Trung tâm Quản lý giao thông công cộng Hà Nội vừa phối hợp Trường đại học Công nghệ Giao thông vận tải triển khai thí điểm “Mô hình xe điện 2 bánh kết nối tuyến BRT, từ nhà chờ BRT Văn Khê đến Trung tâm thương mại Aeon mall Hà Đông”.
Mục tiêu của chương trình này nhằm hình thành thói quen sử dụng các loại phương tiện giao thông xanh, đồng thời phát triển mô hình kết nối đầu cuối các phương tiện vận tải hành khách công cộng bằng xe điện 2 bánh, góp phần nâng cao chất lượng môi trường không khí tại thành phố Hà Nội.
Hai loại xe điện được sử dụng gồm xe máy điện và xe đạp điện trợ lực. Khu vực thí điểm từ Trung tâm thương mại Aeon mall Hà Đông đến nhà chờ tuyến buýt nhanh BRT Văn Khê.
Thời gian thí điểm trong tháng, từ 8 giờ 30 phút sáng đến 21 giờ tối hằng ngày, từ ngày 28/11/2022 đến 28/5/2023.
Lộ trình tuyến: Đường cổng chính vào khu đô thị Dương Nội, qua khu An khang Villa, rẽ phải theo đường công viên, rẽ trái ra Ngô Thì Nhậm kéo dài (mặt trước công viên Thiên Văn Học), vào cổng số 5 của Trung tâm thương mại Aeon Mall Hà Đông. Cự ly tuyến 2,3km. Phương tiện kết nối: xe máy điện Ludo Vinfast, xe máy điện TAILG, xe đạp trợ lực điện QIQ.
Khi hành khách ở Trung tâm thương mại Aeon mall Hà Đông có nhu cầu sử dụng xe buýt nhanh BRT sẽ có nhân viên hỗ trợ cài đặt ứng dụng trên điện thoại và khai báo thông tin cá nhân. Sau khi thông tin được chấp nhận, người dùng được mượn xe điện hai bánh để di chuyển ra khu vực nhà chờ buýt nhanh BRT điểm Văn Khê rồi trả xe, đón xe buýt BRT. Quy trình từ nhà chờ BRT đến Trung tâm thương mại Aeon mall Hà Đông cũng tương tự.
Những người sử dụng phương tiện cá nhân có thể gửi lại tại hai điểm đầu-cuối, rồi mượn xe điện hai bánh để di chuyển ra điểm đón xe buýt thường hoặc buýt BRT. Quá trình di chuyển từ hai điểm này được lưu trữ, theo dõi trong hệ thống thông qua ứng dụng đã cài đặt trước đó. Hệ thống này đồng thời cung cấp các chức năng cần thiết cho mô hình chia sẻ xe điện gồm việc theo dõi tình trạng pin cho xe và tăng báo động trong trường hợp có vấn đề phát sinh.
Trong thời gian thí điểm, người dân không phải trả phí dịch vụ, được miễn phí sử dụng hoàn toàn phương tiện. Kinh phí thực hiện từ nguồn tài trợ của Ủy ban châu Âu (EC) và hỗ trợ của các cơ quan tham gia thực hiện phương án thí điểm.
"Sau thời gian thí điểm, Hà Nội sẽ nghiên cứu nhân rộng mô hình ra các điểm khác, nhằm khuyến khích người dân sử dụng vận tải hành khách công cộng", Phó Giám đốc Sở Giao thông vận tải Hà Nội cho biết.
Theo ông Vũ Ngọc Khiêm, Chủ tịch Hội đồng Trường Đại học Công nghệ Giao thông Vận tải: "Đây là hình thức còn khá mới mẻ ở Việt Nam, việc bàn giao tài sản của dự án cho người dân cũng đồng nghĩa với việc ý thức của người dân phải nâng cao và rất mong muốn người dân ủng hộ chương trình như thế này để phát triển lâu dài".