Trong khi người dân chen chúc nhau họp chợ trong những lều lán tồi tàn, tạm bợ, thì ngay liền kề, khu siêu thị chợ Cuối được đầu tư hàng chục tỷ đồng lại bỏ hoang nhiều năm nay. Không những vậy, do công tác bảo quản chưa được quan tâm đúng mức nên đến nay một số hạng mục đã có dấu hiệu xuống cấp…
Khu chợ mới khang trang ba tầng nằm “bất động” suốt 4 năm nay, trong khi người dân đang họp ở chợ tạm bên cạnh |
Ngày 15/9, tòa nhà ba tầng hiện đại nằm ở trung tâm thị trấn Gia Lộc (huyện Gia Lộc, tỉnh Hải Dương) đìu hiu không một bóng người. Tòa nhà ba tầng này thuộc dự án khu phố thương mại và siêu thị chợ Cuối (nay là chợ Cuối) được đầu tư hơn 50 tỷ đồng, hoàn thành hơn 4 năm nay.
Quây xung quanh tòa nhà là hàng rào lưới thép B40 cũng đã bắt đầu dẹo dọ, chiếc khóa cổng hoen gỉ treo lủng lẳng. Qua khoảnh đất cỏ mọc um tùm là bậc sảnh lớn vẫn vô tư khoe vẻ hoành tráng thời mới được khánh thành. Nhưng nhìn qua cửa kính phủ bụi, đôi thang máy cuộn nằm im lìm như chết. Nhiều chi tiết vì “thiếu hơi người” lâu ngày đã bắt đầu xuống cấp. Mùi ẩm mốc, mùi bụi lưu cữu xộc lên mũi.
Trong khi đó, cách một lối đi, ngay trước mặt tòa nhà là dãy lều lán lụp xụp, đông đúc, ngả nghiêng. Nhiều quầy hàng dựng bằng tre, lợp bằng mái lá, xem chừng chỉ cơn gió nhẹ cũng có thể giật đổ. Cảnh vật hết sức tương phản với khối nhà bề thế bỏ trống liền kề.
Một người dân ở gần khối công trình này, khi được hỏi đến thì tặc lưỡi nói rằng “không hiểu nổi”. Theo người dân này, những lúc mưa gió, trong khi bà con tiểu thương chen chúc nhau trong các mái lều tạm bợ thì khu chợ hiện đại này lại để trống, “nhìn rất phản cảm” .
Ông Nguyễn Văn Long - một người dân khác cho hay, chợ Cuối xây dựng xong và bị bỏ hoang 4 năm nay, đó là điều mà theo ông Long là “rất lãng phí”. “Mình đi đâu vài tháng mà đóng cửa thì nhà cửa cũng ẩm thấp, xuống cấp, chứ đừng nói cả công trình quy mô như vậy để hoang hóa suốt 4 năm như thế. Đó là sự lãng phí lớn!” - một công dân cạnh đó, ông Phạm Vĩnh Lộc góp tiếng.
Trình bày với phóng viên PLVN, nhiều người dân cho biết họ là “nhà đầu tư” của dự án khu chợ và khu phố thương mại, nên chứng kiến cảnh chợ bạc tỷ để hoang, phơi sương gió, “trời nồm mà cửa kính cứ mở thông thống” thì bụng dạ xót xa lắm. Đa số đây là những người dân buôn bán nhỏ ở huyện Gia Lộc, nên khi chính quyền địa phương kêu gọi góp vốn xây dựng một chợ mới khang trang, họ đã ủng hộ. Tuy nhiên, dù chợ được hoàn công nhiều năm nay, nhưng tất thảy người buôn bán chưa ai được một lần đặt chân vào cơ ngơi mới.
Chính quyền đùn đẩy
Trao đổi với chúng tôi, bà Đỗ Thị Đông - một tiểu thương cũng là nhà đầu tư vào khu chợ này - bức xúc cho biết, sau khi lãnh đạo huyện Gia Lộc kêu gọi đầu tư thì “tôi bán cả nhà cửa đi để đóng tiền nhưng chờ đợi đã 5 năm nay vẫn không thấy đất đai mặt mũi ở đâu, chợ thì xây xong không được vào bán, nay thì mất đất, mất nhà mà không biết tương lai sẽ thế nào”.
Trong khi đó, tiểu thương Nguyễn Thị Đào nói rằng, ngay ban đầu người dân rất tin tưởng vào chủ trương mời gọi đầu tư của huyện Gia Lộc. “Chúng tôi tin vào 6 cái dấu mà lãnh đạo huyện Gia Lộc đưa ra khi đó. Từ con dấu của UBND huyện đến các Sở: Xây dựng, Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Tài nguyên và Môi trường… nên mới bỏ tiền để tham gia làm dự án”.
“Lãnh đạo huyện Gia Lộc mời chúng tôi đến tận hội trường ủy ban để công bố dự án mời gọi bà con tham gia. Huyện đứng ra làm như vậy thì chúng tôi mới tin, mới bỏ tiền của vào, dốc hết cả lưng vốn, mỗi người cũng năm bảy trăm triệu mà thời tiền còn có giá” - bà Đào nói thêm.
Theo lời các tiểu thương, họ đã làm đơn kiến nghị nhiều nơi nhưng tất thảy chỉ nhận được sự đùn đẩy, chưa một lần có sự trả lời thỏa đáng về nguyên nhân chợ để hoang không cho dân vào kinh doanh, dự án ách tắc, cũng như chưa có cấp, ngành nào nhận trách nhiệm với dân và đưa ra biện pháp xử lý dứt điểm.
“5 năm rồi, không biết bao nhiêu lần đội đơn đi hỏi, lên tỉnh tỉnh bảo xuống huyện, xuống huyện huyện bảo sang doanh nghiệp, sang doanh nghiệp họ lại bảo đã bàn giao cho chính quyền. Huyện là chủ đầu tư, chúng tôi bỏ vốn là vì nghe theo huyện, nay huyện phải giao đất hoặc trả tiền cho chúng tôi” - một tiểu thương bức xúc.
“Phần lớn chúng tôi là người dân kinh doanh, rất xót xa vì bỏ tiền của ra suốt mấy năm nay mà chẳng có ý nghĩa gì. Bây giờ, chúng tôi hoàn toàn chỉ có hai bàn tay trắng” -tiểu thương Phạm Vĩnh Lộc, chua xót, nói.
Như Trang