Thẻ đi chợ mới ấn định ngày đi chợ rõ ràng hơn
Ghi nhận tại chợ Thành Công, quận Ba Đình, TP Hà Nội, việc kiểm soát người đi chợ được thực hiện nghiêm túc, người đi vào chợ đều phải sử dụng thẻ đi chợ được cấp.
Các loại thực phẩm bày bán trong chợ khá đầy đủ, giá cả các mặt hàng tuy có tăng đôi chút so với thời điểm trước khi Hà Nội thực hiện giãn cách, nhưng vẫn đảm bảo độ tươi ngon phục vụ người dân.
Kiểm soát chặt vé người dân đi chợ phải đủ họ tên, ngày giờ, địa chỉ. Ảnh: Mỵ Châu |
Đại diện Ban Quản lý chợ Thành Công cho biết: “Chúng tôi bắt đầu kiểm soát người vào chợ từ lúc 5h sáng. Những người được đi chợ tại đây chỉ những phường thuộc quận Ba Đình mới vào chợ được. Những trường hợp có giấy đi chợ, nhưng không thuộc quận Ba Đình không được vào chợ. Mỗi phiếu chỉ có giá trị trong 1 lần đi chợ”.
Là một trong những người đi chợ từ sáng sớm, chị Ly trú tại phường Giảng Võ, quận Ba Đình chia sẻ: “Tôi thấy giấy đi chợ mới cũng không khác gì mẫu giấy cũ, tôi vẫn đi chợ 1 tuần 2 lần. Tuy nhiên, giấy đi chợ mới có sự phân hóa rõ ràng hơn, như là ấn định đi chợ ngày nào, đồng thời tôi có thể đi các chợ trong khu vực quận Ba Đình thay vì trước đó chỉ được đi chợ ở 1 nơi. Thời điểm dịch này có lẽ tôi nghĩ phải thật cần thiết mọi người mới ra khỏi nhà, thông thường đối với riêng gia đình tôi, đi chợ 1 tuần/lần là đủ”.
Vé đi chợ ghi đủ họ tên, địa chỉ, số điện thoại, tổ dân phố. Ảnh: Mỵ Châu |
Chị Lê Thanh, phường Thành Công, Ba Đình cũng đi chợ sáng, chị chia sẻ: “Tôi đi chợ theo lịch của phiếu đi chợ được phát. Tôi thấy việc đi chợ tại đây rất bình thường, đồ thực phẩm vẫn tươi ngon mà giá cả không tăng quá. Trong đợt này tôi cố gắng dành nhiều thời gian cho gia đình và cho các con, tuy nhiên thời gian giãn cách dài khiến có một số công việc tôi không thể xử lý được vì không được ra ngoài”.
Chị Lê Thanh đi chợ từ rất sớm để vừa mua được đồ tươi vừa đảm bảo giãn cách. Ảnh Mỵ Châu |
Đồng thời, chị Thanh cũng bày tỏ mong muốn: “Cá nhân tôi, tôi thấy nếu mọi người có ý thức thì cũng sẽ sớm kiểm soát được dịch bệnh. Mong mọi người thực hiện tốt 5K, để đảm bảo chống dịch tốt, sớm trở lại cuộc sống bình thường”.
Mỗi quầy hàng đều được bố trí các tấm chắn để giữ khoảng cách giữa người bán hàng và người mua hàng. Ảnh: Ngọc Nga |
Cũng đi chợ trong buổi sáng sớm, chị Mai, phường Ngọc Khánh đang mua hàng ở chợ cho biết: “Hôm nay tôi đã được phát thẻ đi chợ mẫu mới theo quy định. Thường tôi đi chợ chỉ đi 1 lần/1 tuần mua đủ thực phẩm dùng trong tuần, vì tình hình dịch căng thẳng nên tôi cũng hạn chế ra ngoài. Mua thực phẩm chủ yếu là mua các loại rau quả, đậu phụ… vì tôi ăn chay.
Đánh giá của cá nhân tôi khi mua hàng ở chợ Thành Công thì khá yên tâm, vì Ban quản lý kiểm soát người ra, vào rất chặt chẽ, trong chợ bố trí tấm chắn để tạo khoảng cách giữa người bán và người mua, thực phẩm cũng không tăng giá nhiều và rất tươi”.
Mong Hà Nội hết giãn cách
Đối với người dân đi chợ, việc hạn chế đi chợ nhiều lần và lựa chọn mua nhiều thực phẩm tích trữ đã là điều quen thuộc kể từ khi Hà Nội thực hiện giãn cách. Tuy nhiên, với những người bán hàng, ít nhiều cũng bị ảnh hưởng.
Cụ thể, cô Nguyễn Thị Kim Hoa cho biết: “Theo đánh giá của tôi, lượng khách mua hàng trong chợ có chậm hơn trước, nhưng may mắn chợ Thành Công vẫn hoạt động, vì vậy gian hàng của tôi vẫn được bán. Ở đây tôi vẫn bán hàng như bình thường, thực phẩm vẫn đầy đủ, đảm bảo đủ thực phẩm tươi phục vụ người dân”.
Cô Hoa cũng cho biết, là tiểu thương bán hàng trong chợ, tiếp xúc nhiều người nên bản thân cũng có chút lo sợ bởi tình hình dịch bệnh ngày càng căng thẳng: “Chúng tôi đi bán hàng ở chợ này có chút lo sợ, vì thường xuyên tiếp xúc nhiều người. Tuy nhiên, chúng tôi được các cấp chính quyền quan tâm, được ưu tiên tiêm vaccine trước, được lấy mẫu xét nghiệm SARS-CoV-2 thường xuyên, đặc biệt trong chợ đều bố trí những tấm nilon tạo khoảng cách giữa người bán và người mua, người dân đi vào trong chợ phải gửi xe bên ngoài, có kiểm soát người đi chợ. Vì vậy chúng tôi bán hàng ở chợ cũng yên tâm phần nào”.
Do ảnh hưởng của dịch bệnh, nên lượng khách mua hàng trong chợ cũng bị ảnh hưởng. Ảnh: Ngọc Nga |
Bà Phạm Thị Hoạt, 68 tuổi, người bán hàng tại Chợ Thành Công chia sẻ: “Đây là lần đầu tiên trong đời tôi trải qua đợt dịch bệnh như thế này ở Hà Nội nói riêng và cả nước nói chung. Trong những ngày Hà Nội giãn cách cuộc sống của tôi và gia đình cũng bị ảnh hưởng rất nhiều. Gia đình tôi có 7 người, có 2 vợ chồng tôi, 3 đứa cháu, 2 đứa chắt, còn các con ở trong TP HCM. Vì thế dịch nên các con “mắc kẹt” trong TP HCM không thể về Hà Nội, cả nhà “trông chờ” vào thu nhập từ quầy hàng ở chợ này của tôi”.
Bà Hoạt chỉ mong sao dịch qua mau để gia đình bà lại được buôn bán và trở lại cuộc sống bình thường. Ảnh: Mỵ Châu |
Bà Hoạt cũng chia sẻ thêm: “Đợt dịch này căng thẳng, vì vậy tôi yêu cầu tất cả các cháu, chắt ở trong nhà, không được ra ngoài và xịt khuẩn thường xuyên. Giãn cách như thế này tôi rất buồn, chỉ mong hết giãn cách để dân đỡ khổ, vì sợ dịch bệnh.
Vẫn biết là dịch bệnh khó khăn về nhiều mặt, nhưng tôi cũng chỉ nghĩ còn người là còn của, còn sức khỏe thì chúng ta sẽ làm được mọi thứ. Chỉ mong sao dịch bệnh qua mau để các cháu được đến trường, người dân Hà Nội được trở lại cuộc sống đời thường như ngày trước đây.".