Sau Cách mạng Tháng Tám, tại quê Trần Kim Hùng, trong một buổi mít-tinh vận động nhân dân thực hiện diệt 3 thứ giặc “giặc dốt, giặc đói và giặc ngoại xâm”, người ta vẽ một tấm ảnh Bác Hồ lớn bằng chiếc nong to đặt giữa sân vận động. Bức chân dung khổng lồ được người vẽ đặc tả đôi mắt quắc thước, kiên nghị song lại rất độ lượng cứ ám ảnh mãi Trần Kim Hùng. Đó là lần đầu tiên trong đời ông thấy Bác Hồ. Và, chính đôi mắt đó, chính nhân cách và đạo đức của Bác, nhất là những tình cảm của Bác dành cho bộ đội và lực lượng Đặc công đã trở thành niềm động viên, an ủi chính ông trong những hoàn cảnh khó khăn, gian khổ nhất.
Nhớ lại những mối liên hệ giữa mình và Bác Hồ, ông Trần Kim Hùng thủng thẳng kể với tôi: “Sáng ngày 15-5-1955, tôi đi trên chuyến tàu cuối cùng chở cán bộ, bộ đội và học sinh rời quân cảng Quy Nhơn (Bình Định) để tập kết ra Bắc theo Hiệp định Giơnevơ. Trước lúc xuống tàu, đồng chí Nguyễn Chánh - Tư lệnh Khu 5 thân mật nói chuyện với chúng tôi :
- Nếu đến 2 năm mà địch thi hành Hiệp định, thì chúng ta giương cờ hòa bình về lại miền Nam nơi chôn nhau cắt rốn của mình. Nếu địch phá hoại hiệp định, chúng ta sẽ cầm cờ quyết chiến, quyết thắng trở lại miền Nam, tiếp tục chiến đấu giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước như Tuyên ngôn Độc lập của Bác Hồ đọc ngày 2-9-1945, tại vườn hoa Ba Đình, Hà Nội!
Lời nói ân tình của người anh cả các lực lượng vũ trang Khu 5, đã gieo vào lòng tôi niềm tin vào cuộc chiến tranh chính nghĩa của dân tộc ta, tin vào Đảng và Bác Hồ. Mọi cán bộ, chiến sĩ chúng tôi lúc bấy giờ tự hứa với lòng mình sẽ thi đua luyện tập trên các thao trường miền Bắc, để quân đội ta từng bước tiến lên chính quy và hiện đại, sẵn sàng nhận lệnh trở về miền Nam chiến đấu, giải phóng quê hương...
Khi đến Sầm Sơn (Thanh Hoá), tôi được dự ngay một buổi mít-tinh sinh nhật Bác Hồ vào ngày 19-5-1955 với bà con nơi đây. Thế rồi, dun dũi thế nào, con người mà tôi luôn ngưỡng mộ, luôn ao ước được một lần thấy mặt bằng xương bằng thịt đã đến với tôi. Năm 1958, khi Bác Hồ về thăm quê tại Nam Đàn (Nghệ An), tôi vinh dự được tham gia trong lực lượng “bảo vệ vòng ngoài” cho Bác trong chuyến thăm có một không hai này. Hôm ấy, anh lính Đặc công Tiểu đoàn 323 - Trần Kim Hùng đứng bảo vệ mà lòng ao ước được chạy theo Người như những người dân quê Bác.
Thế rồi, đúng ngày 19-5-1959, khi đang theo học tại trường lục quân Nam Đàn, tôi bất ngờ nhận được lệnh về Nam chiến đấu. Trước khi lên đường, anh em trong đơn vị của tôi có người được gặp Bác và được Bác căn dặn trước lúc lên đường. Người dặn: “Vào Nam, có 2 nhiệm vụ rất quan trọng mà các chú phải thực hiện: Một là, tuyệt đối giữ gìn bí mật. Hai là, phải làm công tác vận động quần chúng thật tốt!”. Chính lời dặn dò đó đã theo tôi trong suốt quãng đời làm “anh bộ đội Cụ Hồ” của mình.
Năm 1960, chúng tôi có mặt tại miền Tây Quảng Đà. Tại đây, tôi chứng kiến sự kính trọng, biết ơn của đồng bào dân tộc thiểu số dành cho Bác. Cứ nhìn thấy chúng tôi hoặc các mặt hàng thuốc Tây, vải vóc thì bà con đều nói một lời: “Đây là thuốc Bác Hồ, vải Bác Hồ và bộ đội Bác Hồ!”. Càng cảm động hơn, khi lúa của bộ đội trồng để trong kho, anh em bận đi chiến dịch nhờ bà con giã hộ, bà con lại đem gạo của mình đến hoặc xúc lúa dự trữ của mình để giã gạo cho chúng tôi ăn. Anh em thấy vậy thắc mắc thì bà con giải thích: “Con Kinh, con Cỏ đoàn kết lắc lơ Mỹ - Diệm!” (nghĩa là: anh em người Kinh, anh em người dân tộc phải đoàn kết để lật đổ Mỹ - Diệm!). Bà con làm được 120 gùi lúa thì dành cho “Bộ đội Cụ Hồ” hết 100 gùi, còn 20 gùi dành để trẻ con, người già và làm lúa giống! Trăm ơn, vạn nghĩa đồng bào đã dành cho chúng tôi, dành cho bộ đội Cụ Hồ, bởi theo bà con, chúng tôi là “con cháu Bác Hồ”. Bà con nói với chúng tôi: “Con Kinh từ miền Bắc, nghe lời Bác Hồ vào đây để giúp người Cơtu đánh giặc thì việc giúp lúa, gạo này có nghĩa gì đâu!”. Vì vậy, tôi ngày càng thấm thía hình tượng Bác Hồ trong lòng dân miền Nam và đối với cá nhân mình. Những năm tháng Mỹ - Diệm đánh phá ác liệt, người dân Quảng Đà vẫn ngân nga câu hát đầy ẩn ý nói về Bác Hồ và Ngô Đình Diệm:
“Lửa hồng bắt cháy bên Ngô
Trăm khe nước chảy về Hồ
Gặp cơn nguy biến nhờ người cõng
Người cõng vững vàng khó kẻ xô!”
Thế rồi, trước khi quân Mỹ đổ bộ vào Đà Nẵng chừng 1 tháng, đúng ngày sinh nhật Bác Hồ 19-5-1965, lực lượng Đặc công thành phố được thành lập. Đó chính là tiền thân của Tiểu đoàn Đặc công 489 sau này. Tuy nhiên, anh em chúng tôi vẫn thường gọi là “Tiểu đoàn Đặc công mười chín tháng Năm” để kỷ niệm ngày ra đời. Sau khi thành lập, tôi có kỷ niệm: đơn vị tôi có đồng chí Lâm - một chiến sĩ quê gốc Quảng Đà trong lực lượng Đặc công Quân khu 5. Trong một lần thực hiện công tác vũ trang tuyên truyền, sau khi hoàn thành nhiệm vụ, trên đường về, đồng chí bị địch phục kích. Do bị bất ngờ, gặp lúc địch ở cự ly rất gần, chúng bắn Lâm toác quai hàm. Trước lúc hy sinh, Lâm vẫn gắng gượng hô lớn: “Hồ Chí Minh muôn năm!”. Mặc dù tiếng anh hô không còn được nghe tròn vành rõ chữ nữa! Chứng kiến cái chết đó của đồng đội, tôi càng cảm phục Lâm bao nhiêu càng thấu hiểu được vì sao những đồng đội tôi và nhiều người dân Quảng Đà khác lúc bấy giờ, mặc dù chưa hề gặp Bác song trước lúc hy sinh vẫn gọi lớn tên Người.
Ngay sau khi thành lập, lực lượng đặc công chúng tôi đã lập nên nhiều chiến công vang dội. Hưởng ứng lời kêu gọi của Bác Hồ ngày 17-7-1966 là “Không có gì quý hơn độc lập, tự do”, cán bộ, chiến sĩ đại đội 4 Tiểu đoàn đặc công 89 Đà Nẵng chúng tôi đã từ căn cứ bí mật đột kích vào sân bay Nước Mặn.
Đêm 27-7-1966, chúng tôi hành quân từ căn cứ về ém quân tại Hòa Hải và bất thần tiến công tiêu diệt sân bay Nước Mặn của Mỹ- ngụy tại Đà Nẵng. Chúng tôi đã diệt 170 tên Mỹ, nâng tổng số quân Mỹ bị diệt 2 trận tại sân bay Nước Mặn lên 553 tên, phá huỷ 70 trực thăng, 106 máy bay, 10 xe quân sự và nhiều phương tiện chiến tranh khác. Qua hai trận đánh vào sân bay Nước Mặn Đà Nẵng ngày 17-10-1965 và ngày 17-7-1966 được Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam tặng thưởng 1 Huân chương Quân công hạng nhì, 1 Huân chương Quân công hạng ba và 27 Huân chương cho tập thể và cá nhân có tham gia.
***
Năm 1989, khi đã về hưu, nhân đọc điều lệ của Hội Chữ thập đỏ Việt Nam, ông Hùng thấy có dẫn một câu nói của Bác Hồ về hội này “Mỗi hội viên hãy góp một phần nhằm giảm sự đau thương cho người nghèo, người bất hạnh!”. Từ đó, ông tự nguyện đứng ra tổ chức, xây dựng Hội Chữ thập đỏ phường Vĩnh Trung, quận Hải Châu. Ông tự ứng cử và xin nhận làm Chủ tịch hội này từ những ngày gian khó đó. Trong 8 năm làm Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ phường Vĩnh Trung thì ông Hùng được thành phố tặng bằng khen 7 năm liền có thành tích dẫn đầu thành phố về công tác Hội Chữ thập đỏ và có 1 năm dẫn đầu cả tỉnh Quảng Nam - Đà Nẵng.
Ông Hùng xác định làm công tác Hội Chữ thập đỏ là dịp để ông thực hiện ước vọng truy tìm mộ của đồng đội. Ông kể: Trong những năm tháng đó, trong tâm trí tôi luôn văng vẳng câu nói của Bác Hồ là phải làm sao “giảm sự đau thương cho người nghèo, người bất hạnh!”. Là một người lính, là một “anh bộ đội cụ Hồ”, hơn ai hết, tôi cảm nhận được không có đau thương và bất hạnh nào hơn đối với gia đình và bản thân những người đồng đội tôi đã ngã xuống trong chiến tranh mà vẫn còn lẩn khuất đâu đó trong rừng rậm, bên đồi tranh lối cỏ ít người qua. Nghĩ vậy, tôi bắt đầu nghiên cứu, dựng lại những trận đánh mà có đồng đội mình hy sinh, những thông tin về liệt sĩ mà ngành Đặc công của mình đang có. Tôi lặn lội gặp lại những đồng đội cũ còn sống để lắp nối các cứ liệu, dựng lại hoàn cảnh hy sinh của từng người, bắt đầu từ những đồng đội thân thiết sau đó là bất kỳ thông tin về liệt sĩ mà tôi có được.
Có được thông tin chính xác song trong điều kiện khó khăn, thiếu thốn kinh phí và con người, tôi phải tự mình dành dụm tiền để đi tìm đồng đội. Những lúc như thế, lời Huấn thị của Bác Hồ đối với bộ đội Đặc công lại văng vẳng bên tai tôi: “Đặc công thì bất cứ nhiệm vụ gì, bất cứ một nhiệm vụ đặc biệt nào cũng phải hoàn thành và hoàn thành cho tốt. Đặc công có khi đi một mình, tức là tác chiến một mình!...
Hồi ấy, việc tổ chức vận động anh em đi tìm hài cốt đồng đội với tinh thần là chính. Chính quyền, ngành Lao động-Thương binh - xã hội chỉ hỗ trợ kinh phí khi đã tìm ra mộ liệt sĩ, còn khảo sát thì những người tình nguyện đi tìm phải tự lo. Tôi đành tiết kiệm tiền lương từng tháng, được chừng năm trăm hoặc một triệu là góp vào mua gạo, mắm muối, dầu chè cùng anh em mang balô lên rừng. Có lần, bán được lứa lợn 1,4 triệu đồng, tôi đưa vợ phân nửa số tiền và bảo, bảy trăm ngàn đồng còn lại là để tôi đi tìm đồng đội. Vợ tôi thiệt thà nói, tưởng ông lấy tiền làm gì mới lo chứ tìm đồng đội thì cầm thêm mà đi...
Với số tiền nuôi heo và tích cóp được, ông Trần Kim Hùng đã vận động các đồng đội cũ cùng ông tìm mộ đồng đội… Niềm hạnh phúc, sự thanh thản trong tâm hồn trong việc tìm hài cốt liệt sĩ đã giúp ông vượt qua những cơn đau dạ dày kinh niên, những ám ảnh triền miên về những đồng đội hy sinh - những người cùng ông vào sinh ra tử. Trong quá trình tìm mộ đồng đội, qua cung cấp thông tin của nhân dân sinh sống nơi chiến trường xưa, ông lại có thêm danh sách mộ liệt sĩ ở các đơn vị bạn, sau khi kiểm tra kỹ lưỡng thông tin, ông thông báo địa chỉ mộ liệt sĩ trên Đài Tiếng nói Việt Nam hoặc liên lạc địa phương các liệt sĩ... Hàng trăm gia đình liệt sĩ được ông Hùng cung cấp thông tin và địa chỉ phần mộ liệt sĩ đã đưa hài cốt người thân về với gia đình. Nhiều gia đình liệt sĩ coi ông như người ruột thịt, bao gia đình từ Hà Tây, Hải Phòng, Hải Dương, Hà Nội… đã rất cần sự có mặt của ông trong ngày quy tập mộ liệt sĩ về với gia đình, người thân tại quê nhà…
Tính đến nay, ông Trần Kim Hùng đã cùng anh em đồng đội tìm được hơn 310 hài cốt liệt sĩ đưa về các nghĩa trang liệt sĩ an táng. Ngày 22-7-1997, với thành tích xuất sắc trong công tác thương binh-liệt sĩ và phong trào đền ơn đáp nghĩa, ông đã được Chủ tịch nước tặng thưởng Huân chương Lao động hạng ba.
Đại tá, Anh hùng LLVTND TRẦN KIM HÙNG kể, LƯU ANH RÔ ghi
(Bài rút từ tập sách “Mãi mãi là dân Cụ Hồ” của Ban Tuyên giáo Thành ủy Đà Nẵng xuất bản năm 2009)
Thủ tướng Phạm Minh Chính dự Hội nghị COP26 và làm việc tại Anh: Ký kết thỏa thuận hợp tác trị giá hàng tỷ USD
(PLVN) - Nhân chuyến tham dự Hội nghị COP26 và làm việc tại Vương quốc Anh, chiều 31/10 (giờ địa phương), tại thành phố Edinburg, Scotland, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã dự, chứng kiến lễ ký, trao 26 thỏa thuận hợp tác trong các lĩnh vực thương mại, nông nghiệp, năng lượng, y tế, giáo dục, đào tạo, bảo vệ môi trường, thể thao... của các bộ, ngành và doanh nghiệp Việt Nam và đối tác Anh.