Đại tướng Võ Nguyên Giáp là bạn của bố tôi và tôi có nhiều quan hệ, quen biết với GS Đặng Bích Hà, PGS Đặng Xuyến Như... ,vì vậy tôi cũng có nhiều cơ hội để tiếp xúc với Đại tướng một cách thân mật. Tôi phụ trách công tác kiều bào (tại Hội liên lạc với người Việt
Nam
ở nước ngoài) nên tôi có ấn tượng rất sâu sắc về mối quan tâm của Đại tướng với trí thức cả trong lẫn ngoài nước. Anh chị em trí thức cũng hết sức kính trọng và quý mến Đại tướng. Ngay từ năm 1981 Đại tướng đã trân trọng mời đoàn trí thức Việt kiều tại Pháp (do Bùi Trọng Liễu dẫn đầu) về thăm đất nước và dành nhiều thời gian trao đổi, trò chuyện với đoàn. Đại tướng từng kiêm nhiệm làm Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học Nhà nước (từ tháng 7-1960 đến tháng 1-1963). Có lẽ vì vậy Đại tướng rất hiểu trí thức và luôn tôn trọng, tạo mọi điều kiện có thể có được cho giới trí thức. Nguyên là một nhà giáo có danh cách đây 80 năm tại Trường Thăng Long nên Đại tướng hết sức ưu ái các trí thức trong ngành giáo dục và có những sự động viên, khích lệ rất đáng trân trọng. Chúng tôi không thể nào quên được những lời lẽ chân thực và tốt đẹp mà Đại tướng ghi trong sổ tang khi bố tôi qua đời ở tuổi 98: “...Trong cuộc đời gần một trăm năm, Giáo sư Nguyễn Lân đã dành toàn bộ tâm trí cho sự nghiệp giáo dục và văn hóa. Là một trong những người có công xây dựng nền giáo dục mới của một nước Việt Nam độc lập thời đại Hồ Chí Minh, anh đã góp phần đào tạo cho nước ta nhiều thế hệ cán bộ, công dân ưu tú, đã giành tâm huyết và nghị lực sáng tạo cho sự nghiệp giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt, đã từng có những tác phẩm lớn về giáo dục, văn hóa và ngôn ngữ, đặc biệt là các công trình biên soạn từ điển.
|
|
Tôi nhớ mãi lần đến thăm anh tại nhà riêng, cùng trao đổi ý kiến về những vấn đề xã hội bức xúc, đặc biệt là những vấn đề liên quan đến sự phát triển của nền giáo dục và văn hóa của nước nhà. Khi tôi hỏi về bí quyết giữ gìn sức khỏe và duy trì cường độ làm việc ở tuổi cao, anh đã vui vẻ cho biết chính là nhờ thường xuyên tập tành, rèn luyện thân thể và tiếp tục tắm nước lạnh. Tôi rất khâm phục và nghĩ rằng: Nguyễn Lân làm được như vậy là do ý chí muốn lâu dài phục vụ nhân dân, phục vụ Tổ quốc. Đó chính là nhân cách Nguyễn Lân đáng cho chúng ta học tập.
Anh Lân ơi! Anh ra đi nhưng nhân cách trong sáng của anh, sự nghiệp của anh sẽ mãi mãi còn lại với đất nước, non sông, với sự phát triển trường tồn của dân tộc Việt
Nam
...”
Tấm gương tận tụy hy sinh vì sự nghiệp giải phóng dân tộc của Đại tướng là điều mà mỗi trí thức Việt
Nam
đều ghi nhận. Một trong những câu nói nổi tiếng của Đại tướng được trí thức ghi nhớ là “Tôi sống ngày nào cũng là vì đất nước ngày đó.” (dantri.com.vn, 5 -7-2009). Trong chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử nhằm thống nhất giang sơn , không ai quên được mệnh lệnh kiên cường của Đại tướng: “Thần tốc, thần tốc hơn nữa, táo bạo, táo bạo hơn nữa, xốc tới quyết chiến quyết thắng giải phóng miền
Nam
thống nhất đất nước". Dù bận trăm công nghìn việc Đại tướng vẫn chú ý đến công việc của từng trí thức, dù chỉ là bảo vệ để được xuất bản cuốn Búp sen xanh của nhà văn Sơn Tùng, hoặc trao đổi nhiều lần với GS Nguyễn Văn Đạo về chủ trương xây dựng Đại học Quốc gia Hà Nội... Có lần tôi còn được Đại tướng chỉ định vào báo cáo với Tổng Bí thư Lê Duẩn về Chương trình cấp Nhà nước “Sinh học phục vụ nông nghiệp”. Đại tá Nguyễn Huyên, người trợ lý thâm niên của Đại tướng kể rằng: “Ông hết sức coi trọng tri thức các nhà khoa học, biết lắng nghe, kể cả ý kiến trái chiều. Khi nghiên cứu bất cứ vấn đề gì, ông đặc biệt quan tâm tới yếu tố thực tiễn. Tôi nhớ trước lúc đọc tham luận báo cáo tại đại hội 4 (1976 ) Đại tướng tự mình viết đến 200 lá thư trao đổi về cách mạng khoa học kỹ thuật ở Việt
Nam
. Ở Đại tướng, có sự ảnh hưởng bởi phông văn hóa phương Tây do xuất thân từ một cử nhân luật những năm 30 . Tuy nhiên, ông kết hợp điều đó với bản sắc văn hóa phương Đông đồng thời nỗ lực học hỏi nghiên cứu nên phông kiến thức văn hóa ở Đại tướng rất uyên bác, sâu sắc”. Nhiều trí thức kể cho nhau chuyện Đại tướng gặp Thống chế Mê-ra, chỉ huy không quân và các lực lượng phòng không toàn Ấn Độ, chỉ sau một cuộc hội đàm ngắn, ngài Thống chế phải thốt lên: “Giờ đây, đã được gặp ngài rồi mà tôi vẫn giữ nguyên trong ý niệm rằng ngài sẽ mãi là một vị tướng của huyền thoại”. Đáp lại lời ca tụng thành tâm này Đại tướng đã khiêm tốn trả lời: "Nếu không có một tập thể lãnh đạo đúng đắn, sáng suốt, nhân dân và quân đội anh hùng, tướng lĩnh chúng ta dù tài giỏi đến đâu, cũng không thể làm nên công trạng, thành tích gì". Là Chủ tịch danh dự của Hội Sử học Việt
Nam
, Đại tướng đặc biệt vui mừng khi các nhà khảo cổ nước ta phát hiện ra Khu di tích thành cổ Thăng Long. Đại tướng đã tự tay viết: “Tôi đã trực tiếp đến thăm khu di tích này và cùng trao đổi ý kiến với các nhà khảo cổ học và sử học. Khu di tích với diện tích khai quật 19.000 km2 và lớp lớp địa tầng văn hoá, các di tích, di vật vô cùng phong phú, đa dạng phản chiếu lịch sử từ thời Đại La cho đến thời Thăng Long kéo dài liên tục từ đời Lý, Trần đến Lê sơ, Mạc, Lê trung hưng rồi thời Hà Nội đời Nguyễn. Tôi tán đồng sự đánh giá của các nhà khoa học trong nước và quốc tế, coi đây là một di sản văn hoá vô giá của dân tộc hội đủ tiêu chí của một Di sản văn hoá thế giới. Từ các nền móng kiến trúc cung đình, các giếng nước cổ, các cống thoát nước … cho đến các đồ gốm sứ tinh xảo, các đồ đất nung trang trí hình rồng, phượng, uyên ương, hoa lá … cho thấy hình ảnh cụ thể của một khu vực Cấm thành xưa cùng những thành tựu lao động sáng tạo của những nghề thủ công cổ truyền, trình độ kiến trúc và tổ chức xây dựng tài giỏi của tổ tiên. Những di vật gốm sứ và tiền đồng có nguồn gốc từ Trung Hoa, Nhật Bản, Tây Á, chứng tỏ quan hệ giao lưu kinh tế, văn hoá rộng rãi giữa kinh thành nước ta với thế giới bên ngoài. Tôi luôn luôn hình dung trong đầu óc khu di tích như ngôi mộ Tổ, mộ Tổ không phải của một dòng họ, một vương triều, một thời đại mà mộ Tổ của Nghìn năm Thăng Long – Hà Nội, kết tinh lịch sử – văn hoá của cả dân tộc. Mà thật là may mắn, khu di tích lại được phát lộ khi Hà Nội và cả nước đang hướng tới lễ kỷ niệm Nghìn năm Thăng Long. Đã tìm thấy mộ Tổ thì dĩ nhiên con cháu phải lo gìn giữ, tu bổ, tức là phải bảo tồn lâu dài toàn bộ di tích, kể cả phần đã phát lộ và phần còn lưu giữ trong lòng đất mà chưa bị các kiến trúc hiện đại phá huỷ, ít nhất là trong phạm vi Cấm Thành tức trung tâm của Hoàng thành xưa. Khu di tích khảo cổ học đó cùng với các di tích trên mặt đất như nền điện Kính Thiên, Đoan Môn của thành Thăng Long; Cửa Bắc, Cột Cờ của thành Hà Nội và các di tích cách mạng, kháng chiến thời đại Hồ Chí Minh như Hội trường Ba Đình, trụ sở của Bộ Tổng Tư lệnh Quân đội nhân dân thời kháng chiến chống Mỹ … cần quy hoạch thành một khu di tích lịch sử – văn hoá mà có người đề nghị gọi là Công viên lịch sử – văn hoá Thăng Long – Hà Nội. Tôi rất vui mừng được biết ông Tổng Giám đốc UNESCO và nhiều chuyên gia quốc tế đánh giá cao giá trị của khu di tích, cho rằng khu di tích Hoàng thành Thăng Long có đủ tiêu chí được công nhận là Di sản văn hoá thế giới....”.
Ít ai biết rằng Đại tướng Võ Nguyên Giáp rất yêu âm nhạc, mời cô giáo đến nhà dạy đàn để có thể tự đánh piano giúp thanh thản đầu óc sau những giờ làm việc căng thẳng. Tháng 8 năm ngoái sau khi nghe báo cáo về chương trình Hoà nhạc Vietnamnet “Điều còn mãi”, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã viết lời chúc mừng: “Chúc mừng Hòa nhạc Vietnamnet “Điều còn mãi”. Mong “Điều còn mãi”- Tình yêu Tổ quốc vang vọng mãi trong lòng và cổ vũ hành động của mỗi người Việt
Nam
ta.”
Với tất cả lòng khâm phục và kính yêu, chúng tôi cầu mong Đại tướng Võ Nguyên Giáp bền bỉ khỏe mạnh để chứng kiến tiếp những trang Đổi Mới của nhân dân ta.
Giáo sư Nguyễn Lân Dũng