Người đàn ông dành cả đời đi… “nhặt” người điên về nuôi

Ông bà Phạm Văn Nhẫn, Đào Thị Lam. Ảnh: Nguyệt Thương
Ông bà Phạm Văn Nhẫn, Đào Thị Lam. Ảnh: Nguyệt Thương
(PLO) - Hơn 30 năm qua, ông Phạm Văn Nhẫn (thôn Chi Ngôn, xã Thanh Hải, huyện Thanh Liêm, Hà Nam) bỏ qua mọi lời đàm tiếu thầm lặng làm một công việc mà không ít người cho là gàn dở: “nhặt” người điên đi lang thang về nhà chăm sóc và tìm người thân cho họ... 

Căn nhà đơn sơ của gia đình ông Nhẫn nằm ngay quốc lộ 1, giáp với Ninh Bình. Khi chúng tôi tới, một người đàn ông ngơ ngẩn đang ngồi trông quán nước tuềnh toàng. Đó là anh Trần Văn Cường, người Bắc Giang, không còn ai thân thích nên đã ở với vợ chồng ông Nhẫn từ 6 năm nay.
Chuyện đứa con hoang
30 năm qua, ông Nhẫn không thể nhớ cụ thể số người điên mà vợ chồng ông đã cưu mang, chỉ áng chừng 200 người, vì mỗi tháng ít cũng 4-5 “ca”. Khi có ai hỏi do đâu mà ông có thể cưu mang, chăm lo chu đáo cho những người tâm thần, trong khi ngay cả người thân của họ đôi khi cũng chối bỏ, trong khi cuộc sống của ông không có gì là dư giả ông chỉ cười…
Tuổi thơ của Phạm Văn Nhẫn thiếu thốn tình cảm của cha mẹ. Trong một lần trót dại, mẹ ông đã mang thai, cậu bé Nhẫn sinh ra đã mang cái tiếng là “đứa con hoang”. Không biết mặt cha, mẹ lại bỏ đi lấy chồng, tuổi thơ của cậu nương tựa, bấu víu vào  bà ngoại già cả. Hai bà cháu rau cháo nhọc nhằn vượt qua những tháng ngày cơ cực. 
Năm 1979, khi có lệnh tổng động viên, chàng trai 16 tuổi đã chích máu viết 2 lá đơn xin lên đường nhập ngũ. 4 năm sau, rời quân ngũ trở về quê hương, ông được bà ngoại ướm hỏi cho cô gái Đào Thị Lam cùng làng rồi nên nghĩa vợ chồng. Với hai bàn tay trắng, không mảnh đất cắm dùi, ông cùng người vợ trẻ làm lụng đủ thứ để rau cháo qua ngày. Nhiều năm sau, ông mua được mảnh đất trũng, góp nhặt từng viên gạch xây nhà. Và ở chính tại ngôi nhà nhỏ đó, ông Nhẫn bắt đầu cái nghiệp cứu người…
Cái “ duyên” chẳng giống ai
Với ông, chuyện cứu người như “duyên trời” dẫn dắt. Năm 1984, vợ chồng ông đang phơi rơm trên đường, thấy một cậu bé khoảng 5 tuổi vừa chạy vừa khóc. Ông đưa về nhà tắm rửa, cho ăn uống, rồi đạp xe đi tìm gia đình cậu bé. Đi được vài cây số, ông thấy một ông già đang gục đầu bên đường khóc, hỏi ra mới biết đó chính là ông nội của cậu bé. Ông cháu họ nhận nhau mừng tủi khiến ông Nhẫn thấy ngập tràn hạnh phúc. 
Rồi trên đường về, thấy một phụ nữ khoảng 40 tuổi điên dại tơi tả trên  đường, ông động lòng quay lại hỏi han rồi đưa về nhà. Hôm đó, ông còn “nhặt” thêm 2 người tâm thần nữa.
Những ngày đầu, khi thấy ông đưa một vài người tâm thần về nhà và đối xử như người thân, ai nấy đều ngạc nhiên và cho rằng ông “nhất thời động lòng”. Nhưng sau đó, gần như ngày nào ông cũng đưa người điên về nhà cho vợ tắm rửa, cơm nước, đợi họ tỉnh để tìm tung tích đưa họ về nhà. 
Thu nhập chính của gia đình gồm hai vợ chồng ông và 4 người con trông vào một mẫu ruộng, quán nước sơ sài và chiếc xe ôm của ông. Nói là làm xe ôm nhưng nhiều khi gặp người điên là ông bỏ khách để đưa họ về nhà. Chính nghĩa khí khác người đó khiến gia đình ông Nhẫn thường xuyên rơi vào cảnh thiếu đói. Thiên hạ bảo ông là hâm, là gàn… 
Không thể nhớ hết tên tuổi của hàng trăm người được cứu, nhưng ông Nhẫn lại nhớ vanh vách các số điện thoại tìm người lạc của đài, báo các tỉnh. Người ông cứu ở khắp nơi, từ Nam Định, Hòa Bình, Hải Phòng, Hải Dương đến Thanh Hóa, Quảng Ngãi, Hà Giang… Ông không nhớ tên họ, nhưng ấn tượng về những con người khốn khổ đó thì ông nhớ. 
Mỗi lần “nhặt” được ai, ông Nhẫn đều ra xã trình báo với chính quyền địa phương, rồi  nhằm lúc người bệnh tỉnh táo lại, hai vợ chồng thay nhau hỏi han, ghi lại thông tin, rồi hỏi 1080, lần ra số điện thoại của Công an, chính quyền các địa phương, nhờ họ tìm giúp thân nhân những người bị lạc. Thông thường, các cuộc tìm kiếm đều suôn sẻ, nhưng cũng không ít trường hợp gần như phải “bó tay”. 
Chẳng hạn, một cậu bé câm, trắng trẻo, đẹp trai, khéo nghề thợ xây, nhưng chữ nghĩa thì “i tờ”, lúc viết mình ở tỉnh này, lúc lại tỉnh khác khiến gia đình ông tìm kiếm tới 6 tháng mới trả được cậu về gia đình. Có trường hợp quê ở Thái Nguyên, bỏ nhà đi lang thang, thích vào Sài Gòn nên cứ một mực nói là quê ở Sài Gòn để được đưa vào đó. Có trường hợp bỏ nhà đi lang thang 14 năm, lưu lạc từ Nam ra Bắc rồi lân la ông cũng tìm được lối về cho họ.
 Thông thường khi được ông báo tin thì gia đình lên đón, nhưng cũng có nhiều gia đình quá khó khăn, họ không thể đón được. Mới tuần trước, ông “nhặt” được một thanh niên bên Vũ Thư- Thái Bình song người mẹ già không thể đón con bèn nói với ông qua điện thoại rằng: “Bác cứ làm phúc thả ra đường để cháu nó tự về”. Nhưng ông không đành lòng, lo thả ra rồi cậu ta lưu lạc chết ở đường thì khổ. Vậy là ông chở cậu ta về tận nhà.
Người điên cũng biết buồn
Trường hợp anh Trần Văn Cường, quê Bắc Giang lại vô cùng đặc biệt. Không phải ông Nhẫn tìm mà anh Cường tự đến. Lúc đó là vào nửa đêm, đang ngủ vợ chồng ông Nhẫn nghe tiếng chửi bới,  đập phá ngoài quán. Chạy ra mở cửa, thấy một người đàn ông đầu tóc bẩn thỉu, rách rưới, máu me, bùn đất bám khắp người đang chửi bới, phá phách. Không ngại nguy hiểm, ông Nhẫn khống chế anh Cường, đưa vào nhà. Vậy là vợ chồng ông lịch kịch đun nước tắm rửa, dỗ dành anh, cho ăn, cho ngủ… 
Anh Trần Văn Cường và bữa cơm trưa. Ảnh: Nguyệt Thương
Anh Trần Văn Cường và bữa cơm trưa.   Ảnh: Nguyệt Thương
Ở với gia đình ông Nhẫn mấy tháng, anh Cường mới nhớ được gia đình ở Bắc Giang. Liên lạc về Bắc Giang nhiều lần, ông Nhẫn nhận được thông tin anh Cường đúng là gốc tích ở đó, nhưng đã bỏ đi khỏi địa phương hơn 20 năm. Cuộc tìm kiếm đang vô vọng thì đột nhiên ông Nhẫn nhận được một cuộc gọi từ miền Nam ra. Người phụ nữ đó nhận là em gái anh Cường, đã lấy chồng, làm công nhân ở TP.HCM. Nhận là nhận vậy, rồi cảm ơn, hứa hẹn nhiều lần ra đón, nhưng chị này cũng không có điều kiện đón anh trai về đoàn tụ… Chỉ thỉnh thoảng chị gửi được chút tiền thêm thắt rau cháo cho anh.
Giờ anh Cường đã bớt phá phách và dễ bảo, sai trông quán hay quét dọn, bảo gì anh làm đó. Thế nhưng khi trái gió trở trời, anh vẫn cầm dao chửi bới, kêu gào suốt đêm. Dù đã gần 50 nhưng hỏi bao nhiêu tuổi, anh trả lời “16 tuổi”… rồi lững thững bê bát cơm vào nhà. Ông Nhẫn lắc đầu buồn: “Người ta điên thì điên nhưng thỉnh thoảng cũng có suy nghĩ cả. Anh ta biết tôi thương nên chẳng bao giờ bỏ đi cả. Thỉnh thoảng cũng biết buồn đấy!”.
Và những nỗi niềm
Có một điều thật lạ lùng, cũng chính vì cái nghiệp cứu người mà ông đã vĩnh viễn mất đi người con trai thứ ba nhưng ông bà không một lời trách móc số phận. Năm 1997, người con xấu số của ông khi ấy 19 tuổi, cũng vừa rời quân ngũ (học hết cấp 2 cậu đã xin cha đi bộ đội). 
Hôm đó, trong nhà có người tới đón con trai 10 tuổi bị lạc. Anh này nhờ con ông Nhẫn đi mua ít bia về uống mừng. Nhưng bia chưa kịp về tới nhà thì con ông bị xe tải cướp tính mạng. Tới giờ, bà Lam vẫn ân hận vì ngày ấy nhà nghèo quá, từ bé tới khi con vào bộ đội chưa kịp sắm cho con một bộ quần áo tử tế. 
Không chỉ đi “nhặt” người điên dại về cưu mang chăm sóc, ông Nhẫn cũng kiêm thêm một cái nghề “gàn” không kém là chuyên đi tắm rửa và khâm liệm cho những nạn nhân xấu số bị tai nạn giao thông dọc quốc lộ 1A đoạn đi qua xã Thanh Hải và một số xã lân cận. Ông nói, bây giờ có đường cao tốc còn bớt tai nạn, chứ những năm trước chật chội, tai nạn liên tục xảy ra ở ngay đoạn đường trước cửa nhà ông.
Ông Nhẫn tâm sự: “Tôi cũng mất một đứa con, nhưng nhiều người được cứu nhận tôi làm bố. Có người tỉnh táo, chỉ cách nhà vài chục cây số vẫn xin ở lại. Người khắp nơi cứ công to, việc lớn đều gọi đến tôi. Đó là cái phúc, để lý giải vì sao tôi muốn làm việc cứu người cho tới khi không còn sức nữa mới thôi. Vợ ông thì bày tỏ, mong có tổ chức nào đó giúp đỡ ông bà dựng thêm gian nhà để cứu giúp người điên. Bởi có ngày cao điểm, ông “ nhặt” về cho bà chăm sóc, tắm rửa thay quần áo có khi tới hàng chục người… 

Đọc thêm

Trung tâm hỗ trợ phụ nữ và trẻ em gái bị bạo lực: Nơi bình yên tìm về

Ngôi nhà Ánh Dương ở Thanh Hóa chính thức đi vào hoạt động từ tháng 1/2022. (Ảnh: HLHPNVN)
(PLVN) -  Với nạn nhân bị bạo lực giới nói chung và bạo lực gia đình nói riêng, để “bình yên tìm về” là cả một hành trình dài. Nhưng qua mô hình Trung tâm dịch vụ một cửa hỗ trợ phụ nữ và trẻ em gái bị bạo lực - Ngôi nhà Ánh Dương, trong hành trình đó, họ không đơn độc. Với nhiều người, hạnh phúc, bình yên đã thực sự trở lại.

Ngăn chặn ma túy “núp bóng” thuốc lá điện tử

Hiện nay chỉ có một số ít cơ quan có năng lực xét nghiệm phát hiện ma túy tổng hợp được như: Viện Giám định Pháp y – Bộ Y tế, Viện Khoa học hình sự - Bộ Công an. (Nguồn ảnh: Thanh Loan)
(PLVN) -  Trong những năm gần đây, các sản phẩm thuốc lá thế hệ mới hay còn gọi là thuốc lá mới đã xuất hiện trên toàn thế giới với hai dòng sản phẩm chính là thuốc lá điện tử và thuốc lá làm nóng. Thứ trưởng Bộ Y tế Trần Văn Thuấn cho hay, khoảng từ năm 2015, các sản phẩm thuốc lá mới bắt đầu du nhập vào Việt Nam và nhanh chóng thu hút giới trẻ.

Thuốc lá điện tử gây ảo giác, loạn thần

4 trường hợp là học sinh nhập viện do ngộ độc sau khi hút thuốc lá điện tử. (Ảnh: Bệnh viện Bãi Cháy)
(PLVN) - Thời gian qua, tại một số bệnh viện đã tiếp nhận một số bệnh nhân đến điều trị có liên quan đến hút thuốc lá điện tử. Điều đáng lưu ý là hầu hết, bệnh nhân đến bệnh viện do có dấu hiệu đau đầu, lo âu, mất ngủ, rối loạn hoảng sợ, có một vài trường hợp có dấu hiệu loạn thần, ảo giác. Vấn đề này ảnh hưởng rất lớn đến sức khỏe tâm thần của người sử dụng.

Sôi nổi Hội thi “Nghi thức Đội TNTP Hồ Chí Minh” tỉnh Bạc Liêu

Sôi nổi Hội thi “Nghi thức Đội TNTP Hồ Chí Minh” tỉnh Bạc Liêu
(PLVN) - Hòa chung không khí thi đua sôi nổi của thiếu nhi cả nước, thiếu nhi Bạc Liêu đã và đang ra sức thi đua rèn luyện, học tập, thực hiện các công trình, phần việc Măng non lập thành tích chào mừng để kỷ niệm 82 năm Ngày thành lập Đội TNTP Hồ Chí Minh (15/5/1941 – 15/5/2023), làm quà nhân kỷ niệm 133 năm Ngày sinh của Chủ tịch Hồ Chí Minh (19/5/1890 – 19/5/2023).

Đừng coi thường say nóng, say nắng

Ảnh minh họa. (Nguồn: baochinhphu.vn)
(PLVN) -  Dù miền Bắc mới bước vào đợt nắng nóng gay gắt diện rộng thứ 2 kể từ đầu mùa nhưng nhiệt độ cao nhất ở nhiều nơi mấy ngày qua đều chạm hoặc vượt ngưỡng 40 độ C. Dự báo, thời gian tới sẽ xuất hiện nắng nóng nhiều hơn và gia tăng về cường độ trên phạm vi toàn quốc.