Vụ bắt cóc táo bạo
Gần 20h ngày 11/5/1960, một người đàn ông nhỏ thó bước xuống khỏi một chiếc xe buýt ở ngoại ô thủ đô Buenos Aires của Argentina. Người đàn ông có vẻ mệt mỏi, nhấc từng bước chân nặng nhọc về phía nhà riêng. Bất thình lình, một chiếc hơi ở đâu trờ tới và kéo luôn người đàn ông lên xe trong khi ông ta vẫn chưa kịp hiểu chuyện đang xảy ra. Mọi việc diễn ra một cách vô cùng chóng vánh trong màn đêm, không ai hay biết. Ít người biết rằng người đàn ông vừa bị bắt đó chính là Adolf Eichmann - kiến trúc sư trưởng kế hoạch “Giải pháp cuối cùng” (Final Solution) của trùm phát xít Hitler nhằm xử lý người Do Thái bị giam cầm trên toàn châu Âu.
Eichmann khi đó cũng chính là một trong những tên phát xít bị truy nã gắt gao nhất thế giới. Bởi, là một sĩ quan thuộc lực lượng vũ trang SS của Đức Quốc xã trong Chiến tranh thế giới II, vì sự tàn bạo của Eichmann, hàng chục ngàn người Do Thái đã bị đưa đến các trại tử thần, khiến họ mất mạng.
Sau chiến tranh, Eichmann từng bị bắt và bị giam giữ trong một thời gian nhưng hắn đã trốn thoát và ẩn náu ở châu Âu bằng những cái tên giả khác nhau. Năm 1950, tên này có được cuốn hộ chiếu với tên giả Ricardo Klement. Với hộ chiếu và danh tính mới, y tới Argentina định cư và làm việc cho một công ty của Mercedes Benz ở Buenos Aires.
Những người thực hiện vụ bắt cóc nói trên là các điệp viên của cơ quan tình báo Mossad của Israel. Sau nhiều năm tìm kiếm, năm 1959, lực lượng này lần ra được tung tích của Eichmann và quyết định giăng lưới bắt cóc y để đưa về Israel xét xử.
Chỉ huy nhóm điệp viên Israel trong chiến dịch đầy táo bạo này chính là Rafi Eitan - một trong những điệp viên vĩ đại nhất của Israel. Trả lời báo chí sau này, Rafi Eitan kể lại rằng các nhân viên của ông đã phải mất 1 thời gian dài mới lần ra được tung tích của Eichmann. Tiếp đó, họ lại mất thêm 1 năm nữa để xây dựng kế hoạch tỉ mỉ cho đến khi đảm bảo thành công mới hành động.
Theo lời kể của Eitan, khi tiếp cận Eichmann, ông đã phải dùng hết sức mình để túm cổ trùm phát xít. “Tôi túm mạnh đến nỗi cảm giác như mắt của hắn phình ra. Nếu tôi túm chặt hơn một chút, có lẽ tôi đã bóp cổ hắn ta đến chết”, Eitan kể lại.
Tiếp sau đó, Eitan phải khám xét toàn thân gã đàn ông vừa bắt được để tìm những vết sẹo và các đặc điểm nhận dạng khác có thể giúp xác định rằng cả nhóm đã không bắt nhầm người. Sự nhẹ nhõm thể hiện rõ trên nét mặt của cả nhóm khi họ phát hiện được một số đặc điểm của Eichmann.
Để tên này chịu thừa nhận danh tính của mình cũng là cả một cuộc đấu trí của nhóm điệp viên. Cụ thể, họ đã giữ hắn ta trong suốt nhiều ngày trời mà không nói gì. “Giữ im lặng không chỉ là một nghiệp vụ cần thiết”, Eitan nói. Theo lý giải của người đứng đầu cơ quan tình báo Israel, sở dĩ nhóm điệp viên làm vậy vì họ muốn cho trùm phát xít nảy sinh hy vọng.
“Hy vọng cũng làm cho một người trở nên tuyệt vọng đến cùng cực. Tôi muốn hắn ta trở nên bất lực như chính những người dân của chúng tôi khi hắn dồn họ lên những chiếc xe lửa để đưa đến các trại tử thần”, Eitan nói. Sau nhiều ngày, Eichmann cuối cùng cũng đã buộc phải thừa nhận thân phận của mình.
Tiếp sau đó, kế hoạch công phu để Eichmann khỏi Argentina một cách lặng lẽ đã được thi hành. Một chiếc máy bay của hãng hàng không El Al (Israel) được điều động đưa phái đoàn chính thức của Israel đến Buenos Aires dự lễ kỷ niệm 150 năm Ngày độc lập Argentina. Khi máy bay rời đi, trong nhóm “tiếp viên” của El Al có một tiếp viên nam say mèm đến không biết gì.
Người đó không ai khác là Adolf Eichmann. Tuy nhiên, trước sự chứng kiến của giới chức Argentina, không ai nghi ngờ gì về người tiếp viên bê tha. Năm 1962, Eichmann bị đưa ra xét xử về 15 tội danh, trong đó có tội ác chống lại người Do Thái, tội ác chống lại loài người, tội ác chiến tranh... Với việc bị kết án về vai trò trong vụ giết 6 triệu người Do Thái, năm 1962, Eichmann bị xử tử bằng cách treo cổ.
Điệp viên vĩ đại
Vụ bắt giữ trùm phát xít nói trên chỉ là một trong vô số những phi vụ mang đậm dấu ấn của người từng giữ vai trò phụ trách cơ quan tình báo Israel Rafi Eitan. Sinh năm 1926 trong một gia đình theo chủ nghĩa Do Thái, Eitan gia nhập quân đội Israel từ khi còn khá trẻ.
Năm 1944, ông trở thành thành viên của đơn vị tinh nhuệ Palmach, chuyên trách những nhiệm vụ khó nhằn như hỗ trợ người tị nạn Do Thái chạy trốn khỏi chủ nghĩa phát xít ở châu Âu nhập cư vào Palestine...
Hành động táo bạo nhất của ông trong thời gian này chính là bò qua các cống ngầm để tiếp cận và cho nổ tung trạm radar được người Anh sử dụng để phát hiện và ngăn chặn những chiếc thuyền chở người Do Thái nhập cư bất hợp pháp cập bờ. Cũng chính trong những năm này, Eitan đã bị thương trong vụ nổ mìn và mất gần như toàn bộ thính giác, khiến ông phải đeo máy trợ thính suốt cuộc đời.
Rafi Eitan. |
Về sau, Eitan tham gia Mossad ngay khi đơn vị này thành lập. Từ một sĩ quan tình báo, ông dần được điều chuyển sang làm chỉ huy trong Cơ quan tình báo nội bộ của Israel có tên Shin Bet, điều phối các hoạt động hợp tác của cơ quan này và Mossad.
Với dáng người nhỏ thó, đôi tai vểnh lên, Rafi Eitan có vẻ bề ngoài khác xa so với hình ảnh những điệp viên trong những năm 50 của thế kỷ trước. Tuy nhiên, ông lại vượt trội bởi khả năng phán đoán siêu việt, đa mưu túc trí. Eitan được cho là có liên quan đến vụ một lượng lớn uranium biến mất khỏi nhà máy nhiên liệu hạt nhân của Tập đoàn Vật liệu và Thiết bị Hạt nhân Mỹ sau chuyến viếng thăm của chuyên gia hóa học Israel đến nơi này.
Ông cũng được đồn đoán đã tham gia vào kế hoạch tấn công lò phản ứng hạt nhân Osirak của Iraq vào tháng 6/1981. Nói đến nhân vật này cũng không thể không nhắc đến việc khởi động chiến dịch gián điệp chống lại Mỹ, mà trong đó chính Eitan đã tuyển mộ được nhà phân tích tình báo Jonathan Jay Pollard để đánh cắp nhiều tài liệu bí mật của Mỹ và chuyển cho Israel.
Khi những hành vi của Pollard bị phát giác, ông ta đã phải ngồi tù tới 30 năm. Là vụ việc duy nhất mà một người Mỹ bị kết án chung thân vì làm gián điệp cho một đồng minh, vụ việc đã gây tổn hại đáng kể tới mối quan hệ Mỹ-Israel trong một thời gian dài.
Kết thúc sự nghiệp tình báo, Eitan về nghỉ hưu. Tuy nhiên, năm 1978, ông được chính phủ của Thủ tướng Menachem Begin mời trở lại làm cố vấn cho cuộc chiến chống chủ nghĩa khủng bố vì ông vốn được coi là một trong những chuyên gia có kinh nghiệm nhất trong lĩnh vực này.
Vào giữa những năm 2000, ông tham gia chính trường với tư cách là người đứng đầu Đảng Hưu trí, được biết đến với tên Gil. Năm 2006, ở tuổi 79, ông được bầu vào Quốc hội Israel và đã có 3 năm giữ chức vụ Bộ trưởng Hưu trí và trợ cấp Israel. Khi Eitan qua đời hồi tháng 3 vừa qua, ông được Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu ghi nhận là một nhà tình báo xuất sắc của Nhà nước Do Thái, một trong những điệp viên xuất sắc nhất của Israel.