Ăn cơm trong mùng... tránh ruồi
Theo ghi nhận của PLVN, dọc theo tuyến tỉnh lộ 922, đoạn qua xã Đông Thắng, trong vòng bán kính 1km đã ngửi thấy mùi hôi thối nồng nặc bốc lên. Cách bãi rác không xa là trạm y tế, trường mầm non và một trường tiểu học của xã Đông Thắng cũng phải chịu cảnh hôi thối. Còn tại bãi rác, các loại rác thải chất đống, dồn ứ, mùi hôi và nước rò rỉ từ bãi rác cứ bốc lên; lúa của các hộ dân nằm liền kề bãi rác bị ảnh hưởng nước rỉ rác nên tiêu điều.
Bà Nguyễn Thị Bích (ấp Thới Hiệp, xã Đông Thắng, huyện Cờ Đỏ) sống gần bãi rác cho biết: "Tình trạng hôi thối làm xuất hiện ruồi ngày một nhiều, trong khi khói bốc ra từ máy đốt rác của bãi rác càng ngày càng tăng. “Để nước chút xíu là ruồi đậu đen thui cái ca. Còn ăn cơm thì vừa ăn vừa cầm cây đuổi ruồi hoặc ăn cơm trong mùng, nếu không là vừa ăn cơm là vừa ăn ruồi. Ban ngày phải giăng mùng suốt để người già và trẻ em trong mùng tránh ruồi”.
Nói về khói phát ra từ việc đốt rác, bà Bích cho hay: “Khói xuất hiện nhiều vào những ngày trời mưa đặc biệt những buổi chiều nhà máy đốt rác từ chiều tối cho đến sáng, khói bay mịt mù. Tôi phải căng màn trước nhà hi vọng ngăn được phần nào khói nhưng không thể chịu nổi”.
Chung nỗi bức xúc, bà Đặng Thị Tuyết, kinh doanh quán ăn gần đó cho hay: “Một ngày sử dụng 20 tấm dán ruồi mà không đủ, khoảng 15 phút là tấm dán ruồi đen thui, ruồi ngày càng nhiều. Lúc trước quán bán đông khách lắm nhưng từ khi có bãi rác này, khách rất ít, người ta chỉ ghé mua mang về nhà thôi chứ không ở lại ăn”.
Bà Tuyết cho biết thêm: “Nghe đâu, bãi rác mua đất để mở rộng thêm diện tích làm bà con rất lo lắng. Tình trạng này nếu kéo dài thêm khoảng vài năm nữa thì người dân ở đây chắc bị ung thư, viêm mũi hết” - Bà Tuyết lo lắng.
Cùng cảnh ngộ, ông Phương Văn Giao (ngụ ấp Thới Hiệp, xã Đông Thắng, huyện Cờ Đỏ) bức xúc: “Người đi đường chạy ngang kêu trời, người đi ngang qua thôi mà còn chịu không nổi huống chi người dân sống ở đây. Giờ chỉ mong chính quyền sớm có cách giải quyết để cho bà con sống yên ổn”.
Ông Giao cho biết thêm, mùa mưa mùi hôi bốc lên nhiều hơn, thậm chí nước bẩn từ rác cũng trôi ra mương rạch gây ảnh hưởng đến việc sản xuất, nuôi trồng của người dân. “Năm rồi, hàng trăm con vịt nhà tôi bị chết do nước bẩn từ bãi rác chảy ra, lúa của những người dân xung quanh cũng bị ảnh hưởng. Nhà tôi có con nít và ông lão đã cao tuổi rất hay bệnh sổ mũi, ho do hít nhiều mùi hôi. Tôi lo sợ về lâu dài cả nhà sẽ bị ung thư mất thôi!” – ông Giao nói.
Người dân hoang mang lo lắng nguy cơ bệnh tật từ ruồi sinh ra từ bãi rác Đông Thắng. |
Chờ hoàn thành bãi rác mới đến bao giờ?!
Trao đổi với PLVN, ông Huỳnh Hùng Việt - Chuyên viên Phòng Tài Nguyên và Môi Trường huyện Cờ Đỏ cho biết, về nguyên nhân phát sinh ra ruồi do thời điểm giao mùa nên thích hợp cho ruồi sinh sôi và phát triển nhanh chóng.
Theo ông Việt, về vấn đề khói thải ra từ các lò đốt rác là vì những ngày qua mưa nhiều khiến nhiệt độ trong lò đốt không ổn định do lượng rác ướt và rác khô không cân bằng khiến quá trình đốt tạo ra nhiều khói. Thêm nữa, việc vận hành lò đốt của công nhân không được chuyên nghiệp ở khâu cho rác vào lò không đều tay nên gây ra tình trạng khói dội ngược. Phòng sẽ làm việc thêm với đơn vị vận hành, giảm đốt rác để bà con sinh hoạt, nghỉ ngơi.
Đại diện UBND huyện Cờ Đỏ thì cho biết, thời gian tới, dự kiến thành phố Cần Thơ sẽ thu hồi 3,5ha đất để trồng cây tạo khoảng xanh để cách ly bãi rác với khu dân cư. Đồng thời đề nghị đơn vị vận hành bãi rác lắp camera quan sát quá trình lò xử lí rác của công nhân.
Nói về phương hướng xử lý tình trạng ô nhiễm tại bãi rác, đại diện UBND quận Cờ Đỏ cho hay, hiện đang chờ một dự án xử lý rác hoàn hảo ở Thới Lai, ở đây vẫn làm “bài bản” nhưng chưa được hoàn thiện. Đến năm 2018, sẽ chuyển về bãi rác mới ở huyện Thới Lai.
Liên quan đến vấn đề này, trước đây PLVN cũng đã có bài “Cần Thơ: Ô nhiễm từ bãi rác, người dân “kêu trời” phản ánh việc ô nhiễm từ bãi rác Đông Thắng, chính quyền địa phương hứa khắc phục thế nhưng đến nay vấn đề ô nhiễm vẫn tiếp tục. Trước tình trạng ô nhiễm của bãi rác Đông Thắng người dân chỉ biết sống chung với rác và chờ đợi giải quyết từ phía chính quyền, nhưng sự chờ đợi gần như vô vọng…
Bãi rác xã Đông Thắng được vận hành từ tháng 2/2010, với diện tích hơn 1 ha, khả năng tiếp nhận và xử lý rác 15 tấn/ngày cho huyện Cờ Đỏ. Đến tháng 8/2014, UBND TP Cần Thơ chỉ đạo mở rộng diện tích thêm 5 ha để tiếp nhận xử lý rác thải thêm cho các quận Ninh Kiều, Bình Thủy, Cái Răng và huyện Phong Điền. Hiện bãi rác này tiếp nhận trung bình mỗi ngày khoảng 300 tấn rác, cao điểm có khi lên đến 400 tấn.
Đến nay, bãi rác này có tổng diện tích hơn 6ha, được bố trí 11 ô chôn lấp rác, 4 ô xử lý nước rỉ rác và đất dự trữ gần 9.000m2 cùng với 6 lò đốt (trong đó có 3 lò đốt ngừng hoạt động). Đây là điểm tập kết, tiếp nhận và xử lý rác của nhiều quận, huyện trên địa bàn Cần Thơ.\