Người đàn ông khiếm thị ấy không muốn nói nhiều về hoàn cảnh đáng thương cũng như những cống hiến của mình cho xã hội. Bởi vậy, càng ít người thấy và biết đến bản lĩnh, nghị lực sống phi thường của anh…
Anh Nguyễn Đình Toán tại một hội thảo về công tác nghề xã hội |
Mầm sống yếu ớt…
Chào đời sau một ca đẻ khó, Nguyễn Đình Toán (Cẩm Xuyên, Hà Tĩnh) tưởng không có cơ hội sống sót với một cánh tay gãy rời và cặp mắt gần như trồi ra khỏi khuôn mặt. Nhìn hình hài yếu ớt, tím tái và khuôn mặt bị biến dạng, người ta đã toan mang đứa trẻ xuống nhà xác của bệnh viện nếu như không có sự can thiệp của bà ngoại.
Thật may mắn, mầm sống yếu ớt đó lớn lên từng ngày, nhanh nhẹn, hoạt bát và tư chất rất thông minh. Không muốn mọi người trong gia đình thương hại và khổ vì mình, Toán kể, tuy mắt rất kém (chỉ còn 1/10) nhưng anh vẫn lọ mọ dậy sớm đi bán rau, thậm chí vác thùng kem to gấp đôi người mình đi bán dạo kiếm tiền phụ mẹ nuôi các em.
Tưởng cuộc sống đã an bài, ngờ đâu bất hạnh liên tiếp giáng xuống đầu Toán sau khi mẹ anh ngã xuống sau một cơn bạo bệnh. Mãn tang mẹ, bố anh lấy vợ mới. Cảm thương cho số phận kém may mắn của Toán, một người bà con xa ở Gia Lâm, Hà Nội đã nhận anh về làm con nuôi. Được sự quan tâm của Hội Người mù Gia Lâm và Phòng LĐ -TB & XH huyện, Toán được gửi vào Trung tâm nuôi dưỡng người già và trẻ em tàn tật (Thụy An, Ba Vì).
… vượt lên số phận
Những ngày ở đây, Toán luôn cố gắng rèn luyện tư cách đạo đức của bản thân cũng như trình độ văn hóa. Mắt kém không đi xe đạp được thì Toán nhờ bạn bè chở, bài học trên lớp thì anh nhờ thầy cô, bạn học chép hộ, đọc hộ và ghi nhớ trong đầu. Học chậm hơn các bạn thì Toán bỏ công sức và thời gian học gấp hai, ba lần chúng bạn.
Với kết quả học tập và nỗ lực của mình, anh được Trung tâm chuyển chế độ sang Trung tâm bảo trợ xã hội 4 (xã Tây Đằng, Ba Vì). Quyết tâm xóa nghèo, Toán lại dồn hết tâm sức vào việc học chữ nổi dành cho người mù. Ngoài thời gian học văn hóa, anh còn trồng rau và nuôi lợn, vừa để vui vừa cải thiện cuộc sống. Và, cuộc đời càng sáng hơn khi anh được một người nước ngoài bảo trợ, nhận làm con nuôi.
Từ ngày đó, Toán không phải lo nghĩ đến chuyện kinh tế nhưng mỗi lần được cha nuôi cho tiền, anh đều khiêm tốn bảo: “Tiền không mang lại hạnh phúc cho con, mà chỉ có tri thức mới giúp con thoát nghèo” và nung nấu quyết tâm học hành. Cuối năm 2003, với sự giúp đỡ của cha nuôi và một số nhà hảo tâm, Toán được vào TP. HCM học một lớp cán bộ nguồn về công nghệ thông tin cho người mù Việt Nam do hai giáo sư người Ý làm cố vấn giảng dạy ở Trung tâm tin học vì người mù Sao Mai.
Rồi anh được ông Lê Đức Nhuận - Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển giáo dục Việt Nam - giúp đỡ cùng với hai người bạn thành lập Câu lạc bộ tin học cho người mù, đồng thời tạo điều kiện cho học nhiều lớp quản trị và phát triển do các tổ chức phi chính phủ quốc tế tổ chức.
Chưa bằng lòng với những gì đã có, ý chí, quyết tâm và sự kiên trì thuyết phục của anh đã chiến thắng cả quy chế thi tuyển đại học khi anh được Hội đồng tuyển sinh Trường Đại học KHXH&NV (Đại học Quốc gia Hà Nội) đặc cách cho anh và hai người khiếm thị nữa tham dự cuộc thi đại học năm 2004 và anh là thí sinh đầu tiên ở Hà Nội được phép làm bài thi trên máy vi tính. Đỗ đại học với số điểm khá cao (21 điểm cho 3 môn Văn, Sử, Địa), Toán trở thành sinh viên Văn khoa của Trường.
Tâm sáng giúp người
Mong muốn chia sẻ khó khăn với những người đồng cảnh, ngoài thời gian học trên lớp, Toán theo học lớp đào tạo công tác xã hội do Trường Đại học West Virgina (Hoa Kỳ) và Đại học An Giang tổ chức; đồng thời tham gia tình nguyện cho nhiều tổ chức phi chính phủ, từ thiện (làm tình nguyện viên cho Trung tâm giáo dục trẻ khuyết tật Thường Tín – Hà Nội; dạy tin học cho Hội người mù Phú Xuyên – Hà Nội; tư vấn đồng cảnh và xin học bổng cho người khiếm thị; cùng với tổ chức Quan tâm thế giới xin xe lăn cho người tàn tật…).
Tặng quà cho trẻ em khuyết tật khó khăn |
Rồi Toán ấp ủ, xúc tiến thành lập Trung tâm Phát triển kỹ năng và tri thức công tác xã hội. Với tôn chỉ “trở thành một trung tâm nghiên cứu có uy tín và dẫn đầu về phát triển kỹ năng, tri thức công tác xã hội, cung cấp dịch vụ nhằm nâng cao chất lượng cuộc sống của những nhóm yếu thế, những nhóm bị tổn thương trong xã hội”, dưới sự hợp tác và giúp đỡ của các tổ chức phi chính phủ và quốc tế cùng những nhà hảo tâm, từ ngày thành lập (năm 2008) đến nay, Trung tâm đã hỗ trợ và giúp đỡ cho hàng ngàn trường hợp người khuyết tật, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn; phát triển và thành lập Hội khuyết tật tại một số địa phương…
Trong số rất nhiều hoạt động, việc làm có ý nghĩa đó, điển hình phải kể đến Dự án “Để người khiếm thị tiếp cận với các văn bản quy phạm pháp luật hiện hành”, được tài trợ bởi Đại sứ quán Phần Lan. Nói về ý nghĩa dự án trên, Giám đốc Trung tâm Phát triển kỹ năng và tri thức công tác xã hội Nguyễn Đình Toán chia sẻ: “Người khiếm thị nói riêng và người khuyết tật nói chung có trình độ văn hóa rất thấp, đa số họ cũng không có việc làm, nguồn hỗ trợ thì nhỏ nhoi không đủ sống.
Bởi vậy, họ cũng không hiểu biết và không quan tâm đến các văn bản quy phạm pháp luật. Thậm chí, để được hưởng trợ cấp, chính sách họ phải “lo lót”, rồi “chạy chọt” hết chỗ này đến chỗ khác. Họ cũng không biết làm gì để bảo vệ quyền lợi chính đáng của mình. Không chỉ thế, các trường hợp người khiếm thị vi phạm pháp luật một cách đáng tiếc do thiếu hiểu biết về pháp luật cũng diễn ra khá phổ biến.
Mặt khác, nhiều sinh viên, người lao động, học sinh khiếm thị muốn tìm hiểu các văn bản pháp luật nhưng không thể… Vì thế, phải có một hệ thống văn bản pháp luật bằng chữ nổi để tuyên truyền và cung cấp cho họ”. Dự án được xây dựng đã nhận được sự ủng hộ rất lớn của cộng đồng và xã hội, đặc biệt là những người khiếm thị; còn Nguyễn Đình Toán trở thành người chủ chốt trong việc…dịch văn bản luật sang chữ nổi.
Còn gì hạnh phúc hơn khi dự án được lựa chọn là một trong 34 dự án/160 dự án được trao thưởng trong “Chương trình sáng kiến phòng chống tham nhũng Việt Nam năm 2011” do Thanh tra Chính phủ và Ngân hàng Thế giới tổ chức. Với sự tài trợ của Đại sứ quán Phần Lan, Giám đốc Nguyễn Đình Toán cho biết, hiện các cán bộ trong Trung tâm đang xúc tiến việc in ấn ra 200 cuốn (gồm 5 văn bản quy phạm pháp luật cơ bản: Công ước quốc tế về quyền của người khuyết tật; Luật về người tàn tật năm 2010; Điều lệ của Liên hiệp hội về Người khuyết tật Việt Nam; Luật Giáo dục và Luật Hôn nhân và gia đình) để cung cấp cho một số Hội người mù địa phương và 3 cơ sở giáo dục là Trường Đại học KHXH &NV; Trường Đại học Sư phạm và Trường Nguyễn Đình Chiểu.
Bên cạnh đó, Toán vẫn đang ấp ủ thực hiện việc thành lập một trung tâm nuôi dưỡng bán trú, phục hồi chức năng, dạy nghề cho các nạn nhân chất độc da cam/dioxin ở huyện Cẩm Xuyên, Hà Tĩnh – nơi anh đã sinh ra và lớn lên. “Đã nói là phải làm. Đã làm thì phải làm cho ra làm. Muốn việc làm của mình muốn có ý nghĩa và mang tính khả thi thì phải có cái tâm, ý thức và ý tưởng rất sâu sắc…” – Toán tâm sự chân thành. Gương mặt anh đầy vẻ hân hoan. Còn trong đôi mắt mờ đục của anh, tôi bỗng thấy bừng lên những tia sáng đầy ấm áp…
Đoan Trang