30 năm nay bà làm đủ thứ nghề để nuôi và chăm sóc 3 người con nhiễm căn bệnh thế kỷ, trong đó "nghề" bán máu là lâu dài nhất. Quá trưa, chúng tôi gặp bà Đông khi bà đang lom khom nhặt nhạnh, quét tước những thứ còn sót lại sau phiên chợ sáng. Rác rưởi thì bà gon thành một đống để chờ xe rác tới, những thứ có thể bán được tiền như rơm rạ, túi ni lông… bà cẩn thận gom nhặt cho vào bao tải để bán. Công việc này, sau nghe bà kể, đã “gắn bó” với bà được 8 năm ròng. Thấy có người lạ đến tìm, bà dừng tay gạt mồ hôi đon đả mời chúng tôi vào quán ngồi uống nước. Cái quán cóc liêu xiêu vỏn vẹn ấm trà nóng, vài chai nước, mấy bao thuốc lá, loáng tháng mùi gì khăm khẳm. Bà chỉ tay vào nhà vệ sinh công cộng gần đó, cười tếu táo: “Nhờ nó mà nuôi sống mấy miệng ăn đấy cô ạ!”. Những tưởng bà sẽ xua tay hay chối đây đẩy khi hỏi chuyện về những đứa con lầm lạc của bà. Nhưng trái lại, không hề né tránh, bà nhấp ngụm nước chè rồi cất giọng: “Chả giấu gì cô. Gia đình tôi có 3 đứa con trai, thì hai đứa mắc HIV. Nó dại, nó không may như thế rồi thì mình càng phải thương nó chứ sao lại hắt hủi, khinh ghét nó được”.
Đều đặn 1 tháng hai lần bà Đông đi bán máu cho khắp các viện ở Hà Nội, mãi đến năm vừa rồi, có tuổi sức khỏe yếu bà mới thôi |
“Cuộc đời chưa cho tôi được một ngày vui” Mân mê hai bàn tay đầy vết chai sạn, nứt nẻ như được tạc nên bởi bao nhiêu năm trời lăn lộn, đánh vật với cuộc sống, giọng bà bỗng trở nên trầm lắng, đôi mắt hấp háy đỏ khi kể về cuộc đời gian truân, chìm nổi của mình. “Cuộc đời chưa cho tôi được một ngày vui”, bà mở đầu câu chuyện cùng nụ cười chua chát. Bà tên đầy đủ là Bùi Thị Đông, sinh năm 1951, quê ở Đông Ngạc, Từ Liêm, Hà Nội. Năm 1974 thì kết duyên cùng anh bộ đội Chu Văn Tám. Bà kể, lúc lấy nhau khi ấy cả hai gia đình đều nghèo rớt mùng tơi. Ngày cưới cũng chỉ cầm cái giấy đăng ký kết hôn là về sống với nhau chứ cũng chẳng có nổi đĩa bánh kẹo mời bạn bè, chòm xóm. “Gia đình hai vợ chồng, 3 đứa con trai cũng như bao gia đình đói nghèo thời bao cấp khác, chả mấy khi được bữa no. Cơm thì rặt khoai với sắn. Hơn 20 năm sống trong căn nhà lá xiêu vẹo, lấy bao tải làm chăn, mãi đến năm 1996 cơ quan cho tôi được 8 bao xi măng, vợ chồng tôi mới cất được một cái nhà cấp 4, lợp mái. Đến tận bây giờ vẫn chưa một lần tu sửa, dột nát hết cả rồi!”, bà trầm ngâm kể. Hai vợ chồng vất vả nuôi nấng mấy đứa con, nhưng như bà nói: “chúng có lớn mà không có khôn”. Những tưởng đi làm ăn chúng sẽ phụ giúp gánh nặng cho ông bà, nhưng ngược lại, cuộc sống tự do lại nghe theo lời những người bạn xấu, hết con trai cả, lại đến con thứ vập vào ma túy. Bao nhiêu tiền làm lụng, dành dụm đều đổ vào việc cai nghiện cho hai thằng con trai.
Chồng bỏ đi, hai đứa con lại mắc căn bệnh chết người, vậy là bà một thân một mình phải bươn chải đủ nghề để có tiền lo cho con |
Rồi bà nhận được hung tin, anh con trai cả nhiễm HIV. Vậy mà trong lúc bà vật vã với nỗi đau đớn tột cùng ấy thì người chồng đầu gối tay ấp, cùng bà trải qua bao hoạn nạn lại bỏ bà đi theo người phụ nữ khác. Bà bảo: “Từ ngày bỏ nhà đi, ông ấy chưa từng về thăm nhà một lần. Ông ấy đi đâu đến giờ tôi cũng không biết”.30 năm bán máu… Chồng bỏ đi, hai đứa con lại mắc căn bệnh chết người, vậy là bà một thân một mình vừa phải bươn chải đủ nghề để có tiền lo cho con, vừa cắn răng chịu đựng sự kỳ thị, khinh miệt của hàng xóm. “Mời họ vào uống nước thì họ quay ngoắt đi bảo sợ lây. Thiếu tiền đong cân gạo chịu họ cũng không cho vì “cái nhà có hai thằng nghiện, cho nợ thì đến khi nào lấy được… "Nhiều lúc nghĩ tủi thân đến ứa nước mắt cô ạ”, bà kể. Trở về từ trại cải tạo, con trai lớn khẩn thiết xin bà có một gia đình nhỏ. Con dâu bà cũng mang HIV. Bà ứa nước mắt gật đầu với con. “Mình là mẹ nó, mà mẹ nào bỏ được con”, cũng từ cái triết lý giản đơn ấy mà bà chẳng nề hà… cắp cặp đi học cách chăm người bệnh HIV để chăm sóc cả con trai lẫn con dâu. Hết con dâu rồi con trai chuyển sang AIDS giai đoạn cuối đều do một tay bà chăm sóc từ việc bón cho ăn đến việc giặt giũ quần áo. Rồi đến khi thần chết cướp đi sinh mạng hai người, cũng lại một tay bà bó gói khâm liệm. Đến khi con trai và con dâu của bà “mồ yên, mả đẹp” thì mảnh đất 170 m2 đã bị cắt xén bán đến móng nhà. Số nợ vay lãi của bà giờ đã lên tới hơn 400 triệu đồng. Kể đến đây, bà bỗng chuyển giọng thầm thì như sợ ai nghe thấy: “Kể ra điều này tôi cũng thấy xấu hổ và tủi phận lắm . Túng bấn quá tôi đã phải đi bán máu để phụ thêm tiền trang trải cuộc sống. May ông trời còn cho tôi sức khỏe. Đều đặn 1 tháng hai lần đi bán máu ở khắp các viện ở Hà Nội, mãi đến năm vừa rồi, có tuổi sức khỏe yếu mới thôi. Tính ra cũng được… 30 năm đi bán máu”.
Bà Đông nở một nụ cười hiếm hoi khi nhắc đến người con trai út và hai đứa cháu nội |
Cũng may, ông trời không cướp mất của ai tất cả. Giờ đứa con trai út của bà đang học lớp 9 và hai đứa cháu người con thứ hai xét nghiệm không bị nhiễm HIV là động lực cho bà tiếp tục sống. Không những thế, bà còn giúp đỡ nhiều gia đình không may có con nhiễm HIV. “Người nọ mách người kia, nhiều gia đình có con HIV/AIDS giai đoạn cuối lại đến nhờ tôi chăm sóc từ việc ăn uống tắm táp rồi kiêm cả việc khâm liệm cho các cháu. Thậm chí, cả tai nạn hay bốc mộ, họ đến nhờ là tôi giúp. Chúng lỡ lầm lỗi thì đã chịu khổ, đã thiệt thòi rồi, mình phải thương lấy chứ”, bà tâm sự. “Mẹ lại nói cái gì lung tung thế, hay ho gì mà kể”, người thanh niên từ đâu đi đến đột nhiên cắt ngang câu chuyện của chúng tôi. Anh ta gằn giọng, tỏ vẻ bất cần: “Chơi bời thì phải chịu hậu quả chứ sao”, rồi lại đưa tay gãi sồn sột vào lớp da trần nham nhở những vết thâm, sần sùi, có chỗ đã lở loét, chảy nước. “Ơ hay, cái thằng này, ra đằng khác cho mẹ nói chuyện”, bà Đông lớn tiếng nạt lại. Khi người thanh niên đã đứng dậy lảo đảo bước hút vào con đường nhỏ, lối ven chợ, mắt ngân ngấn nước người mẹ quay sang chúng tôi hạ giọng: “Thằng con thứ hai của tôi đấy. Mười phần thì chết tám rồi, giờ mạng nó cũng chỉ tính bằng ngày thôi. Cũng biết sợ rồi, hai hôm nay kêu mẹ đi lấy thuốc cai nghiện về uống. Hôm qua nó còn bảo tôi: “Con chả còn sống được bao lâu nữa. Mẹ thương con mẹ nhé!...” Bà Đông bỏ lửng câu nói bằng tiếng nấc nghẹn ngào.
Theo Zing