Trên tuyến phố Văn Cao, Thành Công..., không khó để thấy nhiều người dân ôm cặp lồng xếp hàng trước quán phở chờ đợi thưởng thức bát phở nóng hổi sau gần 2 tháng thực hiện giãn cách xã hội.
Chị Tạ Thị Sâm, Văn Cao, Ba Đình, chia sẻ: "Tôi đang rất hào hứng mua phở về cho cả gia đình ăn sáng. Tôi xếp hàng ở đây 30 phút rồi nhưng quán đông nên chưa đến lượt. Trong thời gian đứng đợi, tôi và mọi người xung quanh đều đảm bảo thực hiện đúng theo quy định phòng chống dịch".
Điều đầu tiên chị Nguyễn Thu Phương (phố Nguyên Hồng) làm sau khi Hà Nội nới lỏng giãn cách chính là đi mua phở. "Sau gần 2 tháng mới được thưởng thức món phở nóng, cảm giác vui và hạnh phúc. Trải nghiệm hơn 50 ngày ở nhà, cũng thấy lo lắng về dịch bệnh phức tạp, khi ra đường lại yên tâm hơn. Mọi người thực hiện các quy định phòng chống dịch rất tốt".
Chủ một quán phở Văn Cao cho biết, khách mua hàng đông hơn với so với nguyên liệu chị chuẩn bị. "Mới bán được một lúc buổi sáng đã hết hàng. Tôi đang cố gắng làm thêm để phục vụ khách", chủ quán nói.
Để chuẩn bị mở bán hàng, anh Nguyễn Mạnh Hùng, chủ quán phở Hùng và nhân viên đã làm công tác dọn dẹp, vệ sinh trước một ngày. May mắn hơn những chủ cửa hàng khác, anh Hùng không lo lắng nhiều về chi phí thuê mặt bằng những ngày phải đóng cửa quán do dịch bệnh. Dù vậy, anh Hùng rất vui mừng khi quán phở được kinh doanh trở lại, vì đây là nguồn thu nhập chính của gia đình.
"Tôi không tăng giá, một bán phở chỉ dao động từ 30 đến 50 ngàn đồng. Dịch bệnh ảnh hưởng nhiều đến kinh tế của mọi người, tôi không lợi dụng cơ hội này để tăng giá", chủ quán phở Hùng nói.
Để kịp mở bán sáng hôm nay, gần như cả đêm qua chủ và nhân viên quán phở Lý Quốc Sư ở Lý Quốc Sư chuẩn bị nguyên liệu. "Từ sáng đến giờ thì chúng tôi bán được khá nhiều, nhưng do vội quá nên chưa chuẩn bị được mã QR code để khách hàng có thể khai báo y tế", chủ quán phở Lý Quốc Sư phân trần.
Nhiều quán mở hàng từ sáng sớm. Ảnh: Mỵ Châu |
Người dân ôm cặp lồng chờ đợi trước quán. Ảnh: Mỵ Châu |
Chủ cửa hàng phở gà tại số 71 Văn Cao tất bật chuẩn bị đồ ăn mang về cho khách. Ảnh: Mỵ Châu |
Người dân xếp hàng đợi mua tại quán phở Hùng cơ sở tại Thành Công, Ba Đình. Ảnh: Mỵ Châu |
Giá một bát phở dao động từ 30 đến 50 ngàn đồng. Ảnh: Mỵ Châu |
Phở Cúc tại Thành Công, Hà Nội. Ảnh: Mỵ Châu |
Tất cả quán phở đều chuẩn bị hộp để người dân mang về, đảm bảo độ nóng của phở. Ảnh: Mỵ Châu |
Phở Lý Quốc Sư, Văn Cao. Ảnh: Mỵ Châu |
Người dân chấp hành quy định khoảng cách khi đứng đợi phở mang về |
Dù mang về nhưng bát phở vẫn nóng hổi, thơm phức, chất lượng. Ảnh: Mỵ Châu |
Các cơ sở kinh doanh, dịch vụ hoạt động theo sự quản lý, giám sát, kiểm tra của chính quyền địa phương. Thực hiện đầy đủ các biện pháp phòng chống dịch theo quy định, yêu cầu khai báo y tế bắt buộc với nhân viên; thực hiện SK; quét mã QR bắt buộc với khách đến mua hàng, thường xuyên vệ sinh, khử khuẩn tại cơ sở; hạn chế tối đa tiếp xúc trực tiếp. Chủ các cơ sở kinh doanh, dịch vụ phải cam kết và chịu trách nhiệm thực hiện nghiêm các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19 theo quy định.Trước đó, từ 12 giờ ngày 16/9, đối với các địa bàn các quận, huyện, thị xã chưa ghi nhận ca nhiễm trong cộng đồng (từ ngày 3/9) cho phép hoạt động trở lại một số cơ sở kinh doanh như: Cơ sở kinh doanh văn phòng phẩm, sách, thiết bị, đồ dùng học tập.
Cơ sở kinh doanh dịch vụ sửa chữa phương tiện giao thông, điện tử, điện lạnh và đồ gia dụng.
Cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống (chỉ bán hàng mang về) và đóng cửa trước 21 giờ hàng ngày.