên" đeo khẩu trang."
Nam nhân viên cũng cho biết, điều lo lắng nhất hiện nay không hẳn là phải tiếp xúc với quá nhiều người trong mùa dịch nCoV, mà là lượng khách giảm mạnh. "Năm nay lượng khách giảm đáng kể so với cùng thời điểm năm ngoái, làm doanh thu của khách sạn sụt xuống, chắc chắn ảnh hưởng đến thu nhập cá nhân của chúng tôi", anh nói.
Theo chị Vân Anh - nhân viên sale của một công ty tại Hoàng Cầu, dù chị vẫn làm miệt mài đến cơ quan, làm "như chưa có dịch" nhưng khách hàng cứ liên tục nhắn tin lùi lịch hẹn, thậm chí họ còn lười nghe tư vấn qua điện thoại. "Chúng tôi bất lực vì không chốt được khách thời điểm này", chị than thở. "Làm việc Tết còn có tiền thưởng chứ làm mùa dịch không những không thưởng mà có khi lương còn giảm bởi không có doanh số bán hàng".
Nhân viên phục vụ tại các trung tâm thương mại, rạp chiếu phim, siêu thị lớn nhỏ tại Hà Nội thay nhau đi làm nhưng khách "vắng tanh".
"Bình thường cuối tuần chúng tôi phải tăng ca làm việc vì lượng khách rất đông. Còn hiện nay thì chúng tôi đã cắt giảm thời gian làm việc của toàn bộ nhân viên bởi chẳng phụ huynh nào đưa con đi chơi ở những nơi cộng cộng, tập thể vào mùa dịch cả. Chúng tôi đã mở cửa khai xuân muộn hơn bình thường 2 tuần rồi nhưng vẫn heo hút khách", một nhân viên khu vui chơi giải trí cho trẻ em tại trung tâm tương mại Vincom chia sẻ.
Khu vui chơi giải trí tại trung tâm thương mại lớn vắng bóng người. |
Một số siêu thị lớn ở Hà Nội như Big C, Vinmart..., lượng khách đến cũng giảm mạnh so với trước Tết và cùng thời điểm năm ngoái. Tuy nhiên, một số thời điểm cao điểm, nhân viên cũng phải phục vụ với tần suất cao bởi người dân có xu hướng tích trữ lương thực cho nhiều ngày để tránh dịch do nCoV.
Khách đi lại nhiều trong siêu thị, cầm lên đặt xuống nhiều đồ có khi chỉ để xem, cân nhắc mua hay không, nhân viên vẫn phải thường trực hướng dẫn khi cần và sắp xếp lại hàng hóa...
Một nữ nhân viên bán hàng tại quầy gia dụng siêu thị Big C bộc bạch: "Tôi vẫn phải liên tục làm đầy các kệ hàng như khẩu trang, nước rửa tay, nước lau nhà, nước vệ sinh phòng ngừa bụi bẩn cho trẻ em... Mặc dù phải đeo khẩu trang khi làm việc khiến tôi và khách hàng khó nắm bắt thông tin từ nhau nhưng chúng tôi đều thoải mái với điều này. Tôi rất vui vì đã tư vấn cho hàng trăm khách hàng những loại nước rửa tay cũng như nước vệ sinh an toàn, hợp lý".
Khác với nhân viên làm việc theo ca, những nhân viên làm việc toàn thời gian không có thời gian về nhà ăn trưa, họ trang bị thêm cách phòng chống lây nhiễm nCOV là mang cơm nấu sẵn từ nhà đến.
"Bình thường tôi cùng các đồng nghiệp hay ăn trưa tại các quán ăn gần chỗ làm, một phần bởi ăn ngoài khá tiện lợi và một phần bởi chúng tôi muốn ra ngoài hít thở không khí. Tuy nhiên, từ ngày thông báo có dịch, mọi người bảo nhau ăn cơm nhà cho an toàn, tránh đi lại nhiều ở nơi công cộng, mặt khác đồ ăn mình tự nấu cảm thấy vẫn yên tâm hơn với nguyên liệu có nguồn gốc rõ ràng khi mà hiện nay còn thêm cả cúm gia cầm H5N1", lời nhân viên một siêu thị điện máy ở quận Hoàn Kiếm.
Tài xế Grap cũng trang bị đầy đủ "phụ kiện" để chống lây lan virus. |
Anh Cường (tài xế xe ôm công nghệ) trong lúc đứng đợi khách gần Học viện Báo chí Tuyên truyền (quận Cầu Giấy, Hà Nội), tranh thủ cập nhật tình hình dịch bệnh viêm phổi Vũ Hán qua điện thoại. Anh cho biết công việc này buộc anh phải tiếp xúc với rất nhiều người, di chuyển giữa nhiều địa điểm khác nhau mỗi ngày.
Anh luôn xem việc đeo khẩu trang kín toàn bộ khuôn mặt kết hợp với một số loại khăn quàng là điều nhất thiết từ ngày nhận cuốc xe đầu tiên, chứ không phải đến thời điểm dịch bệnh bùng phát mới hốt hoảng như cánh tài xế khác.
"Bây giờ tôi còn phải chú trọng rửa tay, vệ sinh mặt điện thoại, xe máy vào cuối ngày, đảm bảo an toàn hết mức để hạn chế các mầm bệnh. Dịch Corona khiến người dân lo lắng, nhưng nó cũng khiến mọi người cẩn trọng giữ sức khỏe bản thân và người xung quanh hơn khi đến nơi công cộng. Cá nhân tôi thường xuyên nhắc nhở hành khách nên đeo khẩu trang thời điểm này", anh Cường nói.