“Người dân cần bình tĩnh, tuyệt đối không mất cảnh giác, nhất là lớp trẻ”

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tiếp xúc với cử tri  huyện Tiên Lãng, TP Hải phòng
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tiếp xúc với cử tri huyện Tiên Lãng, TP Hải phòng
(PLO) - Dự thảo Luật Đặc khu, Luật An ninh mạng cũng như tình hình bất ổn do một bộ phận người dân bị kích động tham gia biểu tình, chống người thi hành công vụ mấy ngày qua là chủ đề chính được cử tri đặc biệt quan tâm tại các cuộc tiếp xúc cử tri của lãnh đạo Chính phủ hôm qua (18/6).

Mô hình đặc khu không mới 

Tại cuộc tiếp xúc cử tri huyện Tiên Lãng, TP Hải Phòng của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc và Đoàn Đại biểu Quốc hội TP Hải Phòng vào ngày 18/6, cử tri huyện Tiên Lãng bày tỏ sự phấn khởi với kết quả đã đạt được những tháng đầu năm 2018 dưới sự lãnh đạo của TƯ Đảng, Quốc hội, sự điều hành quyết liệt, hiệu quả của Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ và đồng tình với những quyết sách mà Quốc hội đã thông qua tại Kỳ họp thứ 5 vừa qua. Các cử tri huyện Tiên Lãng đã đưa ra nhiều ý kiến xung quanh vấn đề nông nghiệp, thủy sản, cơ sở hạ tầng, chế độ chính sách và tiến độ về một số công trình trọng điểm tại Hải Phòng. 

Nhưng cử tri cũng bày tỏ băn khoăn trước tình trạng thời gian qua tại nhiều địa phương xảy ra việc chống phá, gây rối, kích động người dân tham gia biểu tình, đặc biệt nhiều đối tượng còn quá khích hủy hoại tài sản nhà nước, chống người thi hành công vụ, xuất phát từ việc những đối tượng phản động lợi dụng dư luận về dự án Luật Đơn vị hành chính – kinh tế đặc biệt (Luật Đặc khu). 

Làm rõ vấn đề này, Thủ tướng phân tích: “Ngày 8/6, chúng ta đã chính thức công bố chưa thông qua Luật để tiếp tục lắng nghe thêm ý kiến để hoàn thiện, thể hiện Bộ Chính trị, Quốc hội đã rất nghiêm túc tiếp thu thì ngày 10-11/6 vẫn diễn ra nhiều cuộc biểu tình, đập phá. Như vậy, một số kẻ xấu, cơ hội, phản động đã lợi dụng dân chủ để kích động quần chúng nhân dân, phá hoại sự thống nhất của đất nước, làm cho nhân dân hiểu lầm”.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho biết, nội dung đơn vị hành chính kinh tế đặc biệt đã được quy định trong Hiến pháp năm 2013. Trên thực tế, mô hình này không phải là mới trên thế giới, nhiều quốc gia đã xây dựng và thực hiện thành công. “Chúng ta muốn tạo nên thể chế thu hút mạnh mẽ hơn trong đầu tư phát triển mà 3 đặc khu này đặt ra không phải là chỉ cho 3 địa phương Quảng Ninh, Khánh Hòa, Kiên Giang mà chính là tạo cực tăng trưởng, tạo điều kiện phát triển đất nước”, Thủ tướng quả quyết. 

Không chỉ vậy, Thủ tướng nêu rõ, theo dự thảo Luật này thì thời hạn thuê đất dự kiến tối đa 99 năm ở các đặc khu chỉ áp dụng với các trường hợp đặc biệt, còn phổ biến là 70 năm hay thấp hơn như Luật Đất đai. Trong đó, trường hợp đặc biệt tức là công trình phải vô cùng tiêu biểu, đầu tư rất lớn, đòi hỏi chi phí rất cao, thu hồi vốn rất chậm mà Việt Nam cần công trình đó. Quy trình duyệt công trình đặc biệt như trên phải hết sức chặt chẽ như trước khi Thủ tướng quyết định, phải trình Ban Cán sự Đảng Chính phủ, Bộ Chính trị, Thường vụ Quốc hội và nhiều cơ quan khác.

Đối với Luật An ninh mạng, Thủ tướng khẳng định việc thông qua Luật là vô cùng cần thiết trong thời kỳ cách mạng Công nghệ 4.0, đồng thời đưa ra dẫn chứng về việc nhiều nước trên thế giới đã xây dựng và triển khai thực hiện Luật. Việt Nam là một quốc gia dẫn đầu về tự do internet. Do vậy, Ban soạn thảo, xây dựng Luật đã tiếp thu ý kiến đóng góp của người dân, thể hiện qua việc cho phép đặt máy chủ nước ngoài nhưng cơ sở dữ liệu liên quan đến Việt Nam phải được lưu trữ để phục vụ công tác quản lý. Do đó, Luật An ninh mạng đã được Quốc hội thông qua với tỷ lệ gần 87%.

Để người dân hiểu rõ hơn về dự thảo Luật Đặc khu và Luật An ninh mạng, Thủ tướng yêu cầu các cơ quan nhà nước, cán bộ, đảng viên cần tiếp tục vận động, tuyên truyền, thuyết phục nhân dân tốt hơn, đồng thời phải lập lại trật tự, an ninh an toàn cho xã hội và xử lý nghiêm hành vi vi phạm của các đối tượng xấu. Thủ tướng bày tỏ mong muốn người dân cần bình tĩnh, tỉnh táo, tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng, Nhà nước, tuyệt đối không lơ là, mất cảnh giác, nhất là lớp trẻ.

Kiên quyết vạch trần âm mưu của những tổ chức phản động

Tiếp xúc cử tri huyện Bến Lức, Long An sáng 18/6, đề cập đến việc thời gian qua có một số kẻ xấu hành động quá khích, kích động biểu tình, đe dọa người dân phải thực hiện theo yêu cầu của chúng, làm mất an ninh trật tự… Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình cho biết, chúng ta kiên quyết xử lý những kẻ xấu, lập lại an ninh trật tự và cuộc sống bình yên của nhân dân. Cùng với đó, kiên quyết vạch trần âm mưu của những tổ chức phản động ở nước ngoài kích động qua mạng, lợi dụng chỗ đông người để hô hào gây rối, giả danh công an, trà trộn vu cáo công an. 

Phó Thủ tướng bày tỏ mong muốn cử tri và nhân dân cả nước tỉnh táo và tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng và Nhà nước, không nghe theo kẻ xấu làm mất an ninh trật tự, ảnh hưởng đến đời sống của nhân dân. “Chúng ta đã trải qua chiến tranh nên hiểu được giá trị của đời sống thanh bình. Hạnh phúc của mỗi gia đình, của dân tộc gắn chặt với nhau. Đảng, Nhà nước luôn hiểu được giá trị đó để chăm lo, bảo vệ cuộc sống cho nhân dân ngày càng ấm no, hạnh phúc”, Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình nói.

Về việc xây dựng đặc khu, theo Phó Thủ tướng: “Chúng ta không ưu tiên cho bất cứ nước nào, công ty nào trong quá trình làm ăn ở đặc khu. Tất cả các công ty phải chấp hành quy định của pháp luật nước ta. Không có chuyện bán đất cho ai cả, đề nghị cử tri yên tâm”. Về Luật An ninh mạng, Phó Thủ tướng nêu rõ chúng ta không cấm đoán mọi người truy cập vào mạng, không cấm các trang mạng như Youtube, Facebook… đang hoạt động tại Việt Nam. Trong luật không hề có quy định nào cấm người dân bày tỏ quan điểm của mình. 

Ngày 18/6, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ, đại biểu Quốc hội khoá XIV và các vị đại biểu Quốc hội tỉnh Hà Tĩnh đã tiếp xúc cử tri tại Đại học Hà Tĩnh và TP Hà Tĩnh (tỉnh Hà Tĩnh), thông báo các kết quả của Kỳ họp thứ 5 và ghi nhận ý kiến cử tri gửi tới Quốc hội, Chính phủ.

Đồng tình với các nhận định của cử tri, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cho biết, Bộ Công an và chính quyền một số địa phương đang tập trung khắc phục hậu quả và xử lý nghiêm đối tượng cầm đầu, những kẻ chống đối trong việc các đối tượng đã lợi dụng lòng yêu nước của người dân để kích động, chống phá chính quyền ở một số địa phương cách đây hơn một tuần nhằm phản đối việc thông qua Luật Các đơn vị hành chính- kinh tế đặc biệt, Luật An ninh mạng.

Về dự án Luật An ninh mạng, Phó Thủ tướng nêu rõ: “Chúng ta khẳng định phải tạo điều kiện để người dân nói lên ý kiến của mình, nhưng phải bảo đảm chủ quyền an ninh quốc gia trên không gian mạng trong bối cảnh các thách thức an ninh phi truyền thống đang trở nên rõ ràng”.

Đọc thêm

Thủ tướng Phạm Minh Chính: Sắp xếp tổ chức bộ máy phải chống lợi ích cá nhân

Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu các Bộ, ngành, cơ quan đề cao trách nhiệm, đặt lợi ích quốc gia, dân tộc lên trên hết, trước hết. (Ảnh: VGP)
(PLVN) -  Ngày 12/12, Thủ tướng Phạm Minh Chính, Trưởng Ban Chỉ đạo của Chính phủ tổng kết việc thực hiện Nghị quyết số 18-NQ/TW của Hội nghị Trung ương 6 khóa XII “Một số vấn đề về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả” (Ban Chỉ đạo) đã chủ trì Phiên họp thứ hai của Ban Chỉ đạo.

Gỡ vướng cho các dự án điện năng lượng tái tạo

Thủ tướng Phạm Minh Chính có nhiều chỉ đạo quan trọng nhằm triển khai các giải pháp tháo gỡ cho các dự án năng lượng tái tạo. (Ảnh: VGP)
(PLVN) - Chiều 12/12, tại Trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì Hội nghị trực tuyến công bố và triển khai Nghị quyết của Chính phủ về chủ trương, phương hướng tháo gỡ vướng mắc, khó khăn cho các dự án điện năng lượng tái tạo (gọi tắt là Nghị quyết).

Ông Đồng Văn Thanh giữ chức Bí thư Tỉnh ủy Hậu Giang

Ông Đồng Văn Thanh giữ chức Bí thư Tỉnh ủy Hậu Giang
(PLVN) - Chiều ngày 12/12, Tỉnh ủy Hậu Giang tổ chức Hội nghị công bố Quyết định của Bộ Chính trị chuẩn y Bí thư Tỉnh ủy nhiệm kỳ 2020-2025. Dự hội nghị có ông Lê Minh Hưng, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tổ chức Trung ương.

Bảo vệ và giáo dục quyền con người được thực hiện với tất cả trách nhiệm, không hình thức

Thủ tướng phát biểu tại Hội nghị. Ảnh: Nhật Bắc
(PLVN) - "Tại Việt Nam, việc bảo vệ quyền con người và giáo dục quyền con người được thực hiện thường xuyên, xuyên suốt, được khẳng định trong đường lối, chính sách, tổ chức thực hiện với tất cả trách nhiệm, không hình thức", Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh khi phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị toàn quốc về giáo dục quyền con người, do Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh tổ chức ngày 11/12.

Tổng Bí thư Tô Lâm: Xây dựng tỉnh Đồng Tháp phát triển trong nhóm dẫn đầu vùng Đồng bằng sông Cửu Long

Tổng Bí thư Tô Lâm: Xây dựng tỉnh Đồng Tháp phát triển trong nhóm dẫn đầu vùng Đồng bằng sông Cửu Long
Sáng 11/12, Tổng Bí thư Tô Lâm cùng Đoàn Công tác của Trung ương đã thăm và làm việc với Ban Thường vụ Tỉnh ủy Đồng Tháp về tình hình thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Đồng Tháp lần thứ XI, nhiệm kỳ 2020 - 2025; việc thực hiện Chỉ thị số 35-CT/TW của Bộ Chính trị về đại hội đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIV của Đảng.