Rau trái vụ “hút” khách
Cuối tuần qua, Hà Nội mua gió tầm tã, nhưng “Tuần lễ Nhãn và nông sản toàn tỉnh Sơn La 2018” vẫn thu hút đông bà nội trợ Thủ đô vì hầu hết, các sản phẩm đem về giới thiệu với người tiêu dùng Thủ đô lần này đều các mặt hàng nông sản an toàn đạt Chứng nhận VietGAP, GobalGAP. Trong đó, quả nhãn vùng Sông Mã là mặt hàng chủ lực.
Theo Ban tổ chức, dịp này, ngoài loại quả đặc sản nói trên, tỉnh Sơn La còn có một gian hàng để giới thiệu các sản phẩm rau trái vụ như bắp cải, đậu cô ve, su su, cà chua,... của huyện Vân Hồ. Đây là các sản phẩm của chương trình Sinh kế cộng đồng có tên “Hỗ trợ nông dân huyện Vân Hồ, tỉnh Sơn La”, thuộc dự án hợp tác giữa Central Group Việt Nam và tổ chức phi chính phủ ACIAR (Úc).
Với điều kiện thuận lợi đầu tư phát triển các vùng sản xuất tập trung quy mô lớn cùng 2 cao nguyên nổi tiếng (Mộc Châu và Nà Sản), tỉnh Sơn La dường như đang rất lợi thế về phát triển nông nghiệp, để cung cấp và chiếm lĩnh thị trường rộng lớn Hà Nội, như ở phía Nam - tỉnh Lâm Đồng, với thương hiệu rau quả Đà Lạt phủ khắp các siêu thị lớn ở TP HCM và các tỉnh phía Nam.
Với đà trên, năm nay Sơn La tiếp tục xây dựng, phát triển thương hiệu cho 12 sản phẩm như: Na Mai Sơn; bơ Mộc Châu; cá tầm sông Đà; táo Sơn Tra; chè Phổng Lái - Thuận Châu; gạo nếp Mường Và - Sốp Cộp; rau an toàn Sơn La; mận hậu; chuối - Yên Châu… Đặc biệt, đến thời điểm này, Sơn La đã duy trì được 15 chuỗi sản xuất nhãn an toàn, sản lượng được chứng nhận theo tiêu chuẩn VietGAP khoảng 5.000 tấn, trong đó 1.500 tấn được cấp mã số vùng trồng đủ điều kiện xuất khẩu vào các thị trường Úc, Mỹ, Nhật, Hàn Quốc, ASEAN.
Trao đổi với PLVN, ông Vũ Đức Thuận - Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư, Giám đốc Trung tâm Xúc tiến đầu tư tỉnh Sơn La cho hay, thực hiện chương trình hợp tác giữa Sơn La và Hà Nội, những năm gần đây, với sự hỗ trợ của Sở Công Thương của hai địa phương, tỉnh này đã tăng cường quảng bá, giới thiệu sản phẩm an toàn của tỉnh Sơn La tại các chương trình hội chợ có hiệu quả.
“Đưa hàng Việt về nông thôn, tổ chức hội thảo kết nối các nhà sản xuất Sơn La với các nhà phân phối tại Thủ đô đã được thực hiện. Cụ thể, thông qua hệ thống phối tại Siêu thị Big C lần này, Sơn La hy vọng, những sản phẩm nông sản an toàn, nhất là quả nhãn của chúng tôi sẽ được nhiều người dùng trong nước và nước ngoài biết đến”, Phó Giám đốc Thuận nói. Qua đó, hệ thống thúc đẩy sản xuất, tiêu thụ, xuất khẩu giúp bà con nhân dân có thu nhập kinh tế, ổn định đời sống nhân dân các dân tộc vùng sâu, vùng xa, vùng cao biên giới, vùng đặc biệt khó khăn của tỉnh Sơn La.
“Đắt xắt ra miếng”
Quan sát tại “Tuần lễ Nhãn và nông sản toàn tỉnh Sơn La 2018” nhận thấy, người tiêu dùng Thủ đô đặc biệt quan tâm tới các loại hoa quả vốn trước đây chỉ được cung cấp bởi các nhà vườn Nam bộ hoặc Tây Nguyên. Trao đổi với phóng viên, nhiều khách hàng nữ đều nói, trước đó thường chọn mua rau, hoa quả tại chợ luôn nơm nớp lo vì sợ “ngấm” thuốc bảo vệ thực vật. Khắc phục tình trạng này, nhiều người phải nhờ một số người quen đặt “hàng quê” có địa chỉ, nhưng số lượng có hạn, không thể đủ cho nhu cầu sử dụng.
Mang đến tuần lễ này, hai sản phẩm chủ đạo là bơ và nhãn, ông Nguyễn Văn Duyến - Giám đốc HTX bản Ta Lít (xã Trường Hấp, huyện Mộc Châu, tỉnh Sơn La) cho biết, chỉ trong một ngày cuối tuần vừa rồi, sau vài tiếng bán hàng, gian hàng của HTX ông đã bán hết veo những thùng hàng mang đến hội chợ. “Nhu cầu thì đang lớn, nhưng do ảnh hưởng mưa lũ, giao thông bị cản trở nên chưa có hàng về kịp để giới thiệu tới người tiêu dùng”, lời ông Duyến.
Đáng mừng là phần lớn những sản phẩm đều được sản xuất theo VietGAP, có giá thành khá cao so với các mặt hàng cùng loại nhưng vẫn không hề ảnh hưởng đến sức mua của người dân Thủ đô, thậm chí còn được đón nhận rất nhiệt tình.
“Có những loại rau xanh bị giập lá do vận chuyển nhưng người tiêu dùng vẫn sẵn sàng bỏ tiền mua. Sau tuần lễ, Hợp tác xã chúng tôi hy vọng người tiêu dùng Thủ đô và các địa phương khác sẽ biết và nhận diện chính xác phẩm nông sản an toàn Sơn La, để những mặt hàng này có thể vào sâu hơn các kênh siêu thị tại Thủ đô”, ông Duyến mong muốn.