Người hồi sinh những trái tim đau

GS.TS Lê Ngọc Thành
GS.TS Lê Ngọc Thành
(PLVN) - “Nhiều người nói với tôi, dù là người sinh ra với một trái tim khỏe mạnh nhưng không hiểu sao tôi lại có thể cảm giác được cái “đau ở trái tim” của bệnh nhân. Nhưng đối với cá nhân tôi, nỗi đau lớn nhất trong đời làm bác sĩ của tôi là chứng kiến nhiều cháu bé qua đời vì bệnh tim mà không làm gì được”, GS Thành chia sẻ. 

Với hơn 32 năm công tác, GS.TS. Lê Ngọc Thành là một trong những người thuộc thế hệ xuất sắc trong lĩnh vực tim mạch và lồng ngực; là người đã đặt những viên gạch, đánh những dấu mốc quan trọng trong lĩnh vực phát triển tim mạch, đặc biệt là phẫu thuật tim hở có nội soi hỗ trợ. Trong Giải thưởng “Nhân tài Đất Việt” năm 2019, ông đã được vinh danh vì những công lao đóng góp của bản thân cũng như Trung tâm tim mạch Bệnh viện E, nơi mà ông đóng vai trò là người dẫn dắt. 

Người thấy mình “mắc nợ” bệnh nhân 

Cho đến năm 2006, mặc dù ngành tim mạch Việt Nam đã mổ được một số các ca bệnh phức tạp nhưng vẫn chưa triển khai được mổ tim hở cho bệnh nhân dưới 10kg. Với cương vị một bác sĩ, hàng ngày vẫn phải chứng kiến cảnh nhiều cháu bé chết vì bị mắc bệnh tim bẩm sinh, GS Thành nói ông thấy mình như “mắc nợ”.  

Sau bốn lần sang Pháp tu nghiệp trong giai đoạn 1989 - 2005, GS. Thành đã quyết tâm học bằng được kỹ thuật này từ người thầy, BS Yves Lecompte, một phẫu thuật viên tim bẩm sinh hàng đầu thế giới. GS Thành bắt đầu mổ những ca đầu tiên cho những bệnh nhân nhẹ cân như thông liên thất, thông liên nhĩ, tứ chứng Fallot. 

Tháng 9/2005, sau gần 40 năm thực hiện phẫu thuật tim mạch, Bệnh viện Việt Đức nơi ông công tác khi ấy đã thành công trong việc mổ tim cho trẻ nặng dưới 10kg. GS Thành chính là một trong những người tiên phong, đặt nền móng cho sự phát triển của lĩnh vực phẫu thuật tim bẩm sinh, đặc biệt là cho những bệnh nhân sơ sinh, cân nặng thấp, để từ đó tạo bước đệm cho sự phát triển mạnh mẽ như hiện nay.  

Từ ca phẫu thuật thành công này đã mở ra cơ hội sống cho trẻ mắc bệnh tim bẩm sinh. Tháng 8/2010, từ Bệnh viện Việt Đức, GS Thành được Bộ Y tế điều động và bổ nhiệm làm Giám đốc Trung tâm Tim mạch, kiêm Phó Giám đốc Bệnh viện E (nay ông là Giám đốc Bệnh viện này). GS Thành đã tập trung nguồn nhân lực, phát triển chuyên môn, đưa Trung tâm Tim mạch chỉ sau hai năm hoạt động đã là đơn vị chuyên môn kỹ thuật hàng đầu trong cả nước trong lĩnh vực phẫu thuật tim cho trẻ em; khám và điều trị cho gần 50 ngàn lượt, phẫu thuật được gần 10 ngàn bệnh nhân mắc tim, trong đó 60% bệnh nhân là trẻ em. 

Đặc biệt, trong năm 2013, dưới sự chỉ đạo của GS Thành, Bệnh viện E là cơ sở đầu tiên trên cả nước đã thực hiện thành công phẫu thuật tim hở có nội soi hỗ trợ. Đây là một kỹ thuật rất khó, đòi hỏi trang thiết bị hiện đại và nhân lực có trình độ cao mới có thể thực hiện được. 

Trong lĩnh vực phẫu thuật tim mạch, với sự tiến bộ của công nghệ, nhiều nước đã áp dụng các phương pháp phẫu thuật này. Trong khi đó, trong nước mới chỉ có những công trình công bố về phẫu thuật nội soi cho lồng ngực nói chung, như: Phẫu thuật u trung thất, phẫu thuật nội soi khoang màng phổi, phẫu thuật cắt thùy phổi với nội soi hỗ trợ… của hai trung tâm phẫu thuật lớn trong nước là Hà Nội và TP HCM. Việc triển khai mổ tim hở có nội soi hỗ trợ tại Việt Nam là một thách thức kể cả về trình độ chuyên môn lẫn cơ sở vật chất. 

GS. Thành và Trung tâm Tim mạch thuộc Bệnh viện E được vinh danh trong chương trình “Nhân tài Đất Việt” năm 2019
 GS. Thành và Trung tâm Tim mạch thuộc Bệnh viện E được vinh danh trong chương trình “Nhân tài Đất Việt” năm 2019

Kỹ thuật khó là vậy, nhưng ngay từ 2013, GS Thành và ê kíp đã bắt đầu thực hiện những ca mổ tim hở có nội soi hỗ trợ đầu tiên trên cả nước thực hiện theo kỹ thuật này. Tính từ đó tới nay, GS Thành và cộng sự đã thực hiện được gần 800 ca phẫu thuật tim có nội soi hỗ trợ và nội soi toàn bộ, bao gồm thay van hai lá, thay van động mạch chủ, vá thông liên thất, vá thông liên nhĩ, lấy u nhầy nhĩ... 

“Kỹ thuật phẫu thuật tim hở có nội soi hỗ trợ đã góp phần rất lớn, thay đổi tích cực kết quả điều trị cho người bệnh về tính thẩm mỹ, độ an toàn trong phẫu thuật tim. Đây cũng là kỹ thuật để thực hiện đề tài cấp Bộ đã được nghiệm thu. Trung tâm Tim mạch cũng là cơ sở chuyển giao kỹ thuật này cho hầu hết các đơn vị phẫu thuật tim mạch trên cả nước”, GS Thành cho biết.  

Thắp lên hy vọng “trái tim cho em”

Trong rất nhiều ca mổ mà GS Thành và ê kíp đã thực hiện, ông nhớ nhất ca mổ miễn phí cho đoàn trẻ em nghèo từ Đà Nẵng. “Đoàn lần đó khoảng hơn 20 cháu đi tàu hỏa từ trong Đà Nẵng ra Thủ đô. Tuy rất vất vả nhưng sau khi kết thúc ca mổ, không khí lúc đó tràn đầy niềm vui và tiếng cười của tập thể các y, bác sĩ khoa phẫu thuật tim mạch cùng gia đình người bệnh. Điều đặc biệt của ca phẫu thuật này là khám sàng lọc tại Đà Nẵng nhưng mổ tại Hà Nội. Các khó khăn được khỏa lấp và mọi thứ đều trọn vẹn, thành công”, GS Thành cho hay. 

Từ những ca mổ như vậy, chuyên gia hàng đầu về tim mạch này đã dần được biết tới như là một trong những người sáng lập chương trình “Trái tim cho em”, chương trình được lấy cảm hứng từ những thành công, hiệu quả của việc mổ tim miễn phí cho trẻ em nghèo.

Theo vị GS này, chính từ những ca mổ từ thiện ấn tượng, thành công, năm 2007 đã ra đời chương trình “Trái tim cho em”. Chương trình đầu tiên đã phát sóng trên Đài Truyền hình Việt Nam, ca sĩ Mỹ Linh được mời làm đại sứ thiện chí hát bên ngoài phòng mổ Bệnh viện Việt Đức khi GS Thành đang thực hiện ca mổ vá thông liên thất cho một bệnh nhi có cân nặng dưới 10kg.

GS. Thành là một trong những người thực hiện những ca mổ tim hở có nội soi hỗ trợ đầu tiên trên cả nước
GS. Thành là một trong những người thực hiện những ca mổ tim hở có nội soi hỗ trợ đầu tiên trên cả nước 

Sự ra đời của chương trình “Trái tim cho em” được khởi đầu và triển khai tại Khoa Phẫu thuật tim mạch Bệnh viện Việt Đức mà sau này từ năm 2010 được Trung tâm Tim mạch Bệnh viện E phát triển và hiện được tiến hành trên hầu hết các tỉnh từ miền Bắc tới miền Trung. Chương trình đã có nhiều hoạt động ngay từ khi bắt đầu như hỗ trợ kinh phí mổ, khám sàng lọc miễn phí ở các tỉnh, đầu tư trang thiết bị y tế cho một số cơ sở đầu ngành và bước đầu đào tạo nhân lực cho tuyến cơ sở... Chương trình “Trái tim cho em” đã giúp cho nhiều bệnh nhi mắc bệnh tim bẩm sinh được phát hiện, chẩn đoán và điều trị sớm; nhiều gia đình bệnh nhân nghèo được hỗ trợ kinh phí, tìm lại được niềm tin vào cuộc sống. 

GS Thành nhớ ngày đầu khai trương Trung tâm tim mạch, để có tiền phẫu thuật cho trẻ em mắc tim bẩm sinh, bên trong phòng mổ, khi ông cùng các bác sĩ phẫu thuật vá lành trái tim cho các con thì bên ngoài các ca sĩ vẫn cất tiếng hát để quyên góp tiền ủng hộ. “Nhiều người nói với tôi, dù là người sinh ra với một trái tim khỏe mạnh nhưng không hiểu sao tôi lại có thể cảm giác được cái “đau ở trái tim” của bệnh nhân. Nhưng đối với cá nhân tôi, nỗi đau lớn nhất trong đời làm bác sĩ của tôi là chứng kiến nhiều cháu bé qua đời vì bệnh tim mà không làm gì được”, GS Thành chia sẻ. 

Với những ca mổ thành công và “bàn tay vàng” đã được khẳng định trong 32 năm gắn bó với nghề, GS Lê Ngọc Thành đã cống hiến cho nền y học nước nhà không chỉ bằng những ca mổ thành công mà còn bằng những nghiên cứu khoa học về lĩnh vực tim mạch rất có giá trị cho thế hệ trẻ sau này học tập. Công trình khoa học "Nghiên cứu ứng dụng phẫu thuật nội soi trong điều trị một số bệnh lý tim mạch" của Trung tâm Tim mạch thuộc Bệnh viện E mà ông là đại diện được vinh danh trong Chương trình “Nhân tài Đất Việt” năm 2019 chỉ là một tấm huy chương nhỏ để vinh danh trí tuệ và niềm yêu thương vô bờ bến mà vị GS đem tới cho cuộc đời. 

Tin cùng chuyên mục

Việc hút thuốc lá ở độ tuổi thanh thiếu niên gây ra nhiều nguy cơ ảnh hưởng đến sức khoẻ thể chất và sức khoẻ tâm thần.

Dấu hiệu giúp phụ huynh nhận biết con đang sử dụng thuốc lá điện tử

(PLVN) - Thuốc lá điện tử ngày càng trở nên phổ biến trong giới trẻ với hình thức hiện đại và hương vị đa dạng. Tuy nhiên, đằng sau vẻ ngoài “ vô hại ” ấy lại là hàng loạt nguy cơ đối với sức khỏe thể chất và tâm thần. Ths. Bác sĩ Nguyễn Thành Long, chuyên gia tại Viện Sức khỏe Tâm thần (Bệnh viện Bạch Mai) đưa ra những cảnh báo và biểu hiện giúp các bậc phụ huynh nhận biết và ngăn chặn kịp thời việc con em mình sử dụng loại sản phẩm nguy hiểm này.

Đọc thêm

Bệnh viện Y Dược cổ truyền và PHCN tỉnh Phú Thọ áp dụng phương pháp mới phục hồi vận động sau chấn thương cột sống

Bệnh viện Y Dược cổ truyền và PHCN tỉnh Phú Thọ áp dụng phương pháp mới phục hồi vận động sau chấn thương cột sống
(PLVN) - Gần đây, Bệnh viện Y Dược cổ truyền và Phục hồi chức năng (PHCN) tỉnh Phú Thọ đã điều trị phục hồi chức năng thành công lấy lại khả năng vận động cho người bệnh N.T.H bị chấn thương cột sống bằng phương pháp y học cổ truyền kết hợp phục hồi chức năng.

Nhiều khó khăn, thách thức trong công tác phòng, chống tác hại thuốc lá năm 2025

Nhiều khó khăn, thách thức trong công tác phòng, chống tác hại thuốc lá năm 2025
(PLVN) - Trao đổi với các đối tác tại Việt Nam, Giám đốc cao cấp chương trình Sức khỏe cộng đồng của Quỹ Sáng kiến Bloomberg, công tác phòng, chống tác hại thuốc lá ở Việt Nam còn nhiều khó khăn, thách thức phía trước. Bộ Y tế cần xây dựng thêm công cụ và hướng dẫn để ngăn ngừa sự xuất hiện của các sản phẩm thuốc lá mới, cũng như việc sử dụng thuốc lá điện tử và thuốc lá nung nóng...

Cẩn trọng với "thầy thuốc" online

Người dân nên tiếp cận thông tin trên mạng xã hội từ các nguồn uy tín. (Ảnh: PV)
(PLVN) -  Việc tiếp nhận thông tin chưa được kiểm chứng, không bảo đảm độ chính xác tiềm ẩn nhiều rủi ro. Đặc biệt trong lĩnh vực y tế và sức khỏe có thể gây ra hậu quả nghiêm trọng, thậm chí ảnh hưởng trực tiếp đến tính mạng con người.

Tìm giải pháp đưa Việt Nam ra khỏi 'top quốc gia' có tỷ lệ hút thuốc lá cao nhất thế giới

Tìm giải pháp đưa Việt Nam ra khỏi 'top quốc gia' có tỷ lệ hút thuốc lá cao nhất thế giới
(PLVN) - Trong khi hút thuốc lá là yếu tố nguy cơ đứng thứ hai gây tử vong và bệnh tật, song Việt Nam vẫn là một trong những nước có tỷ lệ nam giới hút thuốc lá cao nhất trên thế giới. Trước thực trạng này, các chuyên gia đã trao đổi về những thách thức còn tồn tại để tìm ra các giải pháp thực hiện tốt hơn nữa mục tiêu phòng, chống tác hại của thuốc lá.

Hà Nội: Xử lý nghiêm các cơ sở vi phạm an toàn thực phẩm

Đoàn kiểm tra liên ngành công tác ATTP kiểm tra tại một cơ sở. (Ảnh: Bích Hằng)
(PLVN) - Ông Đặng Thanh Phong - Chi cục trưởng Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm (ATVSTP) cho biết, Thành phố hiện có hơn 72.000 cơ sở sản xuất, kinh doanh và chế biến thực phẩm, trong đó ngành Y tế quản lý khoảng 39.000 cơ sở. Cơ quan chức năng đã tăng cường thanh, kiểm tra và giám sát ATVSTP tại các cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ ăn uống, thức ăn đường phố, bếp ăn tập thể.