Hai lần làm vợ đều không có giấy đăng kí kết hôn, cuộc đời chị là một chuỗi dài những ngày buồn tủi, khổ sở. Câu chuyện của chị là lời cảnh báo cho những cô gái trẻ vì mê phù phiếm xa hoa hay dại dột luỵ tình mà buông rơi bản thân, xem nhẹ giá trị chính mình.
Khi kể lại câu chuyện, chị Lê Thị Thanh Thư, ngụ đường Nguyên Hồng, Gò Vấp, TP.HCM nói, chị chỉ muốn thông qua cuộc đời của mình mà đem lại bài học nào đó có ích cho những cô gái trẻ, đang ở ngưỡng cửa vào đời như chị ngày xưa...
Sau những lầm lỗi, chị đã gửi phận đời còn lại của mình dưới bóng bồ đề nương nhờ cửa Phật |
Sai lầm đầu đời
Sinh ra ở một vùng quê ven biển miền Trung, trong một gia đình có năm chị em, mà mình là chị cả, từ nhỏ Thư đã khá chật vật, vất vả khi cùng cha mẹ lặn lội kiếm tiền nuôi các em vào mỗi dịp hè đến.
Khá thông minh, suốt những năm phổ thông Thư đều đạt danh hiệu học sinh giỏi, 18 tuổi, tức năm 1995, Thư khăn gói vào Sài Gòn trọ, theo học một trường Cao đẳng về kinh tế ở quận 3, TPHCM. Thời gian đầu đi học, Thư rất siêng năng, ham học và ngoài giờ học thì cô không nề hà mọi việc làm thêm như gia sư, bán hàng để có tiền trang trải cuộc sống.
Khi Thư bắt đầu vào năm hai đại học, cô quen với Tùng, cậu sinh viên trên mình một khoá. Tùng là con nhà giàu có tiếng, quý tử của một gia đình chuyên kinh doanh vải sợi ở chợ An Đông.
Cái thời mà sinh viên đi học hầu hết đi xe đạp hoặc đi bộ thì Tùng đã có cúp 81 chạy vi vu. Cậu cũng có tiếng vì ăn chơi và... chịu chơi. Thế mà chẳng biết làm sao, Tùng lại để ý đến cô gái như Thư, vì tuy Thư trông xinh xinh, nhưng theo đánh giá của mọi người chung quanh là khá "quê mùa và khép kín".
Ban đầu, khi Tùng theo đuổi, Thư sợ và trốn tránh. Nhưng, dù gì cô cũng là một cô gái quê chất phác, trước sự săn đón, quà cáp Tùng dành cho mình, cô không khỏi rung động và nhen nhóm mơ ước...
Khi Thư thành người yêu của Tùng, bạn bè chung quanh rất nhiều người khuyên Thư không nên, vì Tùng nhiều tai tiếng, nhưng Thư tin rằng Tùng yêu cô thật lòng, và cô có thể cảm hoá đuợc chàng "trai hư" ấy.
Mối quan hệ ngày càng sâu sắc, và rồi Thư đã trao đời con gái cho Tùng. Khi Tùng vừa ra trường, còn Thư bước sang năm học cuối cùng thì cô phát hiện mình có thai. May mắn là Tùng yêu Thư, và sẵn sàng nhận trách nhiệm. Khi Tùng đem chuyện báo cho gia đình, cả nhà Tùng đã bị sốc nặng. Sau nhiều cãi vã, đôi co, gây sức ép, cuối cùng cha mẹ cậu ấm cũng đành "chịu thua". Đám cưới diễn ra, không đình đám như tầm vóc của gia đình Tùng, nhưng với Thư, cô như bước sang một trang mới của cuộc đời.
Thế nhưng, mọi thứ chẳng như cô gái trẻ mơ mộng. Thư chỉ được hạnh phúc rất ngắn ngủi thời gian mới cưới, đến lúc cái thai lớn vượt mặt cũng là lúc Tùng bắt đầu trở lại với cuộc sống cũ. Một mối tình chóng vánh, một đám cưới vội vã chỉ đủ để Tùng tạm ngưng những cuộc vui.
Sau một thời gian, cậu "công tử" lại với thói hư cũ. Thế là những ngày vợ nặng nề vì bầu bì cũng là những ngày Tùng tung tăng thâu đêm, suốt sáng. Khuyên chồng không được, Thư cũng chẳng có sự ủng hộ từ phía gia đình chồng vì mẹ chồng ghét cô ra mặt, Thư đành chịu đựng những đêm buồn tủi, vò võ.
Chưa hết, nhiều lời đồn đến tai Thư, rằng Tùng có tình nhân bên ngoài, là một cô sinn viên năm nhất cùng trường với cô ngày trước. Đã tạm bảo lưu học vì bụng bầu to, nhưng Thư vẫn lặn lội đến trường hỏi thăm bạn bè về mọi chuyện.
Xác định được sự việc, về kể với mẹ chồng, Thư chỉ nhận được câu mắng: Ôm bụng bầu ngồi lì ở nhà, học hành không xong, tiền không làm ra thì đừng có nói lăng nhăng, để chồng còn đi làm ăn nữa.
Cùng với cô bạn thân, Thư đã tìm ra được nhà trọ nơi cô sinh viên kia đang ở, quậy một trận tưng bừng. Biết chuyện, Tùng đã gây chuyện, chửi mắng vợ, và lần đầu tiên, Thư nhận được cái tát từ chồng. Nhiều tuần liền sống trong đau khổ, bị ức chế tâm lý, không ăn uống được, suy kiệt sức khoẻ, một lần, khi đang khiêng đồ lên lầu hai để phơi, Thư xây xẩm mặt mày, ngất đi và lăn xuống mười mấy bậc thang, cô bị sẩy thai.
Điều đáng buồn là trước đó, cưới gấp, sau đó bụng lớn, Tùng đã lần lữa việc đăng kí kết hôn vì mẹ chồng bảo đẻ xong rồi đi đăng kí kết hôn và làm khai sinh cho con một thể. Sau khi sự việc xảy ra, cả nhà Tùng ghẻ lạnh với Thư, cho rằng cô cố ý bỏ con, rồi mang xui xẻo đến cho họ, họ bóng gió, o ép để Thư phải rời bỏ Tùng.
Thư sống thêm sáu tháng nữa trong nhà Tùng, sự chèn ép, ám ảnh mất con khiến cô bị rối loạn thần kinh. Một ngày nọ, gia đình Tùng báo cho cha mẹ Thư từ quê lên đón cô về điều trị, chấm dứt một năm làm vợ đầy buồn tủi.
Tủi phận vợ hờ...
Trở về nhà, với sự chăm sóc thương yêu của cha mẹ và các em, Thư dần bình phục. Những ngày đó, gia đình Thư đã ở bên cạnh cô, vượt qua cái tiếng bị chồng bỏ, trắng tay về nhà mẹ đẻ. Một thời gian sau, thấy mình hòan toàn ổn, không muốn tiếp tục làm đề tài cho xóm giềng, Thư xin phép cha mẹ vào Sài Gòn làm việc và tiếp tục việc học còn dang dở.
Vào đến thành phố phồn hoa đô hội, để chuẩn bị trang trải cho việc ăn học, Thư theo bạn bè đi bán hàng tại một trung tâm mua sắm khá sang trọng ở trung tâm thành phố. Tại đây là nơi cô gặp người "chồng" thứ hai của mình, ông Phùng Ngọc N., hơn Thư xấp xỉ 20 tuổi.
Là dân buôn gỗ xuất khẩu, ông N. xài tiền không biết tiếc tay. Thư gặp ông lần đầu lúc ông dẫn cô bồ nhí đến mua sắm.
Chẳng biết do "kết" cô gái da ngăm nhưng vóc dáng cao ráo, duyên dáng hay sao mà những lần sau ông thường đến chỉ một mình. Mỗi lần mua sắm xong, ông đều bo cho Thư rất hậu hĩ. Rồi tâm sự chuyện khởi nghiệp gian khó, chuyện bà vợ già thực dụng, vô cảm khiến ông sa đà vào những mối tình chóng vánh để tìm quên cảm giác buồn chán của cuộc sống vợ chồng.
Rồi dần dà, Thư cảm thông, nhận lời đi chơi, nhận quà cáp và trở thành người tình của ông N. Vẫn bán hàng tại khu mua sắm ấy, nhưng thay vì ở trọ với bạn, Thư dọn về căn hộ do ông N. thuê, nơi ông thường lui tới khi vờ đi công tác. Đối với Thư, đó là một mái ấm khá ngọt ngào, dù chưa trọn vẹn. Cô coi ông N. là người "chồng" của mình, hết sức săn sóc, chiều chuộng. Bù lại, ông N. hứa với Thư sẽ sớm tìm cách ly dị vợ, rồi rước Thư về ở.
Nhưng cuộc sống "vợ chồng hờ" mới bước sang năm thứ hai, khi Thư đang dự định có con, thì gia đình ông N. phát hiện mối quan hệ ngoài luồng này. Chính hai người em của ông N. trực tiếp đến căn hộ của Thư cảnh cáo cô phải tránh xa ông N. ra.
Thư đem chuyện kể cho chồng hờ, vì việc này mà giữa ông N. và các em xảy ra mâu thuẫn. Hai tháng sau ngày được cảnh cáo, nhân lúc ông N. đi công tác nước ngoài, cả gia đình ông N. đã kéo đến, đập phá tan hoang nhà cửa, dằn mặt Thư một trận xấu hổ với xóm giềng và trả tiền cho chủ nhà để chủ nhà cắt hợp đồng thuê, đuổi Thư ra đường.
Khi ông N. trở về thì mọi sự đã tan hoang. Bản thân Thư cũng không muốn gặp lại ông N. nữa. Ngoài sự nhục nhã vì bị đánh đuổi. Thư phát hiện ra rằng, vợ ông N. không hề là người đàn bà hung dữ, xấu xa như ông N. đã kể. Bà là người đã gắn bó với ông N. từ lúc ông lập nghiệp hai bàn tay trắng, từng một lần nhận tội thay chồng khi ông làm ăn khuất tất để chịu dùm chồng một năm tù giam. Giờ đây bà đang bệnh tật thì ông chồng lại đi bồ bịch bên ngoài. Thư đã từ bỏ hoàn toàn giấc mộng xây dựng gia đình với người đàn ông giàu có nhưng bạc nghĩa ấy. Cô quyết tâm làm lại cuộc đời...
Giờ đây, Thư gắn bó với một ngôi chùa chuyên nuôi trẻ mồ côi ở Gò Vấp, TPHCM. Niềm vui hiện tại của chị là chăm sóc các cháu mồ côi, tật nguyền bằng tình thương của người mẹ đối với đứa con mà chị chưa may mắn có được trên đời. Chị nói, mọi đau khổ đã qua, giờ chị thấy mình thanh thản trong một gia đình lớn và một cuộc sống nhiều ý nghĩa hơn...
Nguyên Thảo