Hôm qua (31/5), với sự hợp tác của Liên minh châu Âu (EU), Chính phủ Đan Mạch và Thụy Điển thông qua Chương trình Đối tác Tư pháp (JPP), Bộ Tư pháp đã tổ chức Hội nghị quốc gia trong 2 ngày về hỗ trợ pháp lý miễn phí cho xã hội. Đây là lần đầu tiên diễn ra một hội nghị tầm cỡ quốc gia để bàn thảo việc phát triển hệ thống cung cấp dịch vụ pháp lý miễn phí cho những người không đủ khả năng chi trả cho luật sư hoặc không biết cách tiếp cận với các cơ quan tư pháp.
Toàn cảnh hội nghị |
Tạo bình đẳng cho tiếp cận công lý
Phát biểu khai mạc Hội nghị, Thứ trưởng Bộ Tư pháp Hoàng Thế Liên khẳng định: Trong công cuộc cải cách tư pháp, cải cách hành chính và hội nhập kinh tế quốc tế, xây dựng Nhà nước pháp quyền XHCN, chế định trợ giúp pháp lý (TGPL) thực sự là chế định không thể thiếu được. Bởi lẽ, một trong các tiêu chí của Nhà nước pháp quyền là quyền bình đẳng trong tiếp cận công lý, bất kể là người giàu hay nghèo đều được pháp luật bảo vệ như nhau.
Với mục tiêu ấy, trong thời gian qua, 63 Trung tâm TGPL nhà nước, 201 Chi nhánh của Trung tâm, 260 tổ chức hành nghề luật sư và 160 Trung tâm tư vấn pháp luật thuộc các tổ chức xã hội đã đăng ký tham gia TGPL. Qua đó, TGPL đã đạt được những kết quả đáng ghi nhận, góp phần vào sự nghiệp an sinh xã hội và ổn định xã hội của Đảng và Nhà nước, góp phần bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người nghèo, dân tộc thiểu số, những người thuộc đối tượng chính sách, người có công với cách mạng, người khuyết tật…
Tuy nhiên, công tác TGPL hiện nay ở Việt Nam đang gặp một số khó khăn, bất cập, đòi hỏi phải đổi mới. Vì vậy, theo Thứ trưởng, công tác này rất cần sự hỗ trợ tích cực từ các tổ chức quốc tế, các quốc gia trong việc cung cấp vật lực, trí lực và tài lực để nghiên cứu xây dựng mô hình TGPL phù hợp với điều kiện cụ thể ở Việt Nam và hội nhập quốc tế.
Đại sứ EU Franz Jensen cũng nhấn mạnh: “Khả năng tiếp cận tư vấn và đại diện pháp lý là công cụ cơ bản, giúp bảo đảm sự công bằng trong quá trình tố tụng. TGPL là một phần quan trọng của quyền này và cần được ưu tiên để đảm bảo tiếp cận công lý tốt hơn. EU, Đan Mạch và Thụy Điển cam kết thông qua JPP hỗ trợ các thể chế và nhà cung cấp TGPL nhằm cải thiện tiếp cận công lý”.
Tham dự Hội nghị, các đại biểu cho rằng TGPL và tư vấn pháp luật là một phần quan trọng trong chính sách của Chính phủ Việt Nam, nhằm tăng cường hệ thống tư pháp, các quyền dân chủ và một hệ thống tư pháp phục vụ nhân dân. Các kết quả Hội nghị được kỳ vọng sẽ đóng góp cho sự phát triển của hệ thống hỗ trợ pháp lý miễn phí ở Việt Nam, hướng tới bảo đảm các quyền của công dân.
Phải “vào cuộc” bằng tấm lòng
Thường xuyên cập nhật thông tin trên các phương tiện truyền thông về các đối tượng cần được TGPL để tham gia TGPL kịp thời là một phương châm của Đoàn Luật sư (LS) TP.HCM đối với hoạt động TGPL được chia sẻ tại Hội nghị và có thể coi là một kinh nghiệm giá trị trong việc nghiên cứu đổi mới công tác TGPL tới đây. LS Nguyễn Hữu Thế Trạch dẫn chứng bằng một số vụ việc điển hình và đều đạt kết quả.
Chẳng hạn, vụ bé Hồ Thị Bông (sinh năm 1998) bị Hồ Thị Ba (sinh năm 1951) bắt đi xin tiền người đi đường rồi về nộp lại cho Hồ Thị Ba. Những ngày bé Bông không xin được tiền thì bị Thị Ba đánh đập dã man, thậm chí tạt nước sôi vào người… Khi nhận được nguồn tin, Ban Chủ nhiệm Đoàn đã cử LS tiếp cận ngay và đưa vụ việc ra cơ quan có thẩm quyền để xử lý Hồ Thị Ba (Bản án sơ thẩm số 49/2008/HSST của TAND quận 2).
Hay vụ học sinh trường Trần Phú, quận 10 bị nhóm 5 dân quân tự vệ đánh đập dã man, ngay khi biết thông tin, Ban Chủ nhiệm Đoàn luật sư TP HCM đã cử ngay luật sư đi xác minh, TGPL miễn phí cho các học sinh trường Trần Phú, giúp các em ổn định về tinh thần và chuyển vụ việc đến cơ quan điều tra yêu cầu xử lý các đối tượng gây ra cho các em (Bản án sơ thẩm số 115/2008/HSST của TAND quận 10 TP.HCM).
Nhiều đại biểu đồng tình với quan điểm rằng “cho dù là hoạt động miễn phí thì những người thực hiện TGPL phải luôn thể hiện hết vai trò, ý thức được nhiệm vụ cao cả của mình”. Còn LS Trạch lại bày tỏ một phương châm khác của Đoàn, đó là “miễn phí không có nghĩa là thí”.
Thục Quyên