Họ tranh cãi kịch liệt vì không thống nhất được cách chia. Người thì nhận phần thịt chân giò là của mình, người thì cho rằng người kia cắt quá nhiều. Trong khi đó, chủ sạp thịt lợn và một số người xung quanh ra sức can ngăn và phân xử nhưng ai cũng khăng khăng giành phần mình. Đây là cảnh tượng thường xuyên diễn ra ở Trung Quốc hiện nay, trên mạng xã hội Weibo, nhan nhản những video cho thấy ở nhiều nơi còn có hiện tượng tranh giành mua thịt lợn, dù ở siêu thị hay ở chợ bán buôn, các bà nội trợ và tiểu thương cũng tranh giành thịt lợn. Đây có thể nói là minh chứng rõ ràng nhất thể hiện cuộc khủng hoảng thịt lợn ở nước này.
Vấn đề cấp bách
Thịt lợn từ lâu là loại thực phẩm được ưa chuộng hàng đầu và không thể thiếu trong mỗi bữa ăn của người dân Trung Quốc. Quốc gia này được coi là nơi tiêu thụ nhiều thịt lợn nhất thế giới với khoảng 700 triệu con/năm. Một người Trung Quốc trung bình hiện ăn 74 kg thịt heo, thịt gà hoặc thịt bò mỗi năm, tăng 30% trong 15 năm qua. Đất nước tỷ dân này thậm chí còn coi khả năng chi trả cho thịt lợn là chỉ số hạnh phúc của người dân.
Một góc gian hàng thịt lợn tại Trung Quốc. |
Thế nhưng đất nước này lại đang rơi vào cuộc khủng hoảng thịt lợn kể từ khi dịch tả lợn châu Phi bùng phát. Tất cả các tỉnh thành trên cả nước đều xác nhận có dịch và khiến cho đàn lợn ở Trung Quốc bị tiêu hủy đến hàng trăm triệu con. Được biết, những ca bệnh đầu tiên được phát hiện vào mùa hè năm 2018 ở miền bắc Trung Quốc, bệnh dịch đã lan rộng ra toàn bộ các tỉnh và địa phương Trung Quốc.
Bên cạnh đó, cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung cũng khiến thịt lợn ở Trung Quốc trở nên thiếu hụt và giá tăng không ngừng. Hiện tại, giá thịt lợn đã tăng hơn 50% ở nhiều nơi và sẽ còn có thể tăng 100% vào dịp Tết Nguyên đán.
Theo cách sắp xếp 3 vấn đề quan trọng nhất với đất nước trong thời điểm hiện tại theo trình tự giảm dần của Phó Thủ tướng Trung Quốc Hồ Xuân Hoa thì đứng đầu về mức độ cấp bách chính là “ổn định chăn nuôi lợn” trong bối cảnh giá thịt lợn tăng chóng mặt. Sau đó mới là cuộc chiến thương mại kéo dài và cuối cùng là biểu tình tại Hong Kong. Trung Quốc thiếu hụt 10 triệu tấn thịt lợn và việc tăng cường nhập khẩu thịt từ nước ngoài cũng không giải quyết được vấn đề. “Giá thịt lợn tăng quá nhanh sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến cuộc sống của người dân thành thị và nông thôn, đặc biệt là các hộ gia đình có thu nhập thấp”, ông Hồ Xuân Hoa thừa nhận.
Tờ South China Morning Post cũng phân tích giá thịt lợn tăng mạnh đang làm tổn thương nền kinh tế lớn thứ hai thế giới, và đang là một trong những tin tức đứng đầu trên các phương tiện truyền thông tại đại lục.
Theo số liệu của Bộ Nông nghiệp và phát triển Nông thôn Trung Quốc, số lợn nuôi nước này tính ở thời điểm cuối tháng 6/2019 thấp hơn 25,8% so với cùng kỳ năm ngoái, trong đó số lợn nái giảm 26,7%. Việc này dẫn đến giá lợn tại Trung Quốc tăng mạnh. Giá thịt bị đẩy lên cao cũng kéo giá thực phẩm tăng bình quân 10% và khiến lạm phát của Trung Quốc trong tháng 8 tăn 2,8%.
Rất nhiều người đều cho rằng sau khi giá thịt lợn tăng cao, có thể mua thịt khác thay thế, như thịt bò, dê, gà, vịt, cá... nhưng thực tế giá những loại thực phẩm này cũng đang tăng cao. Thời báo Chứng khoán (Securities Times) hồi cuối tháng 8 vừa qua đã trích dẫn thông tin của Cục thống kê Trung Quốc cho biết, theo dữ liệu theo dõi giá cả tư liệu sản xuất 50 loại hàng hoá quan trọng trong 9 lĩnh vực lưu thông tại 24 tỉnh thành, so sánh tuần giữa tháng 8 và tuần đầu tháng 8/2019, giá cả của 21 loại sản phẩm tăng cao, giá thịt bò, thịt dê tại Quảng Châu và Thâm Quyến tăng rõ rệt.
Trong khi đó, tờ South China Morning Post thông tin, lượng thịt lợn nhập khẩu trong tháng 8 năm nay của Trung Quốc đã tăng 150% so với cùng kỳ năm ngoái nhưng cũng chỉ đáp ứng được tương đương mức tiêu thụ thịt lợn 1 ngày ở thị trường này. Cuộc khủng hoảng thịt lợn khiến giới chức Trung Quốc như đang “ngồi trên đống lửa”.
Miếng thịt ngon chỉ dành cho người đến sớm. |
Nhiều người dân từng coi thịt lợn là thực phẩm không thể thiếu trong mỗi bữa ăn thì giờ phải tìm kiếm các loại thực phẩm thay thế khi không thể đánh đu theo mức giá chưa biết khi nào mới ngừng tăng này. “Quá đắt! Tôi không thể mua nổi”, bà Gui Fuyi (69 tuổi) chia sẻ. Bà Gui cho biết thời gian gần đây bà chỉ dám mua thịt lợn xay giá rẻ chứ không đủ tiền mua cả miếng thịt. Hay theo “Tân Kinh báo” dẫn lời bà Cao, một thị dân Bắc Kinh cho biết: “Dẻ sườn giá lên tới 88 tệ một ký (hơn 300.000 VNĐ), có khi nào đắt như bây giờ kia chứ!”.
Mọi biện pháp vẫn chưa có hiệu quả
Để ứng phó với cuộc khủng hoảng hiện tại, giới chức Trung Quốc đưa ra hàng loạt các giải pháp như: yêu cầu các địa phương cấp vốn cho các chương trình ứng dụng công nghệ thụ tinh nhân tạo, một cách để khuyến khích nông dân và nhà sản xuất nhân giống nhiều heo hơn. Tăng cường nhập khẩu thịt, hỗ trợ tài chính khuyến khích người dân và các nhà sản xuất nhân giống lợn bằng phương pháp thụ tinh nhân tạo. Nước này đã trợ giá khoảng 3,2 tỷ nhân dân tệ (452 triệu USD) cho các gia đình có thu nhập thấp, những người đang phải vật lộn để mua thịt heo với giá hiện tại.
Bên cạnh đó, mới đây, Trung Quốc đã chính thức xả 10.000 tấn thịt heo từ kho dự trữ trung ương. Nguồn thịt được xả lần này nhập từ Mỹ, Anh, Đan Mạch, Đức, Pháp và Chile. Trước đó, ít nhất 4 địa phowng cũng đã bắt đầu xả kho thịt lợn đông lạnh trong nỗ lực ổn định giá và tăng nguồn cung cho thị trường.
Ngoài ra ở các địa phương như thành phố Ôn Châu, chính quyền tuyên bố có đủ thịt lợn đông lạnh dự trữ để cung cấp cho mỗi người dân 50 gram/ngày trong 4 ngày. Chính quyền tỉnh Quảng Đông cam kết sẽ đưa ra thị trường hơn 3.100 tấn thịt lợn đông lạnh. Thủ đô Bắc Kinh cũng triển khai một loạt biện pháp khuyến khích nông dân nuôi lợn trở lại, bao gồm trợ cấp xây dựng hoặc mở rộng chuồng trại... Một số khoản trợ cấp lên tới 700.000 USD.
Một số địa phương thậm chí đã áp dụng phát hành tem phiếu chiết khấu để hỗ trợ người dân trong bối cảnh giá thịt leo thang. Tại Nam Ninh, thủ phủ của vùng Tây Nam Quảng Tây, chính quyền đã phát hành tem phiếu mua thịt với giá chiết khấu cho người dân. Mỗi người chỉ được mua giới hạn 1 kg thịt mỗi ngày tại 10 nơi bán thí điểm. Tem phiếu giảm giá này cũng tồn tại ở một vài thành phố phía Nam của tỉnh Phúc Kiến. Hệ thống tem phiếu này được dự kiến duy trì đến cuối năm do nhu cầu cao điểm. Cũng tại Phúc Kiến, chính quyền thành phố Phủ Điền cũng cung cấp cho người dân khoản trợ cấp 4 nhân dân tệ mỗi kg cho việc mua thịt heo. Mỗi người được mua 2 kg. Từ đầu tháng 8, người dân ở Hạ Môn, một thành phố khác ở Phúc Kiến, cũng có tem phiếu, với mức giới hạn cao hơn, 2,5 kg thịt mỗi ngày...
Ngoài ra, một số phương tiện truyền thông nhà nước cũng đang kêu gọi người dân cắt bỏ thịt lợn ra khỏi khẩu phần ăn. Life Times (được điều hành bởi Nhật báo Nhân dân - tờ báo của Đảng cộng sản Trung Quốc) kêu gọi công chúng ăn ít thịt lợn hơn: “Thịt lợn là thực phẩm truyền thống lâu đời của người Trung Quốc, nhưng vì nó giàu chất béo và cholesterol nên nếu ăn quá nhiều có thể gây tăng cân và béo phì. Thật ra, dù thịt lợn có đắt hay rẻ, mọi người nên cải thiện chế độ ăn uống để ăn ít thịt lợn hơn và ăn nhiều thịt trắng hơn”./.