Chính phủ gia hạn lần cuối cho dự án 5.000 tỷ đồng
Văn phòng Chính phủ vừa có Văn bản số 6475/VPCP-QHQT về việc đồng ý kiến nghị của UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế, gia hạn thời gian hoàn thành Dự án Cải thiện môi trường nước đến ngày 31/12/2020, thay vì kết thúc dự án vào ngày 28/7/2018.
Văn bản nêu rõ, phải nghiêm túc rút kinh nghiệm trong việc để dự án chậm tiến độ, chịu trách nhiệm toàn diện trước Thủ tướng Chính phủ về tiến độ thực hiện dự án trong thời gian được gia hạn. Đảm bảo không được gia hạn thêm lần nào nữa.
Dự án Cải thiện môi trường nước TP Huế có tổng mức kinh phí khoảng 5.000 tỷ đồng được ký kết giữa Chính phủ Việt Nam với Nhật Bản. Trong đó Cơ quan Hợp tác Quốc tế Nhật Bản (JICA) tài trợ khoảng 4.300 tỷ đồng, phần còn lại Trung ương cam kết thông qua Bộ Kế hoạch & Đầu tư và Bộ Tài chính chi trả. Dự án lựa chọn công nghệ tiên tiến nhất từ Nhật Bản. Đây được xem là dự án cải thiện nước lớn nhất tại TP Huế với 1 nhà máy xử lý nước thải, 7 trạm bơm, 160km đường cống thu nước, 30km đường cống bao, gần 100 giếng tắt.
Dự án gồm 8 gói thầu xây lắp, thiết bị và 6 gói thầu xây lắp, được chia làm hai giai đoạn. Giai đoạn 1 được dự tính thực hiện từ năm 2008 – 2018 với phạm vi thực hiện bao gồm 10 phường ở khu vực phía Nam sông Hương. Giai đoạn 2 tiến hành việc lập dự án nghiên cứu khả thi, thiết kế chi tiết phát triển hoàn chỉnh hệ thống thoát nước toàn TP Huế.
Dự án được dư luận TP Huế hết sức quan tâm, được xem là dự án trọng điểm, nhằm cải tạo nguồn nước trên địa bàn TP Huế khỏi nguy cơ bị đe dọa ô nhiễm và giúp TP Huế tránh ngập úng cục bộ. Trước đây, TP Huế có 200 cửa xả nước thải chưa được xử lý thẳng ra sông. Dự án sẽ thu gom toàn bộ nguồn nước thải trên đưa về nhà máy công suất 30.000m3/ngày đêm xử lý, khi mưa lớn thì hệ thống giếng tắt, dễ dàng dẫn nước tràn ra sông, không gây ngập úng.
Theo cam kết với Nhật Bản, thời gian thực hiện giai đoạn 1 đến ngày 28/7/2018 là hoàn thành. Tuy nhiên, đến nay dự án bị chậm tiến độ.
Nắng, mưa đều khốn khổ
Các cử tri TP Huế nhiều lần bức xúc phản ánh việc hoàn trả mặt bằng quá chậm |
“Sống chung” với dự án, một số cử tri trên địa bàn TP Huế nhiều lần bức xúc phản ánh đến đại biểu HĐND các cấp, đại biểu Quốc hội việc hoàn trả mặt bằng quá chậm. Nhiều tuyến đường làm xong hàng tháng trời nhưng không thảm nhựa mặt đường hoàn trả khiến người dân luôn phải sống trong tình trạng nắng bụi, mưa lầy. Người dân còn bức xúc phản ánh việc thi công đường cống làm hư hỏng, rạn nứt nhà dân.
Dự án khiến TP Huế bị ảnh hưởng khoảng 250 tuyến kiệt (hẻm, ngõ), hơn 30 tuyến đường. Theo quan sát của PV, một số tuyến đường chính như Nguyễn Trường Tộ, Phan Đình Phùng, Bà Triệu, Bùi Thị Xuân, Phan Châu Trinh, Đống Đa, Lê Lợi... thời gian qua, máy móc thi công để ngổn ngang, mặt đường lồi lõm rất khó đi. Nhằm hạn chế bụi, những hộ ở gần mặt đường phải tưới nước hàng ngày nhưng nhà cửa bị bụi bặm, ảnh hưởng lớn đến cuộc sống sinh hoạt, kinh doanh buôn bán. Người dân lưu thông trên đường cũng phải sống chung với bụi, tiếng ồn.
Vào giờ cao điểm giao thông thường xuyên ách tắc, tiềm ẩn nguy cơ tai nạn khi gần cả tuyến đường bị rào chắn để thi công. Ngoài ra, trên một số tuyến thoát nước, có những nắp hố ga rất nguy hiểm, gây ra nhiều vụ tai nạn giao thông.
Một người phụ nữ bán bún nghệ trên đường Phan Đình Phùng nói: “Dự án chưa thấy làm đẹp cho TP Huế thì dân đã khổ. Bụi mịt mù khiến lượng khách vào quán tôi ít lại. Mặt đường thì gồ ghề, ổ voi, ổ gà chi chít. Đoạn trước quán tôi đã có tới 3 vụ tai nạn phải nhập viện. Cuối năm 2017, công nhân đơn vị thi công đào đường không may trúng cáp điện gây bỏng toàn bộ mặt. Hiện tại, nhiều cống thoát nước đã làm xong nhưng mặt đường chưa thấy họ hoàn trả lại”.
Anh Hồ Hữu Lộc (50 tuổi, ngụ Phan Chu Trinh) cho biết: “Nhiều tuyến đường đơn vị thi công nhưng không hề để biển báo. Nhiều lúc đi được nửa đường, không tiếp tục đi được đành quay lại đi hướng khác, bực lắm. Việc hoàn trả mặt bằng nhiều nơi rất nhếch nhác, nhiều chỗ đất đá lởm chởm, không đảm bảo chất lượng. Hôm 30/7/2018, tôi chứng kiến một em sinh viên đi xe máy không may ngã xuống hố gãy tay, xe thì hỏng. Dự án hứa hẹn năm nay hoàn thành nhưng tôi mới nghe được thông tin “nó” còn “hành” dân thêm hơn 2 năm nữa”.
Đường phố ngổn ngang vì dự án “ì ạch” |
Mỗi tháng ra… 100 văn bản điều hành
Trao đổi với PLVN, ông Nguyễn Thanh Tuấn Anh (Giám đốc Ban Quản lý Dự án Cải thiện môi trường nước TP Huế) thông tin, hiện dự án đang ở giai đoạn cuối, còn khoảng 15% nhưng đây đều là những hạng mục khó thi công, mất nhiều thời gian. Các gói xây dựng Nhà máy xử lý nước thải, các trạm bơm, cơ bản hoàn thành phần xây dựng và nhà thầu đang tiến hành lắp đặt các thiết bị điện và cơ khí để vận hành thử.
“Dự án vừa mới được gia hạn. Từ nay đến hết quý I năm 2019, dự án cố gắng hoàn thành công tác xây lắp để đưa hệ thống vào vận hành. Việc gia hạn chủ yếu tăng thêm thời gian cho công tác bảo dưỡng, thanh quyết toán, công tác nghiệm thu. Chính phủ cho gia hạn thêm hơn 2 năm cũng là cơ hội để các đơn vị kiểm điểm lại, rút kinh nghiệm, đưa ra một lộ trình, phương án thực hiện dự án cụ thể và hiệu quả hơn”, ông Tuấn Anh nói.
Nguyên nhân nào khiến dự án chậm tiến độ? Theo lời giải thích của Ban Quản lý (BQL) dự án, đơn vị trúng thầu đều là những công ty “rất lớn, rất oai” nhưng các bộ phận thi công ở dưới năng lực không tốt hoặc không quen thi công với địa chất, thời tiết ở TP Huế. Các nhà thầu chính bị phân tán nguồn lực tài chính, không còn nguồn tài chính dồi dào như cam kết với chủ đầu tư ban đầu, kéo theo vấn đề chậm thi công. Tình hình nợ đọng, chậm thanh toán cho các nhà thầu phụ, cho các đơn vị vật tư thường xuyên diễn ra.
Một lý do nữa, các nhà thầu khi đấu thầu muốn trúng thường bỏ giá thầu thấp. Khi trúng thầu, lúc thi công phải tìm nguyên liệu, thiết bị giống như hồ sơ đấu thầu để triển khai nhưng giá thành lại cao, khó đáp ứng nên chậm. Việc phối hợp giữa nhà thầu với chính quyền địa phương, tổ dân phố nơi thực hiện dự án chưa tốt. Ngoài ra cũng có những nguyên nhân khách quan như thời tiết diễn biến phức tạp, Huế mưa nhiều.
BQL dự án đã cố gắng, trung bình mỗi tháng phát hành gần 100 văn bản điều hành, yêu cầu tăng ca, bổ sung nhân lực nhưng các nhà thầu không cải thiện được nhiều nên vẫn chậm tiến độ.
Ông Tuấn Anh nói: “Chúng tôi đã phạt tại chỗ đối với những nhà thầu vi phạm với số tiền hơn 1 tỷ đồng (trung bình 10-15 triệu/lần phạt). Ngoài ra, Công an TP Huế cũng đã xử phạt 63 trường hợp với số tiền hơn 180 triệu đồng đối với các nhà thầu, chủ yếu ở các lỗi: Không bố trí biển báo, rào chắn, không bố trí người hướng dẫn giao thông, không đảm bảo vệ sinh môi trường, an toàn lao động. Vì những khó khăn đó nên tôi mong muốn nhận được sự đồng thuận, chia sẻ từ phía người dân”. Cũng theo vị Giám đốc BQL dự án, thời gian tới “họ” buộc phải chỉ đạo các nhà thầu triển khai tổng lực tất cả các mũi thi công, phải tăng ca. Đồng thời, BQL dự án sẽ tăng cường giám sát để yêu cầu nhà thầu điều chỉnh chi tiết tiến độ thi công và có cam kết hoàn thành. Nếu không kịp thời gian, BQL sẽ phải chịu trách nhiệm rất lớn.
Trả lời chất vấn ở Kỳ họp thứ 3 HĐND tỉnh Thừa Thiên - Huế khóa VII (nhiệm kỳ 2016-2021) diễn ra từ 8-9/12/2016, ông Lê Trường Lưu (Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Thừa Thiên - Huế) cho biết: “Phản ánh của người dân lâu nay là có cơ sở. Chúng ta phải giám sát chặt chẽ nhà thầu. Thi công đến đâu thì phải hoàn trả mặt bằng đến đó. Đường nào xong là hoàn thiện luôn nhằm phục vụ cho người dân, du khách. Huế là thành phố du lịch nên điều này là rất quan trọng”.