Từng bước tháo gỡ khó khăn
Năm 2010, Thiếu tá Phạm Văn Tôn được điều động từ Đồn Biên phòng Trung Lý về làm Phó Bí thư Đảng ủy xã Trung Lý. Từ đó, anh trở thành người trực tiếp bồi dưỡng, thẩm tra lý lịch và tiến hành các thủ tục khác để kết nạp 86 quần chúng là người dân tộc Mông vào Đảng, góp phần xóa 12 bản trắng đảng viên của xã Trung Lý. Trước đây xã từng là nơi có 12/12 bản đồng bào Mông đều “trắng” đảng viên, đến nay toàn xã đã có 86 đảng viên ở tất cả các bản; các chi bộ tại bản cũng không phải sinh hoạt ghép.
Để có được thành công này, anh đã phải trải qua nhiều khó khăn, nhất là những ngày đầu tìm nhân tố để bồi dưỡng, kết nạp đảng viên. Trên thực tế những năm về trước nhận thức của đồng bào Mông về Đảng chưa đầy đủ, chưa mặn mà với việc vào Đảng. Hơn nữa, phần lớn đồng bào Mông ở đây đều di cư từ phía Bắc vào và không ổn cư, ổn canh. Khó khăn nữa là theo Điều lệ Đảng, các đối tượng kết nạp Đảng phải học hết Trung học cơ sở, không vi phạm chính sách dân số, trong khi hầu hết người Mông ở đây trình độ văn hóa còn rất thấp, người học cao cũng chỉ đến lớp 7 và đa phần đều có từ 3 đến 4 con trở lên...
Để tháo gỡ dần những khó khăn trên, anh đã phải làm tờ trình gửi Trung ương và Tỉnh ủy Thanh Hóa đề nghị “xem xét” tiêu chí kết nạp Đảng đối với đồng bào Mông và đã được Trung ương và Tỉnh ủy Thanh Hóa chấp thuận chủ trương. Tuy đã có nguồn phát triển đảng viên mới... nhưng khó khăn, trở ngại lại là việc đi xác minh lý lịch của đối tượng kết nạp Đảng, bởi tất cả đồng bào Mông ở đây đều có quê gốc ở các tỉnh phía Bắc như Hà Giang, Yên Bái, Lào Cai, Sơn La...
Anh Tôn cho biết, đồng bào Mông di cư theo gia đình từ bé nên nhiều khi họ cũng không biết chính xác mình ở bản làng nào. Hơn nữa, đồng bào Mông thường có đến 3-4 tên khác nhau do mỗi lần di cư đến vùng đất mới họ lại đổi tên hoặc đổi tên lót, nên việc xác minh lý lịch càng gặp nhiều khó khăn. Rất nhiều trường hợp anh đã phải nhiều lần đi về các tỉnh phía Bắc để xác minh lý lịch cho một quần chúng do khai sai về tên, tuổi, sai địa chỉ quê quán...
Anh bộ đội tận tâm
Điển hình là trường hợp xác minh lý lịch cho quần chúng Sùng A Giáo, anh Tôn đã phải 4 lần đi về xã Phông Niên, huyện Bảo Thắng, tỉnh Lào Cai mới xác minh đầy đủ lý lịch cho quần chúng Sùng A Giáo. Đến nay ông Giáo đã được kết nạp Đảng và đang là Trưởng bản Xa Lao.
Đến năm 2013, xã Trung Lý đã hoàn toàn xóa được bản “trắng” đảng viên. Tất cả các chi bộ ở các bản người Mông hiện đi vào hoạt động thường xuyên, duy trì tốt các chế độ sinh hoạt, phát huy vai trò lãnh đạo, tính tiên phong, gương mẫu trong mọi mặt công tác của đội ngũ đảng viên. Đời sống kinh tế của bà con cũng từ đó mà dần khấm khá nhờ biết áp dụng những tiến bộ khoa học - kỹ thuật vào sản xuất. Nếu như trước đây bà con chỉ làm một vụ lúa nương ăn cả năm với 25 tạ/ha thì nay đã cấy được lúa nước, sản lượng tăng lên 50 tạ/ha, lại làm 2 vụ... Có những bản bây giờ đã đạt 3 không: Không ma túy, không tệ nạn xã hội và không di cư tự do.
Nhận xét, đánh giá về anh Tôn, Bí thư Huyện ủy Mường Lát Lương Minh Thông cho biết: “Thiếu tá, Phó Bí thư Đảng ủy xã Phạm Văn Tôn về đây công tác luôn coi đồng bào các dân tộc thiểu số như người ruột thịt của mình, với cái tâm mang đến cho đồng bào một cuộc sống no ấm thực sự. Từ đó, các đảng viên và đồng bào nơi đây đã tin tưởng và làm theo sự hướng dẫn và chỉ đạo của anh, nhất là các hoạt động của chi bộ đã đi vào nền nếp và có chiều sâu. Từ các buổi sinh hoạt chi bộ, các chỉ thị, nghị quyết của Đảng từ Trung ương đến địa phương đã được triển khai và đi vào cuộc sống. Các đảng viên ở đây thực sự phát huy tính tiên phong gương mẫu đi đầu trong các phong trào lao động sản xuất, xóa đói giảm nghèo, xây dựng đời sống mới”.
Với nỗ lực cố gắng để đưa Đảng vào cuộc sống tại 12 bản đồng bào người Mông, Thiếu tá, Phó Bí thư Đảng ủy xã Phạm Văn Tôn đã được Tỉnh ủy Thanh Hóa tặng Bằng khen về thành tích phát triển đảng viên và chi bộ thôn, bản vùng sâu, vùng xa năm 2014, là một trong những đại biểu được mời tham dự Hội nghị tổng kết 15 năm Bộ đội Biên phòng tăng cường về xã, tổ chức tại Hà Nội vừa qua./.