Giá rẻ, loa kẹo kéo thay thế dàn karaoke
Từ hai năm nay, loa kẹo kéo hay “loa vali”, nhờ vào mức giá bình dân và tính tiện dụng, dễ di chuyển đã dần dà thay thế những dàn loa karaoke để trở thành vật dụng giải trí không thể thiếu của nhiều gia đình.
Nếu như một dàn loa karaoke muốn lắp đặt trong nhà, đa phần phải đi kèm phòng riêng để hát, cùng với hệ thống cách âm, dàn âm thanh và các phương tiện khác, mức giá có thể dao động từ 20 triệu cho đến trên 100 triệu đồng, thì chỉ với chưa đến một triệu, người dân đã có thể sở hữu một chiếc loa mang tính năng của cả một dàn karaoke và có thể di chuyển tuỳ ý đến bất cứ vị trí nào. Giá thấp nhất tầm 600 ngàn cho một chiếc loa cỡ nhỏ, còn loại tầm trung, xài chất lượng ổn, âm thanh vang xa thì trung bình trên dưới 3 triệu đồng.
Giá cả vừa túi tiền cho một vật dụng giải trí giúp vui cho gia đình. Chính vì thế, hiện nay loại loa này rất được ưa chuộng trong người dân. Dịp giáp Tết, loa kẹo kéo bán chạy đến mức một số siêu thị điện máy, cửa hàng điện máy liên tục nhập hàng về, quản lý một trung tâm điện máy trên đường Hoàng Văn Thụ, Tân Bình chia sẻ, chỉ riêng dịp Tết Nguyên đán vừa qua, trung tâm này bán trên 50 chiếc loa kẹo kéo.
Thế nhưng, niềm vui bán hàng của ngành điện máy dường như đối nghịch lại với nỗi khổ của rất nhiều người dân đang bị tra tấn bởi chiếc loa thùng này. Trong dịp Tết, loa thùng trở thành vật dụng không thể thiếu của các bữa ăn nhậu. Với tính chất có thể di chuyển được, mang đi khắp nơi, hoặc nếu không có tiền mua cũng có thể thuê vài ngày với giá chỉ một vài trăm ngàn, thế nên, hễ bữa nhậu diễn ra ở đâu, loa kẹo kéo có mặt tại đó: sân nhà, hè phố, công viên...
Tết Nguyên đán 2018 dường như đã trở nên ồn ào hơn rất nhiều với sự xuất hiện phổ biến của loa kẹo kéo. Thậm chí, nhiều gia đình đi du lịch còn vác theo loa này, hát trên xe suốt dọc đường, sau đó đến khách sạn, tiếp tục lôi ra hát, và rồi mang ra các điểm cắm trại như hồ nước, vườn hoa hay bờ biển để tiếp tục “tra tấn” du khách. Tết Nguyên đán 2018, chính quyền thị xã Lagi, Bình Thuận đã phải có công văn cấm người dân mang loa kẹo kéo ra bãi biển Cam Bình sử dụng vì những dịp lễ trước đó, hàng vài trăm người cùng vài chục chiếc loa kẹo kéo đã biến bãi biển này thành một “bãi rác” đúng nghĩa đen lẫn khía cạnh ô nhiễm âm thanh.
Mâu thuẫn vì bị “tra tấn” âm thanh
Loa vali với công suất khá lớn, vang xa, khi một gia đình sử dụng, tiếng ồn có thể vang đến cả một khu phố. Đến nay, Tết đã qua đi quá nửa tháng nhưng mật độ sử dụng loa kẹo kéo hát karaoke hầu như không vơi đi. Nhất là tại các khu dân cư tái định cư, chung cư, khu lao động, loa kẹo kéo càng được phát huy hết công suất.
Anh Trần Văn Toàn, ngụ chung cư Man Thiện, quận 9 chia sẻ, từ khi bắt đầu hết kì nghỉ Tết ở quê vào lại Sài Gòn đến nay, khu chung cư của anh đều vang vọng tiếng karaoke từ loa kẹo kéo, hết nhà này đến nhà khác. Có người hát trong nhà, có người cứ tối đến là đem hẳn ra trước ghế đá ngoài sân mà hát cho “cả làng” nghe. Nhiều lần, gia đình anh cùng nhiều nhà dân khác đã phàn nàn với khu phố, đến yêu cầu người hát vặn nhỏ âm thanh nhưng đều không được đáp ứng. Tiếng ồn gây khó chịu và ảnh hưởng nhiều đến sinh hoạt gia đình cũng như học tập của các cháu nhỏ.
Anh Lê Tuấn Vỹ, ngụ tại một khu dân cư trên đường Thoại Ngọc Hầu, Tân Phú chia sẻ, cả nhà anh chịu cảnh “sống chung với loa kẹo kéo” đã nửa tháng nay, ngày nào cũng có nhà kéo loa ra hát, toàn nhạc bolero ỉ ôi, âm thanh lớn, khó chịu đến mức không chịu nổi. Gia đình anh và hàng xóm báo với cảnh sát khu vực, nhưng chỉ im ắng được vài ngày rồi đâu lại vào đấy. Tối 4/3, hai nhà hàng xóm của anh đã lời qua tiếng lại, thậm chí suýt nữa lao vào đánh nhau nguyên nhân cũng từ việc hàng xóm hát karaoke bằng loa kẹo kéo suốt 4 tiếng đồng hồ, nói mãi không chịu vặn nhỏ âm thanh lại.
Chưa có thời điểm nào mà tiếng ta thán về tác hại của loa kẹo kéo lại nhiều như lúc này. Thậm chí, nhiều cư dân mạng còn mở những diễn đàn với chủ đề: Làm cách nào để “loại bỏ” việc hát karaoke bằng loa kẹo kéo ra khỏi khu dân cư. Đã có không ít cuộc cãi cọ, ẩu đả, thậm chí có cả vụ đâm chết người vì “tra tấn” nhau bằng loa kẹo kéo diễn ra. Thực tế, hành vi hát karaoke bằng loa thùng công suất lớn, không cách âm và gây ồn ào lối xóm, dân cư chung quanh đã có thể coi là hành vi gây mất trật tự công cộng.
Đã đến lúc cơ quan chức năng nên có biện pháp mạnh tay với loa kẹo kéo nhằm dẹp yên những quả tải về mặt tiếng ồn làm ảnh hưởng đời sống người dân, đồng thời để hạn chế những mâu thuẫn có thể đi quá xa, hậu quả nghiêm trọng chỉ vì sự “tra tấn” bằng tiếng hát được khuếch đại bằng dàn loa kẹo kéo.