Người dân cho biết nhà máy xây dựng từ năm 2007 trên diện tích rộng hàng nghìn m2, đầu năm 2010 bắt đầu đi vào hoạt động với dây chuyền cũ kỹ xuống cấp. Những làn khói bụi xả đen trời suốt ngày đêm theo chiều gió phả vào khu dân cư xung quanh.
Địa bàn hai thôn có 600 hộ gia đình thì có khoảng 200 hộ bị ảnh hưởng trực tiếp do khói thải này, làm hàng trăm người bị mắc các căn bệnh liên quan đến đường hô hấp. Đặc biệt, khu dân cư với hơn 16 hộ gia đình nằm ngay sát sườn nhà máy có tới chín người bị ung thư phổi, hai người đã chết.
Người dân đã nhiều lần kiến nghị lên chính quyền địa phương nhằm tìm hướng giải quyết nhưng đều không nhận được hồi âm. Tháng 6/2011 nhà máy này tạm dừng hoạt động, tới tháng 8/2013 tái sản xuất. Trang thiết bị dầm mưa dãi nắng hơn một năm, lại không được bảo hành, bảo dưỡng nên càng xuống cấp trầm trọng, mức độ khói bụi xả có dấu hiệu tăng lên. Quá bức xúc, hàng trăm người dân hai thôn đã kéo nhau dựng lều chặn hai lối vào công ty, 24/24h đều cắt cử người canh gác.
Nước mưa chảy từ mái nhà dân bám đầy khói bụi do nhà máy luyện gang xả ra |
Ông Lâm Hồng Diễn, trưởng thôn Phạm Dùng cho biết, nhà máy này khiến cuộc sống người dân bị đảo lộn. Chỉ tay về những thửa ruộng sát cạnh nhà máy màu đất dần chuyển sang màu đen ngòm, người dân cho biết đấy là lớp bụi gang thép gây ra.
Sản lượng của những thửa ruộng trộn lẫn cặn khói bụi độc hại này rất thấp so với nhiều nơi khác. Khói từ nhà máy xả ra nhiều tới mức những con đường nếu đôi ngày không quét dọn sẽ bị phủ một lớp bụi đen dày. Cả ngày lẫn đêm người ta đều phải đóng kín mít cửa để tránh bụi. Sợ độc hại, người dân không dám dùng nước mưa, chỉ dùng nước giếng khoan.
Chưa hết, mỗi khi nhà máy hoạt động thường gây ra những vụ chấn động mạnh làm rung chuyển mặt đất. Đặc biệt nhà ông Nguyễn Xuân Thủy (SN 1942) ba mặt bị công ty bao bọc, nên chịu ảnh hưởng nặng nề, móng nhà, nền nhà nứt toác, mái ngói sụt vỡ. Một số nhà khác ở sát vách nhà máy sợ nguy hiểm đã bỏ hoang nhà chuyển tới nơi khác sinh sống.
Sáng 10/1/2014, đã diễn ra cuộc họp giữa chính quyền địa phương, đại diện nhà máy và người dân hai thôn. Đại diện nhà máy đã đứng ra nhận trách nhiệm, cam kết sẽ khắc phục trong thời gian sớm nhất, soạn cam kết nêu những biện pháp và thời gian khắc phục trong tháng 2/2014. Hiện nhà máy tạm ngừng hoạt động.
Ông Lê Văn Cường, Chủ tịch UBND xã An Hồng cho biết: “Trước tính chất phức tạp của vụ việc, lãnh đạo địa phương đã có công văn gửi tới Sở Tài nguyên Môi trường; Chi cục Bảo vệ Môi trường; UBND huyện An Dương; tổ chức buổi họp nhằm tháo gỡ, giải đáp những thắc mắc bước đầu.
Chính quyền địa phương đã ghi nhận và sẽ tiếp tục phối hợp với các cơ quan cấp trên nhằm giám sát quá trình khắc phục sự cố của công ty Vạn Lợi theo đúng thời gian, nội dung cam kết”.