Chúng tôi tới gặp đồng chí Nguyễn Đăng Mạnh đúng lúc anh đang khám sức khỏe cho các can phạm nhân của mình. Điều đầu tiên chúng tôi nhận thấy ở người y sĩ đã 47 tuổi này là lòng nhiệt tình với công việc. Với thâm niên 20 năm công tác trong lĩnh vực y tế tại trại tạm giam Công an tỉnh Thái Nguyên, đã có hàng ngàn lượt can phạm nhân được Thiếu tá Mạnh chăm sóc, chữa trị.
Công việc hằng ngày của anh là chăm sóc sức khỏe cho cán bộ chiến sĩ ở đơn vị và các can phạm nhân đang bị tạm giữ, tạm giam. Không quản ngại đêm hôm, bất cứ khi nào trại tạm giam tiếp nhận can phạm mới, anh lại chuẩn bị dụng cụ để kiểm tra sức khỏe ban đầu cho các đối tượng này.
Nhiều lúc đang ăn dở miếng cơm, nhận được lệnh, anh đành đặt bát và thực hiện nhiệm vụ. Việc kiểm tra sức khỏe ban đầu này khá quan trọng vì từ đó có thể phân loại sức khỏe đối tượng, lập hồ sơ quản lý ngay từ ban đầu, thuận lợi cho quá trình theo dõi khi đối tượng bị tạm giam, tạm giữ. Mỗi sáng, trong ca trực của mình, anh lại đi dọc các phòng giam, thăm khám, cấp thuốc cho các đối tượng đang có bệnh.
Ở trại tạm giam, số phạm nhân nghiện ma tuý không phải là ít. Trong đó nhiều phạm nhân mắc bệnh lao phổi, nhiễm HIV đã chuyển sang AIDS, các y, bác sỹ đều phải điều trị.
Với tinh thần "Lương y như từ mẫu" Thiếu tá Mạnh vẫn cố gắng làm hết sức mình chữa trị cho họ, để các can phạm nhân có đủ sức khỏe tiếp tục cải tạo, thi hành án và có cơ hội trở lại cộng đồng. Khi đến giờ kê thuốc, anh phải giám sát để họ uống thuốc trước mặt vì có người tiêu cực không chịu uống thuốc, nhiều khi phải động viên, dỗ dành. Nhất là số phạm nhân bị HIV hoặc đã chuyển sang AIDS thường có suy nghĩ tiêu cực. Những lúc như vậy, các y, bác sĩ bất đắc dĩ trở thành nhà tư vấn tâm lý, động viên để các đối tượng có thêm niềm tin với cuộc sống.
Thiếu tá Nguyễn Đăng Mạnh khám sức khỏe cho phạm nhân. |
Nhiều đối tượng khi được hỏi về tình trạng đau ốm đã cố tình nói dối để được chuyển đi viện từ đó tìm cách trốn trại hay thông cung với các đối tượng khác. Vì vậy đòi hỏi các y, bác sĩ như anh Mạnh ngoài kiến thức về y tế thì còn phải có cả nghiệp vụ Công an để xác định chính xác tình trạng bệnh tật của đối tượng.
Thiếu tá Mạnh còn cho biết nhiều đối tượng đêm hôm quậy phá, la ó giả ốm đơn giản chỉ để phá sự nghỉ ngơi của các bác sĩ. Những lúc như vậy người bác sĩ luôn phải bình tĩnh thăm khám và khuyên giải nhẹ nhàng.
Gần hai chục năm công tác, trải qua nhiều khó khăn, vất vả và có thể nói là đối mặt với "hiểm nguy" nhưng nhiều kỷ niệm.
Anh Mạnh kể: Vào năm 2007, có một đối tượng đang giam ở trại treo cổ tự tử. Khi anh Mạnh vào cấp cứu thì đối tượng đã ngừng thở. Tuy nhiên không từ bỏ, anh Mạnh đã hô hấp cho đối tượng và sau 15 phút đối tượng đã tỉnh trở lại. Những ngày sau anh Mạnh tích cực động viên, khuyên bảo để đối tượng bình tĩnh cải tạo. Hết án cải tạo xong, đối tượng trở về với cộng đồng nhưng đã không quên tìm tới nhà anh cảm ơn. Đó là một kỷ niệm sâu sắc được anh Mạnh nhớ mãi.
Bệnh xá của trại tạm giam Công an tỉnh Thái Nguyên chỉ là một dãy nhà cấp 4, trang thiết bị còn nhiều thiếu thốn, số can phạm nhân đông. Trong khi đó y tế của đơn vị có 4 đồng chí, chỉ có đồng chí Mạnh và một bác sĩ nữa đủ điều kiện để chẩn đoán, khám và trực ca. Mỗi tháng có đến 15 ngày đồng chí Mạnh phải trực tại đơn vị. Thường xuyên xa nhà nhưng có lẽ anh đã được động viên khi hai người con đều đã trưởng thành và đang theo học chuyên nghiệp. Đó là chỗ dựa tinh thần giúp đồng chí yên tâm cống hiến cho công tác chuyên môn tại đơn vị.
Làm việc trong môi trường và điều kiện còn nhiều khó khăn, khối lượng công việc nhiều, những tai nạn nghề nghiệp luôn rình rập… nhưng nhờ tinh thần tận tụy, hết lòng vì người bệnh, y sĩ Mạnh luôn được anh em trong đơn vị cảm phục.
Trong 20 năm công tác, đồng chí luôn đạt danh hiệu Chiến sĩ tiên tiến, được nhận bằng khen của UBND tỉnh Thái Nguyên, nhiều giấy khen của Giám đốc Công an tỉnh. Trong năm 2010 vừa qua, đồng chí được Bộ Công an tặng Bằng khen vì có nhiều thành tích trong công tác phòng chống HIV/AIDS.
Theo Công an nhân dân