Ngồi nhìn những lồng cá đã chết, bà Nguyễn Thị Vĩnh (thôn An Hải, Phú Vang, TT- Huế) buồn bã nói: “Gia đình tôi có 4 lồng cá nuôi với khoảng gần 2.500 con. Cá đã nuôi được 9- 10 tháng rồi, cá chuẩn bị bán thì bỗng dưng chết sạch. Chỉ tính riêng tiền thức ăn cho 4 lồng cá từ đầu năm đến nay gia đình tôi đã phải đi mua nợ các chủ cơ sở hết gần 140 triệu đồng; giờ cá chết, gia đình lại nợ nần chồng chất”.
Không chỉ riêng hộ gia đình bà Vĩnh mà tình trạng cá nuôi lồng chết hàng loạt đã khiến cho các hộ nuôi cá ở thôn An Hải và Hải Tiến đều lâm vào cảnh điêu đứng. Được biết, cá chết chủ yếu là cá chẽm, hồng mỹ có trọng lượng 1,5kg/con; sau khi sự việc xảy ra, người nuôi đành vớt cá chết lên "bán tháo" cho thương lái hoặc đem ra chợ với giá chưa được nửa so với trước đó.
Cá chuẩn bị thu hoạch thì bất ngờ chết hàng loạt |
Theo người dân nơi đây, các năm trước nước bạc đầu nguồn chảy ít nên cá chết cũng chỉ lẻ tẻ. Nhưng hai ngày qua nước bạc về rất nhanh khiến các hộ nuôi kịp trở tay, theo họ thì nguyên nhân là do thủy điện đầu nguồn xả nước mạnh.
Ông Hoàng Phước, Chủ tịch UBND thị trấn Thuận An, huyện Phú Vang cho biết: Thống kê ban đầu thì toàn thị trấn có 850 lồng nuôi với khoảng 7 tấn cá bị chết. “Cá chết do biến đổi môi trường nước chứ không phải do dịch bệnh nên địa phương vẫn cho người dân vớt cá đem ra chợ bán bình thường” ông Phước cho biết thêm.
Cá chết được bán với giá “bèo" |
Ông Nguyễn Văn Hưng- Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh Thừa Thiên Huế khẳng định, qua kiểm tra lượng cá chết ở Phú Vang cho thấy đối tượng cá nuôi hiện tại của người dân không phù hợp và không chống chịu được với môi trường nước bạc nên dẫn đến bị chết.
“Do các xét nghiệm không có yếu tố mầm bệnh, độc tố nên các loại cá bị sốc nước, còn tươi có thể sử dụng bình thường. Người dân có thể tìm hướng tiêu thụ ở các thương lái. Phía chính quyền địa phương cần giám sát, phân loại cá, đảm bảo các yếu tố môi trường cho vùng nuôi...”- ông Hưng thông tin.