Trong 2 ngày (29 và 30/9), tỉnh Long An ghi nhận 1.274 trường hợp là người dân thuộc 16 tỉnh: An Giang, Đồng Tháp, Bạc Liêu, Hậu Giang, Trà Vinh, Vĩnh Long, Tây Ninh, Bình Dương, Đắk Nông, Kiên Giang, Bến Tre, Tiền Giang, Sóc Trăng, Cà Mau, Gia Lai và TP.Cần Thơ đã tự di chuyển từ các huyện trong tỉnh; từ các tỉnh, thành phố lân cận qua địa bàn tỉnh Long An để trở về quê nhưng chưa được sự cho phép di chuyển của các địa phương lân cận tỉnh Long An.
Nhiều người dân đi xe máy tự phát về quê tạo ra cảnh ùn ứ cục bộ trên địa bàn huyện Đức Hòa (Ảnh Báo Long An) |
Hầu hết những trường hợp này đều bị thất nghiệp 04 tháng nay do ảnh hưởng bởi dịch COVID-19. Khi có thông tin TP Hồ Chí Minh mở cửa và cũng không thể cầm cự ở lại vì không còn tiền sinh hoạt nên họ đã “đánh liều” trả nhà trọ, mang hành lý, tìm cách về quê. Tuy nhiên, khi đến chốt kiểm soát dịch khu vực cầu Đức Hòa, xã Hựu Thạnh, huyện Đức Hòa, tỉnh Long An người dân bị lực lượng chức năng chặn lại, gây ùn ứ cục bộ tại khu vực này.
Trước tình hình trên, lãnh đạo UBND tỉnh Long An và nhiều sở, ngành tỉnh, địa phương trực tiếp đối thoại với người dân. Bên cạnh đó, huyện Đức Hòa cũng chuẩn bị ngay một điểm tạm trú tạm thời để người dân không quay về có chỗ “che mưa che nắng”.
Tại buổi đối thoại trực tiếp, ông Nguyễn Minh Lâm - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Long An đề nghị người dân bình tĩnh, không nên tự phát đổ về quê, gây khó khăn cho công tác phòng chống dịch COVID-19 không chỉ riêng tỉnh Long An mà còn với các địa phương khác. Dù Long An có cho đi thì xuống các chốt kiểm soát dịch các tỉnh Đồng Tháp, Tiền Giang cũng không cho qua, phải đợi địa phương đồng ý.
Ông Nguyễn Minh Lâm - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Long An đối thoại với người dân (Ảnh: Sơn Lâm) |
Tỉnh Long An sẽ phối hợp với các doanh nghiệp đến trao đổi, thỏa thuận công việc để công nhân giải quyết những khó khăn trước mắt. Long An cam kết hỗ trợ hết mình và mong muốn người dân ở lại, cố gắng vượt qua khó khăn, trở lại làm việc. Nếu người dân thật sự muốn về quê, Long An cũng hỗ trợ, tạo điều kiện, nhưng phải đợi tỉnh tổ chức, liên hệ với các địa phương đồng ý cho về và đăng ký nguyện vọng. Đối với người dân thuộc các huyện của Long An, tỉnh sẽ cho đăng ký và giải quyết.
Trong 1.274 người có nguyện vọng về quê và đang bị “ùn ứ” tại Long An có: 267 người ở An Giang, 367 người ở Đồng Tháp, 108 người ở Bạc Liêu, 14 người ở Hậu Giang, 44 người ở Trà Vinh, 17 người ở Vĩnh Long, 2 người ở Tây Ninh, 2 người ở Bình Dương, 3 người ở Đắk Nông, 93 người ở Kiên Giang, 93 người ở Bến Tre, 29 người ở Tiền Giang, 145 người ở Sóc Trăng, 46 người ở Cà Mau, 5 người ở Gia Lai và 100 người ở TP Cần Thơ. Trong số đó có nhiều trẻ em và phụ nữ mang thai, nhiều người đã gần tới kỳ sinh nở.
Hiện tại, nhóm người này được huyện Đức Hòa bố trí, lo ăn nghỉ, chăm sóc y tế tạm thời tại một điểm trường học. Tuy nhiên, hiện nguyện vọng của những người này là chỉ muốn được trở về quê nhà. Những người dân này đều đã được tiêm ít nhất một mũi vaccine ngừa COVID-19 và được Long An quản lý, chăm sóc và xét nghiệm y tế.
Người dân được huyện Đức Hòa bố trí, lo ăn nghỉ tại một điểm trường học, trong đó có nhiều thai phụ và trẻ em (Ảnh: Lê Ngọc) |
UBND tỉnh Long An đã có văn bản gửi 16 tỉnh: TP Cần Thơ, An Giang, Đồng Tháp, Bạc Liêu, Hậu Giang, Trà Vinh, Vĩnh Long, Tây Ninh, Bình Dương, Đắk Nông, Kiên Giang, Bến Tre, Tiền Giang, Sóc Trăng, Cà Mau, Gia Lai quan tâm và phân công đơn vị đầu mối để phối hợp với các ngành chức năng của tỉnh Long An tiếp tục thực hiện đón người dân trở về địa phương trong thời gian dự kiến từ ngày 01/10 đến ngày 05/10/2021.
UBND tỉnh Long An yêu cầu các địa phương quản lý chặt tình trạng người dân tự phát về quê tại các huyện trọng điểm, chú trọng hơn ở các tuyến đường chính như Quốc lộ 50, Đường tỉnh 827, Quốc lộ 1. Ngoài ra, các chốt kiểm soát phòng, chống dịch COVID-19 giáp ranh tỉnh Long An và các tỉnh, thành phố phải kiểm soát chặt chẽ, không để xảy ra tình trạng tự phát về quê như những ngày gần đây. Đồng thời, cần tăng cường lực lượng tại các chốt chặn; củng cố, kiểm soát chặt các đường mòn, lối mở giáp ranh TP.HCM, không để xảy ra sơ hở, mất kiểm soát.
Huyện Đức Hòa phải chăm lo ăn uống, sinh hoạt, chăm sóc sức khỏe cho người dân tại các điểm tiếp nhận, đặc biệt quan tâm đến trẻ em, phụ nữ có thai,… Bên cạnh đó, huyện cần nắm rõ số lượng những người có nhu cầu về quê để vận động và có sự hỗ trợ kịp thời các gói an sinh.