Năm ông 11 tuổi, gia đình chuyển vào Khánh Hòa, nhưng giai điệu của nghệ thuật bài chòi vẫn luôn đầy ắp trong cuộc sống gia đình mỗi ngày. Tình yêu và đam mê đó theo ông đến bây giờ. Ở tuổi thiếu niên, ông đã có thể hát được bốn làn điệu chính của bài chòi cổ là Xuân nữ, Xàng xê, Cổ bản, Hò quảng. Ở tuổi 19, đôi mươi, ông bắt đầu “rinh” về nhiều huy chương vàng, bạc trong các kỳ liên hoan, hội diễn nghệ thuật quần chúng.
Điều đặc biệt là ông Hai Điểm không theo học trường lớp nào cả. “Tôi hát rồi tự rút ra cho mình những chỗ được và những chỗ cần chỉnh sửa. Còn trong những kỳ đi hội diễn văn nghệ quần chúng, tôi nhờ anh em, bạn bè chỉ dạy, sửa những chỗ chưa tốt để rút kinh nghiệm” - ông Hai Điểm cho biết. Dù vậy, tài năng của nghệ nhân Nguyễn Tuấn Anh lại được giới chuyên môn đánh giá cao.
Ngoài hát để thỏa mãn niềm đam mê riêng, ông còn âm thầm truyền dạy nghệ thuật bài chòi cho nhiều người, trong đó có cả những người trẻ. Qua những hội diễn văn nghệ quần chúng, chị Đào Thị Kim Loan (trú phường Cam Phúc Bắc, TP.Cam Ranh, tỉnh Khánh Hòa) biết đến ông và theo học đến nay đã gần mười năm. Hiện chị đang là một hạt nhân phong trào văn nghệ ở phường Cam Thuận, TP.Cam Ranh. Chị Loan chia sẻ: “Ông chỉ bảo rất tận tâm và nhiệt tình. Sau một thời gian theo học, tôi đã có thể hát được bốn làn điệu dân ca bài chòi cổ. Trong những tiết dạy cho các em học sinh mầm non ở trường, tôi cũng xen vào những điệu lý, điệu bài chòi đơn giản để gieo sự yêu mến bài chòi đến các em”.
Gần 50 năm sống với niềm đam mê và hát bài chòi, ông càng vui hơn khi những làn điệu ấy ngày càng được nhiều người quan tâm. Ông mong các câu lạc bộ bài chòi tiếp tục được nhân rộng để lan tỏa nghệ thuật truyền thống này đến với nhiều thế hệ mai sau.
Vừa qua, nghệ nhân Nguyễn Tuấn Anh có tên trong danh sách các nghệ nhân được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch trình lên Thủ tướng Chính phủ, đề nghị xét tặng danh hiệu Nghệ nhân ưu tú trong lĩnh vực di sản văn hóa phi vật thể lần thứ ba.