Người già không muốn mình vô dụng

(PLO) - Lẽ thường, xưa nay, theo nghĩa hiếu thuận, người già phải được nghỉ ngơi, phụng dưỡng. Thế nhưng thực tế, khi cuộc sống càng hiện đại, người già còn khoẻ mạnh, minh mẫn thì lao động phù hợp cũng là cách để họ thấy mình không thừa thãi. Bởi còn lao động là còn tồn tại và họ cảm thấy mình không vô dụng trong guồng quay của cuộc sống này…
Mưu sinh ở tuổi… 90
Gần 40 năm qua tại góc đường Trần Hưng Đạo và Phạm Ngũ Lão, quận 1 (TP.HCM), người ta luôn thấy một bà cụ tóc bạc, lưng còng, thoăn thoắt mời mọi người ghé vào hàng nước của bà. Bất kể khách là người Việt hay người ngoại quốc, bà đều nhiệt tình tiếp đón và chào hỏi bằng các ngôn ngữ khác nhau. 
“Dì ba” Trần Thị Định
“Dì ba” Trần Thị Định 
Bà tên thật là Trần Thị Định nhưng chỉ thích mọi người gọi mình bằng cái tên thân thuộc là “bà Ba”, “dì Ba”. Bà Ba năm nay đã 87 tuổi, có con cháu, nhà cửa ổn định nhưng lại không thích nằm một chỗ vào những ngày tháng cuối đời. Dù con bà luôn khuyên bà ở nhà nghỉ ngơi nhưng bà vẫn thích đội nắng, đội mưa bán nước giải khát vỉa hè. 
Bà nói, bà đã bán ở hàng nước này suốt 37 năm qua, hàng nước của hai vợ chồng đã nuôi 3 người con khôn lớn, bà cũng đã nhìn thấy bao nhiêu sự đổi thay của Sài Gòn từ góc đường này, giờ bảo bà nghỉ ngơi, bà không cam lòng.
Bà Ba rất thích giao tiếp với khách nước ngoài. Khi có ai đi ngang qua hàng nước của mình, bà đều cười và chào hỏi, chúc sức khỏe người đó. Bà luôn tự hào mình có thể nói 4 thứ tiếng khác nhau là tiếng Việt, Anh, Miên và tiếng Trung. Dù bà phát âm chưa chuẩn và không thể gọi là thông thạo ngoại ngữ, nhưng vốn kiến thức có sẵn đủ để bà trò chuyện xã giao với những người ngoại quốc. 
Bà kể rằng: “Ngày xưa tui đi phụ việc cho mấy bà đầm Tây nên học được tiếng Anh chút đỉnh. Sau này tui với ông chồng bán nước giải khát, thuốc lá ở góc đường này, khách chủ yếu là người nước ngoài nên hai vợ chồng tự học các thứ tiếng khác nhau để giao tiếp với khách. Giờ tui già rồi nên nhiều khi lẩm cẩm, có từ nhớ, từ không, chứ ngày xưa tui nói cũng “dữ” lắm à. Tiếng Trung, tiếng Miên, tiếng Anh gì tui cũng nói được hết, nghe cũng hiểu hết”. Thế nên, những người khách phương xa đều rất thú vị khi gặp bà cụ và thường xuyên trở lại để uống cốc nước mát và chào tạm biệt bà cụ dễ thương.
Còn bà Nguyễn Thị Liên (72 tuổi), người bán guốc mộc cuối cùng ở mảnh đất Sài Gòn với bề dày lịch sử hơn 55 năm tồn tại. Giữa không gian rộng lớn xen lẫn với hàng trăm mặt hàng giày dép các loại, sạp guốc mộc vỏn vẹn 2m2 nằm lọt thỏm trong chợ Bến Thành (quận 1, TP.HCM) của bà Liên vẫn đìu hiu khách mua hàng. 
“Năm tôi 16 tuổi, đã theo một người cô ra chợ bán guốc vì quá mê loại hàng này. Sau khi cô mất thì toàn bộ sạp hàng này được chuyển nhượng lại cho tôi tiếp tục nối nghiệp. Gắn bó với nghề từ năm 1970, đến nay tôi đã đóng tới hàng ngàn đôi guốc cho khách, cũng từng chứng kiến mọi thăng trầm, lên xuống của nghề. Hiện tại, tôi chủ yếu đứng bán chứ không còn đóng nhiều như trước đây nữa vì mắt mờ, tay run hết rồi...
Đã qua thời hoàng kim của những năm 80 nên hiện một ngày tôi bán được cao lắm chỉ 2 đôi, có nhiều ngày chẳng bán được đôi nào, nhưng tôi vẫn cứ bán, vì còn có mình tôi trụ lại ở đất Sài Gòn này với nghề đóng guốc”, bà Liên bày tỏ.
Nhiều người thấy bà ngồi cả ngày nhưng chẳng có vị khách nào hỏi han, muốn khuyên bà chuyển đổi mặt hàng kinh doanh nhưng bà Liên nhất quyết không chịu. Bà Liên muốn lưu giữ một nét gì đó thật xưa để người Việt trẻ sau này còn nhớ đến. Bên cạnh đó bà cũng muốn đôi guốc của người phụ nữ Việt Nam được nhiều bạn bè quốc tế biết đến, chính vì thế bà bám trụ mãi với sạp guốc ở chợ Bến Thành này đến nay.
Bà Nguyễn Thị Liên
Bà Nguyễn Thị Liên 
Hiện tại bà Liên sống với những người chị em, hàng ngày mở bán sạp guốc lúc 10h - 19h. Những đôi guốc được bà làm từ nhiều loại gỗ, nhưng chủ yếu là gỗ thông và gỗ xoan. Guốc có nhiều mẫu mã để khách hàng dễ lựa chọn. Đặc biệt mỗi đôi có khắc hai chữ “Sài Gòn” thân thuộc. Giá một đôi guốc từ 80.000 - 150.000 đồng. Tiền lời nếu bán được guốc cũng chỉ đủ trang trải cho những bữa ăn hàng ngày.
Và nữa, giữa phố phường Sài Gòn đông đúc, một xe kẹo bông thoạt nhìn không có gì khác biệt so với những xe bán kẹo khác, nhưng nếu nhìn kĩ một chút, người ta chợt thấy ấm lòng vì bảng hiệu “Kẹo bông gòn ông ngoại không có gì lạ, milo bơ, sữa, dâu, dứa, trái vải, sầu riêng là số dzách” và dáng người tảo tần vì sương gió của một ông cụ tóc bạc phơ.
Ở khu vực chùa Phước An, quận 4, người ta gọi ông là ông Bảy Kẹo. Ông đã bán kẹo bông 68 năm ở Sài Gòn. Đặc biệt, dù chỉ là những cây kẹo bông nhỏ để ăn chơi sau giờ học, nhưng dường như ông cụ dành hết tâm huyết trong nguyên liệu và pha chế, vì ông cụ sợ rằng “tụi nhỏ nó ăn nó bệnh, ông ngoại sao dám bán nữa”. 
Mỗi cây kẹo bông “số dzách” của ông có giá 3.000 đồng, một cái giá mà theo dân mạng là rẻ đến bất ngờ. “Năm nay ông ngoại 91 rồi. Sáng phải dậy lúc 4, 5 giờ làm đồ, pha đường, đâu dám mua đường ngoài chợ đâu, mua ngoài chợ tụi nhỏ nó ăn nó bệnh, ông ngoại sao dám bán nữa. Canh tụi nó đi học là chạy xe ra bán, bán đến tối mới về”…
Và một cái nhìn khác…
Có thể nói, những người già mưu sinh giữa nhịp sống tấp nập của Sài Gòn không hẳn vì cuộc sống mà bởi tình yêu lao động, và mong ước giản dị giữ lại một phần hồn cốt, văn hoá Sài Gòn từ nhiều thập niên trước.
Thực tế, ở Việt Nam theo một báo cáo mới đây, Việt Nam bắt đầu bước vào giai đoạn dân số già với tốc độ tăng chóng mặt và dường như chúng ta chưa sẵn sàng để có những chính sách phù hợp. Bởi hiện có 70% người già sống ở nông thôn không có lương hưu phải phụ thuộc vào con cháu. Trong khi đó, ở một số nước phát triển, tình trạng dân số bước vào giai đoạn này, tuổi nghỉ hưu của họ là 65, thậm chí một số bang ở Mỹ là 67. 
Thế nên, người già có thể làm văn phòng, bán vé xe, lái tàu điện, lái taxi, lao công và thậm chí là tiếp viên hàng không trên những chuyến bay nội địa giữa các bang. Do môi trường và y tế tốt nên tuổi thọ trung bình ở đây cao, khoảng gần 79. Nhưng điều quan trọng là hầu hết họ đều trả lời phỏng vấn là muốn sống tới 100 tuổi. Không đơn giản vì họ ham sống sợ chết mà là mức độ yêu đời và hy vọng của họ rất cao. 
Ông Bảy Kẹo
Ông Bảy Kẹo 
Còn ở Việt Nam, phần đa người đến tuổi nghỉ hưu đều trở nên mặc cảm bởi phụ thuộc. Hoặc ở các thành phố lớn, khi nghỉ hưu, người già trở thành những người làm việc nhà hoặc trông cháu, còn bận rộn hơn cả đi làm. Và họ tự cảm thấy mình yếu thế… 
Có một lá thư đầy cảm động thế này: “Ngày bố mẹ già đi, con hãy cố gắng kiên nhẫn và hiểu cho bố mẹ. Nếu như bố mẹ ăn uống rớt vung vãi… Nếu như bố mẹ gặp khó khăn ngay cả đến cái ăn, cái mặc… Xin con hãy bao dung! Con hãy nhớ những ngày, giờ mà bố mẹ đã trải qua với con, để dạy cho con bao điều lúc thuở bé.
Nếu như bố mẹ cứ lặp đi lặp lại hàng trăm lần mãi một chuyện thì đừng bao giờ cắt ngang lời bố mẹ… mà hãy lắng nghe!
Khi con còn ấu thơ, con hay muốn bố mẹ đọc đi đọc lại mãi một câu chuyện hàng đêm cho đến khi con đi vào trong giấc ngủ… và bố mẹ đã làm vì con.
Và một ngày như một ngày sẽ đến, bố mẹ sẽ nói với con rằng… bố mẹ không muốn sống, bố mẹ muốn từ biệt ra đi. Con đừng oán giận, buồn khổ… vì con sẽ hiểu và thông cảm cho bố mẹ khi thời gian sẽ tới với con. Một ngày con lớn khôn, con sẽ hiểu rằng, với bao sai lầm ai chẳng vướng phải, bố mẹ vẫn bỏ công xây dựng cho con một con đường đi đầy an lành.
Con đừng nên cảm thấy xót xa buồn đau, đừng cho rằng con bất lực trước sự già nua của bố mẹ. Con chỉ cần hiện diện bên bố mẹ để chia sẻ những gì bố mẹ đang sống và cảm thông cho bố mẹ, như bố mẹ đã làm cho con tự khi lúc con chào đời.
Hãy giúp bố mẹ trong từng bước đi vào chiều…
Hãy giúp bố mẹ trong phút sống còn lại trong yêu thương và nhẫn nại…
Cách duy nhất còn lại mà bố mẹ muốn cảm ơn con là nụ cười và cả tình thương để lại trong con”.
Tất cả ai rồi cũng sẽ già, cha mẹ chỉ là già trước chúng ta, nên hãy dùng trái tim yêu thương để chăm sóc cha mẹ, sự nhẫn nại để giúp cha mẹ được trọn vẹn những ngày cuối đời, để khi về già bản thân sẽ không hối tiếc vì những gì đã làm. Thế nên, hãy để cha mẹ làm những gì họ muốn. Đơn cử như câu chuyện một vị giáo sư nọ đã gây sốc khi để mẹ già của mình rửa bát trước mặt học trò. Họ đã nhìn thầy với con mắt khác, họ nghĩ thầy sao nỡ lòng nào để bà cụ đã mắt mờ, chân chậm còn phục vụ mình. 
Nhưng rồi sau, họ cũng tận mắt chứng kiến, vị giáo sư đó đã kiên nhẫn rửa lại đống chén bát mà mẹ già vừa rửa xong. Bởi một điều đơn giản, vị giáo sư đó đã thấu hiểu mẹ mình hơn tất cả, khi bà còn giúp con cháu là cụ còn thấy mình có ý nghĩa. Và sự lao động cũng giúp cho người già được minh mẫn, như một chiếc đồng hồ cũ cần lên giây cót mà thôi.
Và tôi cũng đã gặp những bà cụ ở tuổi 90 nhưng vẫn làm vườn và cuối tuần gánh những mớ rau ra chợ như một đời đã tảo tần nuôi con như thế. Dù có khi con cháu mua lại tất cả nhưng niềm vui của bà vẫn là miệt mài lao động. Bởi thế, dù có đông con cháu bà vẫn tự lập chợ búa, cơm nước, lo giỗ chạp nội ngoại… Có bà là tiểu thư Hà thành một thuở, chủ thương hiệu phở Cát Tường đầu tiên ở Hà Nội, nay ngoài 90, bà vẫn xâu vòng, viết hồi kí để gửi cho các trại trẻ mồ côi. Bà nói, đó là cách để bà luyện trí nhớ…
Vâng, hãy giúp bố mẹ trong từng bước đi vào chiều. Bởi ở đó là tất cả những yêu thương vô điều kiện, là kí ức, là nơi để mỗi con người lớn lên và trưởng thành. Nơi mà dù buồn vui hay đau khổ, họ đều có thể trở về để được ấm áp, chở che… Vì thế, mỗi con người, dù có làm gì cho cha mẹ cũng không bao giờ là đủ…

Đọc thêm

Trung tâm hỗ trợ phụ nữ và trẻ em gái bị bạo lực: Nơi bình yên tìm về

Ngôi nhà Ánh Dương ở Thanh Hóa chính thức đi vào hoạt động từ tháng 1/2022. (Ảnh: HLHPNVN)
(PLVN) -  Với nạn nhân bị bạo lực giới nói chung và bạo lực gia đình nói riêng, để “bình yên tìm về” là cả một hành trình dài. Nhưng qua mô hình Trung tâm dịch vụ một cửa hỗ trợ phụ nữ và trẻ em gái bị bạo lực - Ngôi nhà Ánh Dương, trong hành trình đó, họ không đơn độc. Với nhiều người, hạnh phúc, bình yên đã thực sự trở lại.

Ngăn chặn ma túy “núp bóng” thuốc lá điện tử

Hiện nay chỉ có một số ít cơ quan có năng lực xét nghiệm phát hiện ma túy tổng hợp được như: Viện Giám định Pháp y – Bộ Y tế, Viện Khoa học hình sự - Bộ Công an. (Nguồn ảnh: Thanh Loan)
(PLVN) -  Trong những năm gần đây, các sản phẩm thuốc lá thế hệ mới hay còn gọi là thuốc lá mới đã xuất hiện trên toàn thế giới với hai dòng sản phẩm chính là thuốc lá điện tử và thuốc lá làm nóng. Thứ trưởng Bộ Y tế Trần Văn Thuấn cho hay, khoảng từ năm 2015, các sản phẩm thuốc lá mới bắt đầu du nhập vào Việt Nam và nhanh chóng thu hút giới trẻ.

Thuốc lá điện tử gây ảo giác, loạn thần

4 trường hợp là học sinh nhập viện do ngộ độc sau khi hút thuốc lá điện tử. (Ảnh: Bệnh viện Bãi Cháy)
(PLVN) - Thời gian qua, tại một số bệnh viện đã tiếp nhận một số bệnh nhân đến điều trị có liên quan đến hút thuốc lá điện tử. Điều đáng lưu ý là hầu hết, bệnh nhân đến bệnh viện do có dấu hiệu đau đầu, lo âu, mất ngủ, rối loạn hoảng sợ, có một vài trường hợp có dấu hiệu loạn thần, ảo giác. Vấn đề này ảnh hưởng rất lớn đến sức khỏe tâm thần của người sử dụng.

Sôi nổi Hội thi “Nghi thức Đội TNTP Hồ Chí Minh” tỉnh Bạc Liêu

Sôi nổi Hội thi “Nghi thức Đội TNTP Hồ Chí Minh” tỉnh Bạc Liêu
(PLVN) - Hòa chung không khí thi đua sôi nổi của thiếu nhi cả nước, thiếu nhi Bạc Liêu đã và đang ra sức thi đua rèn luyện, học tập, thực hiện các công trình, phần việc Măng non lập thành tích chào mừng để kỷ niệm 82 năm Ngày thành lập Đội TNTP Hồ Chí Minh (15/5/1941 – 15/5/2023), làm quà nhân kỷ niệm 133 năm Ngày sinh của Chủ tịch Hồ Chí Minh (19/5/1890 – 19/5/2023).

Đừng coi thường say nóng, say nắng

Ảnh minh họa. (Nguồn: baochinhphu.vn)
(PLVN) -  Dù miền Bắc mới bước vào đợt nắng nóng gay gắt diện rộng thứ 2 kể từ đầu mùa nhưng nhiệt độ cao nhất ở nhiều nơi mấy ngày qua đều chạm hoặc vượt ngưỡng 40 độ C. Dự báo, thời gian tới sẽ xuất hiện nắng nóng nhiều hơn và gia tăng về cường độ trên phạm vi toàn quốc.