Theo Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ, việc thí điểm phá sản ngân hàng, tổ chức tín dụng yếu kém sẽ được Chính phủ thực hiện trong thời gian tới nhằm xử lý triệt để nợ xấu, đồng thời đưa lĩnh vực ngân hàng trở về gần hơn với kinh tế thị trường và hướng tới bảo vệ quyền lợi của khách hàng khi sử dụng các dịch vụ ngân hàng, trong đó có gửi tiền.
Trước khi thực hiện thí điểm phá sản ngân hàng yếu kém, hiện nay tại Việt Nam đã xảy ra tình trạng những ngân hàng mà Nhà nước đã phải mua lại với giá 0 đồng, bao gồm 3 ngân hàng: Ngân hàng Xây dựng (VNCB – nay là CBBank), Ngân hàng Dầu khí Toàn cầu (GP.Bank) và Ngân hàng Đại Dương (OceanBank) mà tại đây, hàng chục nghìn tỉ đồng của người dân đã và đang được gửi.
Ngân hàng Xây dựng (VNCB) mà tiền thân của ngân hàng này là Ngân hàng Đại Tín (TrustBank) hiện đang gắn với đại án Phạm Công Danh và đồng phạm. Tại thời điểm năm 2012, ngân hàng này lỗ lũy kế 8.765 tỷ đồng, vốn chủ sở hữu âm 5.711 tỷ đồng. Sang năm 2013, kết quả kinh doanh tiếp tục tồi tệ hơn khi ngân hàng này lỗ lũy kế tới 11.348 tỷ đồng, vốn chủ sở hữu âm 8.293 tỷ đồng. Đến năm 2014, VNCB lỗ lũy kế tới 27.000 tỷ đồng và vốn chủ sở hữu âm hơn 24.000 tỷ đồng.
Khách hàng gửi tiền lớn nhất của VNCB là bà Trần Ngọc Bích với tổng số tiền gửi lên đến 5.190 tỷ đồng. Để có được số tiền huy động này, VNCB đã phải chi trả lãi suất ưu tiên vượt ngoài trần quy định với số tiền lên đến 2.500 tỷ đồng.
Theo thông tin từ phía Ngân hàng Xây dựng, tính đến hết thời điểm ngày 30/06/2016, số dư huy động vốn mảng ngân hàng bán lẻ của ngân hàng này ở mức 29.552 tỷ đồng.
Ngân hàng Dầu khí Toàn cầu (GP.Bank) cũng là một ngân hàng được nhà nước mua lại với giá 0 đồng, hiện đang vận hành dưới sự quản lý, điều hành của VietinBank.
Tính đến hết ngày 02/04/2015, GP.Bank lỗ lũy kế lên đến 12.280 tỷ đồng, khiến vốn chủ sở hữu âm gần 9.200 tỷ đồng. Tỷ lệ nợ xấu ở mức cao kỷ lục là 45,37%.
Từ khi được Nhà nước mua lại, vốn điều lệ của GP.Bank hiện đã ở mức trên 3.000 tỷ đồng. Ngân hàng này hiện cũng đang có dự trữ thanh khoản khá tốt, vượt yêu cầu khoảng 3.400 tỷ đồng.
Ngân hàng bị âm vốn điều lệ thứ ba là Ngân hàng Đại Dương (Ocean Bank), hiện đang vận hành dưới sự quản trị của VietinBank. Theo đó, vào thời điểm những năm 2014, 2015, tiền gửi khách hàng mà OceanBank huy động đều dao động quanh mốc 60.000 tỷ đồng/mỗi năm trước khi được Nhà nước mua lại với giá 0 đồng.