Anh Hải say sưa kể lại chặng đường khó nhọc đã đi qua |
Vác đất ruộng về… cải tạo vườn
Nhắc lại những ngày thương tâm ấy, anh Hải kể, bao nhiêu tiền của, gạo lạc của nhà đã phải mang ra bán hết để chạy vạy cho anh trong 3 tháng trời nằm viện ở Hà Nội. Ngày mới ra viện, những ngày đầu Hải chỉ khóc nằm liệt giường. Hàng tháng trời anh không thể tự ngồi, tự đi, mọi sinh hoạt đều phải do người nhà chăm sóc.
Mỗi bữa cơm ăn độn sắn, trong lúc ngồi bón cơm cho con, mẹ anh tranh thủ… nhặt sắn ăn, để anh được ăn cơm trắng. Nhiều hôm nhìn mẹ ngồi bón cơm cho mình mà nước mắt anh ứa ra. Thậm chí có những hôm thấy mẹ rơi nước mắt, anh giơ cánh tay lúc lỉu ra, quờ trúng tay mẹ, hai mẹ con lại ôm nhau khóc…
Sau 6 tháng nằm nhà Hải mới bắt đầu tập… đi. Bàn chân cứng ngắc, ngón chân thì dị dạng… mất khoảng 1 năm anh đi không bình thường, như người bị thọt chân. Rồi anh tập cầm thìa xúc cơm ăn, tập tự nấu cơm…
Khi làm được mọi việc từ cơm nước, nhặt rau, nấu thức ăn cho gia đình thì anh nghĩ rằng chắc chắn mình sẽ làm được thêm những việc khác, nếu quyết tâm. Hai bàn tay không thể làm được gì thì anh tập làm bằng đôi bàn chân, như bắt cua, bắt cá bằng chân, ném trúng gà, trúng chim chỉ bằng việc cặp viên sỏi vào hai đầu ngón chân.
Anh Hải kể lại: Ngày mới lớn, bố anh lên kế hoạch sẽ mua một con trâu cho anh chăn thả, rồi cho các anh chị trong nhà thuê cày, mỗi người trả cho Hải vài cân thóc để Hải có ăn (phòng khi bố mẹ mất đi). Còn bà ngoại thì mang lên nhà cho anh một cây khế và bảo anh trồng cây khế, khi nào có quả thì cứ vặt khế đi bán cũng đủ ăn. Tất cả mọi người đều lên kế hoạch tương lai cho Hải khỏi chết đói.
Cho đến một ngày tình cờ anh nghe được chuyện cải tạo vườn của một triệu phú nhà nông. Anh đã quyết tâm cải tạo vườn nhà mình dù vườn nhà toàn sỏi óc chó. Mỗi ngày anh đưa trâu ra đồng để kéo đất ruộng về vườn, kéo đất hàng tháng trời mới san phẳng vườn và anh bắt đầu trồng rau bắp cải.
Ban đầu anh đi mua rau giống về trồng, thời điểm ấy chỉ khoảng 90.000 đồng/tạ thóc, mua rau giống thì mỗi lần mất khoảng 50.000 đồng và anh nghĩ, làm rau giống chắc chắn lãi cao. Mấy năm trời, cứ đến vụ là anh lại đến xin làm giúp tại một đại lý con rau giống, vừa làm vừa tìm hiểu. Thấy anh tật nguyền mà ham học hỏi nên nhiều người đã nhiệt tình giúp đỡ
Triệu phú nhà nông
Hải cười tươi quả quyết: Làm rau giống không phải một vốn 4 lời mà một vốn 10 lời. Có nghề ươm trồng rau giống, anh mạnh dạn mua hạt về làm và mùa đầu tiên đã có lãi lớn. Thừa thắng xông lên, anh mạnh dạn cải tạo vườn tạp, chở hàng trăm xe trâu bùn ao về đổ tại vườn để cải tạo đất.
Thiếu vốn, anh mạnh dạn vay mượn người thân. Dần dần anh mở rộng diện tích trồng rau, làm rau giống đem lại nguồn thu đáng kể nên anh rất ham, trong vườn lúc nào cũng có 2 sào rau giống các loại cung cấp cho khách hàng trong và ngoài tỉnh.
Thấy việc gieo rau giống chỉ có thể làm trong 3 tháng gần cuối năm, những tháng còn lại không có việc để làm. Anh tính đến chuyện trồng hoa vì trước đấy anh đã trồng một ít hoa lay ơn. Mỗi bông hoa anh Hải trồng ra to, đẹp hơn hẳn những người khác.
Ai nghe tiếng anh trồng hoa cũng phải hỏi đường đến vườn nhà anh để ngắm những bát hoa đẹp, đều của anh Hải. Đang làm rau giống cho thu nhập khá, anh bất ngờ chuyển hướng sang trồng hoa sau khi đã học hỏi, tích lũy được chút ít kinh nghiệm.
Không dàn trải, anh tập trung đầu tư vào ba loại chính, tuy khó trồng nhưng có giá trị kinh tế cao là: hoa ly, loa kèn và lay-ơn các màu. Mua giống, ươm một năm mới có hoa trồng nhưng anh không dám trồng nhiều vì chưa có cửa để tiêu thụ. Đến khi tìm được đầu ra cho hoa thì anh thuê thêm vài mẫu đất trong làng để phát triển nghề hoa.
Hiện nay, đất vườn thuê lâu năm rơi vào 32 sào, còn lại thi thoảng lại đi mượn đất vào những lúc không phải mùa vụ, mỗi lần mượn cũng phải vài chục sào. 10 sào hoa giống trồng được 40 sào hoa thương phẩm “lãi không kém làm rau giống nên càng làm càng ham” – anh Hải thật thà chia sẻ.
Hiện gia đình anh luôn có 4 mẫu trồng hoa quanh năm, trừ chi phí còn lãi vài trăm triệu đồng. Không chỉ làm giàu cho mình, anh còn hướng dẫn nhiều hộ nông dân khác trong xã cùng biết cách trồng hoa. Đến nay một số hộ làm theo mô hình của anh bước đầu thu nhập khả quan.
Người xưa vẫn nói “giàu hai con mắt, khó đôi bàn tay” nhưng với anh Hải, trong họa đôi khi có phúc vì ông trời không lấy đi của ai tất cả. Việc anh mất đi đôi bàn tay giống như một bước ngoặt để anh có thể trở thành một triệu phú hôm nay.