WB đánh giá, trong điều kiện tăng trưởng toàn cầu dự báo tăng 3,4% (2015) và 3,5% (2016), mức tăng trưởng của các nước đang phát triển tăng từ 4,8% (2014) lên 5,5% (2016) cho phép Việt Nam “củng cố hơn nữa những thành quả về ổn định kinh tế vĩ mô”.
Tuy nhiên, WB cũng chỉ ra kinh tế Việt Nam đang đối mặt với nhiều thách thức về khả năng cạnh tranh. Cùng với đó, mức thâm hụt tài khóa tăng lên cho thấy ngày càng nhiều thách thức vĩ mô cho nền kinh tế. Tình hình nợ công, dự kiến tăng lên 55-57% (gần đến ngưỡng) vẫn dễ bị ảnh hưởng bởi những cú sốc mang tính hệ thống.
Lực cầu yếu do lòng tin chưa đủ mạnh
Từ đó, WB dự báo, trong trung hạn, tăng trưởng GDP của Việt Nam vẫn ở mức khiêm tốn với những rủi ro kinh tế khi cầu khu vực tư nhân trong nước yếu và dễ bị ảnh hưởng trước những diễn biến bất lợi, những căng thẳng ở biển Đông; khu vực ngân hàng vẫn dễ bị ảnh hưởng bởi khả năng thay đổi bất ngờ về lòng tin của người gửi tiền và những tin tức ngoài dự kiến về biến động giá bất động sản hay lợi nhuận của các doanh nghiệp nhà nước (DNNN).
Ông Sandeep Mahajan - Chuyên gia kinh tế Trưởng của WB - lý giải nguyên nhân chính khiến Việt Nam không đạt mức tăng trưởng 6% là do lực cầu trong nước còn yếu, chủ yếu do lòng tin của các nhà đầu tư tư nhân trong nước bị giảm qua thời gian và sự yếu ớt về nhu cầu tiêu dùng của khu vực tư nhân trong nước. Tình trạng 90% vốn của các ngân hàng đang nằm trong trái phiếu, tín phiếu (đầu tư vào khu vực công) phản ánh tình trạng khu vực ngân hàng đang “ngại rủi ro”, thiếu niềm tin vào khu vực tư nhân trong nước. Còn bản thân các doanh nhân cũng không tin tưởng vào chiến lược kinh doanh trong nước nên dư nợ tín dụng tăng ít hơn mức thanh khoản.
Cũng theo ông Sandeep Mahajan, Chính phủ đã tăng chi tiêu công để kích cầu, nhưng với tỷ lệ nợ công hiện nay cũng không còn nhiều khả năng để tăng chi tiêu công hơn nữa trong thời gian tới.
Tăng trưởng dài hạn phụ thuộc kết quả cơ cấu nền kinh tế
Mặc dù trước mắt có thể thuận lợi nhưng hiện đang tồn tại những rủi ro đối với tăng trưởng kinh tế của Việt Nam trong dài hạn. Theo bà Victoria Kwakwa - Giám đốc Quốc gia của WB tại Việt Nam - tiến độ cải cách hệ thống ngân hàng và DNNN chậm có thể kéo dài giai đoạn tăng trưởng dưới mức tiềm năng của Việt Nam. Ngoài ra, sự căng thẳng kéo dài của tình hình biển Đông cũng làm trầm trọng thêm các rủi ro này.
Để khôi phục tiềm năng tăng trưởng trung hạn, đòi hỏi Việt Nam phải đẩy mạnh quan tâm đến những cải cách cơ cấu - tập trung vào tái cơ cấu các DNNN và khu vực ngân hàng trong nước, đồng thời xóa bỏ những rào cản đối với đầu tư tư nhân trong nước.
Bà Victoria Kwakwa nhấn mạnh: “Tăng trưởng dự báo ở mức 5,4% vẫn cao hơn nhiều quốc gia trong khu vực và trên thế giới, nhưng mức tăng trưởng đó vẫn chưa tương xứng với tiềm năng của Việt Nam. Trong ngắn hạn, tăng trưởng kinh tế vẫn ở mức khiêm tốn do cầu trong nước còn yếu. Còn triển vọng dài hạn phụ thuộc vào việc Việt Nam có thể nhanh chóng giải quyết những vấn đề cơ cấu của nền kinh tế đến đâu để có thể nâng cao hiệu quả kinh tế và năng lực cạnh tranh của quốc gia”, vì tái cơ cấu nền kinh tế sẽ tạo dư địa cho khu vực tư nhân phát triển, để nguồn lực được phân bổ cho những mục đích sử dụng hiệu quả nhất cho nền kinh tế; đồng thời phải cải thiện môi trường đầu tư và kinh doanh để các DN tư nhân không mất nhiều thời gian “đối phó” với những phức tạp của môi trường mà tập trung vào phát triển các chiến lược kinh doanh của mình.
Cứ 1 triệu người có 1 người “siêu giàu”
Trong khi Việt Nam đạt mức tăng trưởng cao thì bất bình đẳng về thu nhập chỉ tăng ở mức khiêm tốn trong thời gian qua, ngược lại với nhiều quốc gia, tăng trưởng thường đi kèm với mức tăng lớn trong bất bình đẳng về thu nhập. Đo lường sự “chia sẻ thịnh vượng” bằng tỷ lệ tăng trưởng mức thu nhập bình quân của nhóm 40% dân số nghèo nhất ở Việt Nam, WB nhận thấy từ năm 1993 đến năm 2002, tỷ lệ này tăng 9%/năm – là tỷ lệ tăng cao nhất trên thế giới.
Tuy nhiên, theo WB, sự bất bình đẳng về thu nhập vẫn phát sinh ở Việt Nam phản ánh sự khác biệt đáng kể về điều kiện kinh tế theo nhóm dân tộc và vùng miền. Bên cạnh đó là khoảng cách giữa những người rất giàu và phần đông người Việt Nam, cũng như tình trạng bất bình đẳng đáng kể về cơ hội. Ông Gabriel Demombynes (chuyên gia kinh tế cao cấp, WB) cho biết, theo một công ty tư vấn toàn cầu, cứ 1 triệu người Việt Nam có 1 người “siêu giàu”. Việt Nam có khoảng 110 người “siêu giàu” vào năm 2013, tăng 34 người so với năm 2003. Số người “siêu giàu” ở Việt Nam tương đương với các quốc gia khác cùng mức thu nhập như Việt Nam.