Một phụ nữ 67 tuổi, cư dân nơi ông sống tại Củ Chi, dẫn cháu gái nhỏ đến viếng đám tang và nói: “Đường sá, trường lớp quanh đây khang trang cũng nhờ cậu Sáu (danh xưng mà bà con ở đây trìu mến gọi ông Khải) vận động xây dựng. Tụi tui coi cậu Sáu như một người hàng xóm tốt bụng”. Dẫn cháu gái đến viếng ông Khải, bà mong muốn sau này cháu sống tốt như ông, được nhiều người trọng.
Trong mấy ngày qua, tại nhà riêng của nguyên Thủ tướng Phan Văn Khải ở xã Tân Thông Hội, huyện Củ Chi, TP Hồ Chí Minh đã có rất nhiều người dân đến viếng ông, kéo dài đến tận đêm khuya. Không chỉ những cư dân vùng đó mà có nhiều người từ những địa phương khác cũng đến, họ đi bằng xe máy, mang theo cả gia đình, trẻ em. Đó là một sự thể hiện tình cảm mộc mạc, chân thành mà người dân dành cho một cán bộ lãnh đạo cao cấp, từng gắn bó nhiều năm với thành phố này. Riêng chỉ điều này thôi cũng đủ để hiểu được ông Phan Văn Khải là con người như thế nào, ông sống với mọi người ra sao, chưa nói đến công trạng của ông cống hiến cho đất nước. Chắc chắn, không có nhiều người như ông, được nhân dân quý mến, kính trọng và bày tỏ sự thương tiếc xuất phát từ tâm can mình.
“Nghĩa tử là nghĩa tận”, đạo lý là như vậy nhưng với trường hợp của ông Phan Văn Khải, cái nghĩa mà bà con cô bác dành cho ông sẽ không bao giờ “tận” cả. Ông mất đi để lại tiếc thương cho mọi người và sự ra đi đó vẫn còn cống hiến cho đất nước theo nghĩa là treo một tấm gương lớn của người cán bộ cách mạng, người lãnh đạo vì dân.
Từ nay, vắng bóng bác Sáu Khải bình dị trong quán cắt tóc người Củ Chi, hàng xóm không còn người bạn trà tâm đắc Hai Khải, cô bác không còn được thấy “ông già Củ Chi” nón lá, áo thun đi thăm hỏi mọi người, cho sách thiếu nhi..., nhưng có lẽ còn mãi trong tâm khảm người dân và trong những câu chuyện với con cháu mai sau về một nguyên thủ quốc gia mà gần gũi, thân thương như người nhà, như cha chú. Xin thắp nén hương lòng, vĩnh biệt ông, một tấm gương chói ngời, tiêu biểu trong một giai đoạn lịch sử nước nhà!