Ca bệnh nghi ngờ là anh H. Đ. L., (SN 1980, trú tại phường Thanh Bình, TP Hải Dương).
Theo điều tra dịch tễ, anh L. làm nghề bán thịt nướng, thuê phòng trọ tại địa chỉ trên ở cùng với con trai sinh năm 2005 và 1 người làm thuê. Hàng ngày, buổi sáng anh L. làm hàng thịt nướng tại nhà trọ, chiều ra bán hàng trên đường Mạc Thị Bưởi, phường Phạm Ngũ Lão, TP Hải Dương. Ngày 10/8, anh L về quê thăm bố đang điều trị bệnh tim mạch, huyết áp, tiểu đường tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hà Nam và quay lại Hải Dương trong ngày.
Khoảng ngày 11/8, anh L có biểu hiện sốt, đau họng, mệt mỏi, ở nhà uống thuốc không đỡ. Ngày 14/8, anh L đi khám tại Phòng khám Đa khoa Quốc tế Hà Nội (đường Tân Trào, phường Tứ Minh, TP Hải Dương), kết quả viêm họng, viêm xoang, được bác sỹ kê đơn thuốc về nhà…
Ngày 14/8-18/8, anh L. điều trị tại nhà theo đơn không đỡ, thường sốt về chiều, ăn uống kém, nuốt khó. Ngày 19/8, bệnh nhân tái khám tại Phòng khám Đa khoa Quốc tế Hà Nội. Kết quả nội soi họng, thanh quản có niêm mạc nề đỏ, có giả mạc bám trắng ở hạ họng, amydal 2 bên; vòm họng nhẵn, có giả mạc trắng bám. Anh L được các bác sĩ phòng khám kết luận theo dõi viêm họng, nghi bệnh bạch hầu. Bệnh nhân được phòng khám hướng dẫn đến khám tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Hải Dương.
Tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Hải Dương, bệnh nhân được khám và chẩn đoán: viêm họng cấp, theo dõi bệnh bạch hầu. Sáng 20/8, sức khỏe bệnh nhân ổn định…
Ngày 19/8, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Hải Dương nhận được thông báo từ Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Hải Dương về trường hợp nghi mắc bệnh bạch hầu. Trung tâm đã phối hợp với Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới điều tra, lấy mẫu dịch hầu họng của bệnh nhân, gửi Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương làm xét nghiệm khẳng định. Đồng thời, chỉ đạo Trung tâm Y tế thành phố Hải Dương chủ động thực hiện các biện pháp phòng chống dịch theo quy định.
Đây là ca bệnh nghi nhiễm bệnh bạch hầu thứ hai trên địa bàn tỉnh Hải Dương cho kết quả âm tính sau ca bệnh nghi ngờ tại thị trấn Tứ Kỳ, huyện Tứ Kỳ vào ngày 11/7.
Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Hải Dương khuyến cáo, mặc dù ca bệnh là âm tính song người dân tuyệt đối không chủ quan với bệnh bạch hầu. Bệnh thường gặp ở trẻ nhỏ, nhưng người lớn cũng có thể mắc nếu không có miễn dịch. Vi khuẩn bạch hầu sản sinh ra độc tố gây tổn thương nhiều cơ quan quan trọng và có thể lan ra toàn cơ thể, gây biến chứng nghiêm trọng. Hiện đã có vaccine phòng bệnh và thuốc điều trị đặc hiệu cho bệnh bạch hầu.
Do bệnh vẫn chưa được loại trừ ở Việt Nam, việc tiêm vaccine phòng bệnh là biện pháp phòng ngừa quan trọng và hiệu quả nhất.