Từ ngày 15 - 19/5, người dân Hạ Long lại có dịp được chiêm ngưỡng hơn 3.200 bức ảnh quý giá về Bác Hồ. Điều đặc biệt là chủ nhân của triển lãm này là một cá nhân, ông Phạm Văn Vạn, người cựu chiến binh đã dành nửa đời để sưu tầm ảnh Bác.
Tiếp chúng tôi tại nhà riêng số 08, đường Vũ Văn Hiếu (phường Hà Phong, TP Hạ Long), đồng thời cũng là địa điểm tổ chức cuộc triển lãm ảnh đặc biệt này khi cơn mưa rào tầm tã sáng 15/5 vừa dứt. Dù trời mưa to nhưng ngôi nhà mái bằng cũ kỹ rộng chưa đến 30m2 vẫn tấp nập đại biểu và người dân tới tham quan triển lãm.
Ông Phạm Văn Vạn bên bộ sưu tập ảnh về Bác Hồ.
Trong bộ trang phục quân đội lấp lánh huân, huy chương, ông Vạn hào hứng dẫn khách đi thăm “bộ tài sản vô giá” của đời mình. Ông cho biết: “Để tổ chức cuộc triển lãm ông đã chuẩn bị cả tháng trời, nhưng để có được cả một bộ sưu tập ảnh lớn thế này thì ông đã phải dành nửa cuộc đời”.
Sinh năm 1922, quê tại Lưu Kiếm, Thủy Nguyên, Hải Phòng, ngay từ khi còn là cậu bé, ông Vạn đã theo cộng sản hoạt động du kích, rồi tham gia cách mạng. Miền Bắc độc lập, năm 1963, ông về Quảng Ninh làm cán bộ công nhân tại mỏ than Hà Tu (giờ là Công ty Than Hà Tu - TP Hạ Long) và giữ chức Đại đội trưởng Pháo cao xạ của Công ty Than Hà Tu từ năm 1970 - 1972.
Cho tới bây giờ, ông Vạn cũng không thể nào nhớ hết những nơi mình đã đi qua để tìm kiếm, sưu tầm tranh ảnh về Bác Hồ. Chỉ biết, khắp từ Bắc vào Nam, hễ nơi nào Bác từng đặt chân đến hay có tài liệu gì về Bác là ông lập tức tìm đến.
Để có được những bức ảnh quý giá về Bác Hồ, ông Vạn cho biết, ông đã phải tìm kiếm ở rất nhiều nguồn khác nhau. Ngoài những chuyến lặn lội đi xa, ông còn bỏ tiền túi mua hàng chục đầu sách, hàng trăm tài liệu liên quan đến cuộc đời hoạt động cách mạng của Bác. Trong đó có những cuốn sách trị giá hàng triệu đồng và những tài liệu đã cũ kỹ, được xuất bản cách đây hàng chục năm.
Để chuẩn bị cho cuộc triển lãm này ông đã chuẩn bị cả tháng trời...
Anh Phạm Văn Thành, người con trai cả của ông Vạn kể lại: “Hễ đọc báo, hay xem tài liệu gì mà có hình ảnh về Bác là cụ lại cắt ra, cất giữ thật cẩn thận. Với những bức ảnh đã bị ố hỏng, cụ mang ra hiệu ảnh để phục dựng, tái tạo”.
Đam mê sưu tầm ảnh Bác Hồ là thế, nhưng cuộc sống kinh tế gia đình ông Vạn lại thuộc diện “chẳng dư giả gì”. Với đồng lương ít ỏi của một cán bộ nhà nước về hưu, vợ chồng ông cùng với 7 người con luôn sống trong cảnh “gạo thì ít mà tranh ảnh, sách báo thì lúc nào cũng chật cứng nhà”.
Từ ngày ông Vạn sưu tầm ảnh về Bác tới nay, việc nuôi dạy con cái, lo toan công việc trong gia đình đều một tay bà Sinh gánh vác. Những khi xảy ra ốm đau, bệnh tật, bà đều phải trông cậy vào sự giúp đỡ của hàng xóm. Thế nhưng, chưa một lần người phụ nữ gốc Hà Nội này tỏ ý ngăn cản công việc thầm lặng mà hết sức thiêng liêng cao quý này của chồng.
Bà Sinh cho biết: “Mỗi lần ông ấy đi chẳng nói với ai một lời, có khi dăm bữa nửa tháng mới chịu về mang theo hàng thùng tài liệu, tranh ảnh. Thậm chí, không có tiền thì ông lại một mình lóc cóc đạp xe đạp đi hết nơi này đến nơi khác để tìm ảnh Bác Hồ”.
...nhưng để có bộ sưu tập lớn thế này ông đã phải dành tới hơn nửa đời mới thực hiện được.
Ở cái tuổi 88, đến nay ông Vạn đã có cả một bộ sưu tập ảnh khổng lồ về người lãnh tụ vĩ đại của dân tộc, gồm những bức ảnh chụp Bác trong thời gian ở nước ngoài, cho tới khi về nước lãnh đạo dân tộc dành chính quyền, kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ…
Trong suốt thời gian sưu tầm, ông còn hiến tặng nhiều bức ảnh là tư liệu quý giá về Bác cho các viện bảo tàng như Bảo tàng Hải Phòng (27 bức), Bảo tàng Quảng Ninh (hơn 400 bức), Bảo tàng Hà Nội (300 bức)…
Ông Vạn bộc bạch: “Sưu tầm ảnh về Bác Hồ là niềm đam mê của tôi và cũng là một cách để thể hiện lòng yêu mến với Bác. Tôi chỉ dừng lại khi bao giờ đôi chân già này không thể bước tiếp được nữa mà thôi”.
Cảm phục trước tấm lòng và tâm huyết của người cựu chiến binh già, Ban tuyên giáo tỉnh Quảng Ninh, Bộ Công an, tỉnh Quảng Ninh và một số tổ chức trong và ngoài tỉnh đã gửi thư khen thưởng, chúc mừng, ghi nhận hành động đầy ý nghĩa này của ông Phạm Văn Vạn.
Nguồn: Dân trí