Mùa hè năm 2000, khi từ đỉnh núi Tô Thị (tỉnh Lạng Sơn) trở xuống, tôi ghé vào chiếc quán đơn sơ, dã chiến nằm nép mình dưới chân núi, nơi có những cành si đá xòe phủ. Chủ quán là một người đàn ông trạc tuổi lục tuần với khuôn mặt bình thản, bàng quan thế sự xung quanh. Ông không bận tâm lắm về sự có mặt của khách, mắt vẫn dõi nhìn ra những đám ruộng bậc thang trước mặt, chiếc quạt mo cau trong tay ông nhẹ nhàng phe phẩy.
Kẻ tội đồ “nung vôi” nàng Tô Thị
Khi đang ngả lưng vào chiếc ghế bạt, lặng yên cảm nhận vị hoang hoải của núi rừng miền biên giới, thì tôi bỗng giật mình bởi tiếng ồn ã của đám nam thanh nữ tú ghé vào quán. Hình như họ cũng trở xuống từ tượng nàng Tô Thị như tôi. Câu chuyện của họ xoay quanh lý do phải phục chế lại bức tượng.
Người chủ quán nhẹ nhàng hỏi: “Các cháu có biết vì sao “Tượng Bà” lại phải phục chế lại không?” Một cậu có vẻ là trưởng nhóm tự tin trả lời: “Do người ta đập để nung vôi”. Người đàn ông chạm rãi nói: “không sao, không biết không có tội phải không các cháu.. ”. Rồi ông mở nắp chiếc thùng bên cạnh, lấy ra hai chiếc khung ảnh mà trên đó có những tờ báo được ép chặt, lồng trong khung kính đưa cho những bạn trẻ. Câu chuyện ngay lập tức cuốn hút lấy tôi.
Tôi còn nhớ thập niên 90, cả nước sôi lên trước thông tin nàng Tô Thị ở Lạng Sơn đã bị đặt mìn, phá lấy đá nung vôi. Các ý kiến của những nhà nghiên cứu văn hóa, các nhà văn, nhà thơ sôi lên sùng sục. Họ đòi cơ quan chức năng phải tử hình, chí ít cũng là tù bằng được người đã phá đi di sản quý giá này.
Rồi nghe nói công an cũng bắt được kẻ to gan, dám làm cái việc báng bổ vào giá trị văn hóa đó. Rồi khi thời gian đã bắt đầu trôi qua đủ để cho dư luận lắng xuống, câu chuyện phá hoại biểu tượng làm nên giá trị của người phụ nữ Việt cũng bị người ta cũng tạm quên đi, bởi có lẽ còn nhiều điều cần nhớ hơn trong cuộc sống hàng ngày. Dù ai cũng tiếc nuối cho điều đó, thế nhưng thông tin chính xác, về nguyên nhân để bức tượng giá trị này phải phục chế lại, thì mỗi người giải thích một kiểu, kể cả người có trách nhiệm.
Sau khi chắp nối thông tin từ những bài báo, được nghe ông kể cộng thêm sự xác nhận của những người hàng xóm, tôi mới biết, người bán quán này chính là kẻ bị cơ quan chức năng tỉnh Lạng Sơn, quy kết cho là “tội đồ” đánh mìn tượng nàng Tô Thị để nung vôi năm nào. Hóa ra ngoài số phận của bức tượng, còn có một người ở dưới chân núi này cũng có số phận long đong không kém gì bà.
Ông tên thật là Đoàn Văn Thường, nhưng mọi người vẫn gọi ông là Quyết, sinh năm 1956 tại Thị Cầu, tỉnh Bắc Ninh. Ông đã từng là lính, nhập ngũ tháng 1-1975 và có mặt trong cánh quân tiền phương của sư đoàn 320, tham gia đánh chiếm bộ tổng tham mưu Sài Gòn trong chiến dịch giải phóng miền nam. Năm 1977, ông tham gia chiến dịch biên giới Tây Nam, giải phóng Phnom pênh.
Trong chiến dịch này, ông đã bị thương rất nặng nhưng tiếp tục cùng đơn vị tham gia cuộc chiến bảo vệ biên giới phía bắc năm 1979. Nhưng do thương tật, nên năm 1981 ông đã rời quân ngũ với chứng nhận thương binh hạng 4/4 . Trở về quê nhà lấy vợ, sinh con và sống ở phường Tam Thanh, thị xã Lạng Sơn. Hàng ngày, vợ ông đi làm thuê, còn ông do sức yếu nên ông chọn kế sinh nhai từ việc bán quán nhỏ trước cổng Trường Việt Thắng.
Cuộc sống của hai vợ chồng và hai đứa con cứ thế lặng lẽ trôi đi. Rồi vào khoảng 17h ngày 27-7-1991, một cơn mưa tầm tã đen kịt cả trời đất, người dân trong vùng nghe một tiếng nổ lớn trên núi. Khi mưa tạnh, người ta thấy bức tượng nàng Tô Thị đã đổ xuống con đường dưới chân núi. Ba ngày sau khi bức tượng bị đổ, lúc đó ông Quyết đang nấu cơm chiều thì Công an thị xã Lạng Sơn đến bắt ông đi. Sau mấy ngày giam giữ, người ta dẫn ông Quyết đến ngọn núi, trèo lên vách đá có bức tượng, bắt ông cầm xà beng, diễn lại động tác phá nàng Tô Thị cho các phóng viên chụp ảnh, ghi hình.
Những ngày sau đó, rất nhiều bài báo với dòng tít như: “Đã bắt được thủ phạm phá tượng nàng Tô Thị”, “Cần nghiêm trị kẻ phá tượng nàng Tô Thị” v.v.. Tất cả các bài viết trên phương tiện thông tin đại chúng đều chụp ảnh, ghi đích danh Đoàn Văn Quyết là thủ phạm đã phá hoại bức tượng. Trong vụ việc này Công an thị xã Lạng Sơn còn bắt thêm một người tên là Điều, là cư dân sống dưới chân ngọn núi này nữa.
Mở quán dưới chân núi để tự minh oan
Thế nhưng trong suốt những ngày bị giam giữ, ông Quyết vẫn một mực kêu oan. Và công an cũng không tìm ra được chứng cứ nào cho thấy ông Quyết, hay người khác đã phá tượng Nàng Tô Thị để nung vôi. Rồi khi dư luận đã tạm thời lắng xuống, người ta thả ông ra sau một tháng giam giữ mà không có một lệnh tha, hay một lời kết án nào. Còn ông Điều, người bị nghi là thủ phạm như ông Quyết, cũng được thả ra sau gần sáu tháng bị giam. Ngày trở về, ông Quyết dựng quán bán nước dưới chân núi Tô Thị để tự minh oan cho chính mình.
Những người dân xung quanh bức tượng này mà tôi gặp đều khẳng định: “không cần phải cơ quan chức năng nào kết luận, chúng tôi đều không thể tin là ông Quyết, hay ai đó phá bức tượng. Bởi vị trí của nó nằm cheo leo phía ngoài một vách đá. Muốn lên được đó rất khó khăn và vất vả. Hơn nữa, hôm đó là buổi chiều, trời đã tối và đang mưa rất to. Rõ ràng với điều kiện địa lý, thời tiết như vậy thì không một người thợ đá nào lại dại dột, trèo ra để đục tảng đá ở vị trí đó, nếu không muốn đánh đổi mạng sống của chính mình”.
Ngoài cơ quan công an điều tra sự việc, những người người làm công tác nghiên cứu khoa học, địa chất cũng bắt tay vào nghiên cứu, với mong muốn tìm ra sự thật. Đó là Trương Hoàng Phương, giảng viên khoa địa lý, trường Đại học sư phạm TP Hồ Chí Minh đã lên chân tượng để quan trắc và khảo sát.
Từ các dấu vết để lại và những gì khoa học đã chứng minh, thầy giáo Phương đã khẳng định: “Tượng nàng Tô Thị bị sụp đổ là do biến đổi địa chất tự nhiên. Hoàn toàn không có hành vi phá hoại”. Kết luận này đã được nhà khoa học trẻ này gửi tới các cơ quan văn hóa tỉnh Lạng Sơn và rất nhiều cuộc hội thảo về vấn đề bảo vệ các di tích, thắng cảnh đá vôi tự nhiên.
Vậy là câu chuyện của ông Quyết, đối với số phận của bức tượng đã được chứng minh rõ ràng. Thế nhưng sau nhiều năm vẫn vậy, ông vẫn bị mang danh là kẻ “tội đồ” đã “phá nàng Tô Thị để nung vôi”. Ông kể: “Những đoàn khách sau khi lên viếng tượng bà trở xuống, đều chửi người đã phá tượng. Không những thế, có người còn khẳng định một cách chắc chắn rằng: lão Quyết đó đã bị tử hình”. “những lúc như thế, tôi chỉ ôn tồn giải thích và đưa hai bài báo năm xưa cho họ đọc...”. Nghe ông kể, tôi thầm cảm phục sự kiên nhẫn của người lính trong ông.
Khi chia tay ông, tôi tự hứa sẽ làm một việc gì đó giúp ông. Để ít ra có người hiểu thêm về câu chuyện của tượng nàng Tô Thị. Và để sự kiên nhẫn của ông không đơn độc và hoàn toàn vô ích. Thế nhưng thời gian cứ trôi, vòng quay cuộc sống đời thường khiến tôi chưa có điều kiện thực hiện lời hứa với ông năm nào.
Cần một lời khẳng định!
Thấm thoát đã hơn mười năm có lẻ, tôi mới trở lại xứ Lạng. Vạn vật, phố phường đã đổi thay khác xưa rất nhiều. Tôi nghĩ, chiếc quán dã chiến dưới chân núi Tô Thị chắc không còn nữa và người đàn ông chủ quán năm nào chắc đã thanh thản với công việc đó. Thế nhưng, tôi ngạc nhiên bởi chiếc quán dã chiến dưới chân núi Tô Thị vẫn còn đó.
Ông vẫn kiên nhẫn giải thích với du khách như mười mấy năm về trước. Gặp lại tôi ông vẫn khẳng định: “tôi không yêu cầu phải bồi thường hay xin lỗi. Nhưng chỉ xin hãy ghi thêm vào tấm bảng dưới chân núi kia rằng: “Do tác động địa chất tự nhiên, bức tượng đã bị đổ và được phục chế lại”.
Tấm bảng xi măng dưới chân núi. |
Trên đường trở về, khi hỏi chuyện về bức tượng, người lái xe Taxi nói: “Nghe đâu bị người ta phá đá nung vôi”. Hóa ra cho đến tận bay giờ, người thương binh dưới chân núi Tô Thị vẫn phải gánh chịu trách nhiệm thay cho người khác, trong việc quản lý, bảo vệ bức tượng.
Hai mươi ba năm đã trôi qua, đã đến lúc cần phải có sự sòng phẳng cần thiết của các cơ quan chức năng đối với người thương binh Đoàn Văn Quyết. Tấm bảng bằng xi măng “NÚI TÔ THỊ - di tích quốc gia, đã xếp hạng, cấm vi phạm” kia cần phải có thêm dòng chữ: “Do tác động địa chất tự nhiên, bức tượng đã bị đổ và được phục chế lại”. Sự thật về số phận bức tượng phải được trở về đúng sự thật của nó.