Lợi thế của “gừng già”
Năm 2008, Hội nghị biểu dương người cao tuổi (NCT) làm kinh tế giỏi lần thứ 2 mới có gần 60 nghìn NCT làm kinh tế giỏi, nhưng đến năm 2018, con số này đã tăng lên gần 400 nghìn người, ở nhiều lĩnh vực khác nhau. Có thể nói, thời gian qua, NCT thi đua làm kinh tế giỏi đã phát triển sâu, rộng, được đông đảo NCT trong cả nước hưởng ứng và đạt kết quả thiết thực. Qua phong trào đã xuất hiện nhiều tấm gương NCT luôn có ý chí và nghị lực, tinh thần quyết tâm vượt khó, biết tận dụng thời cơ để làm kinh tế có hiệu quả, làm ra sản phẩm phục vụ xã hội, mang lại lợi ích cho bản thân và gia đình, cho quê hương, đất nước.
Theo số liệu thống kê, nguồn sống của NCT Việt Nam khá đa dạng: từ lao động của chính bản thân NCT 30%; từ lương hưu, trợ cấp và của cải tích lũy từ khi còn trẻ và do con cháu chu cấp 39.3%. Tại khu vực thành thị, lương hưu, trợ cấp là nguồn sống chính của 36,5% NCT, trong khi đó chỉ có 21,9% NCT ở nông thôn được hưởng lương hưu hoặc trợ cấp và có tới 35,2% NCT ở nông thôn phải tự lao động kiếm sống.
Ông Hồ Sỹ Khuê, 76 tuổi, là thương binh hạng 4/4, ở xã Ðông Hoàng, huyện Ðông Sơn (Thanh Hóa), là Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần thương mại Sao Khuê. Công ty của ông có chức năng kinh doanh các mặt hàng vật tư phục vụ sản xuất nông nghiệp. Từ năm 2013 đến năm 2017, công ty đã mua 6 ha ruộng, đầu tư xây dựng trang trại, xây nhà máy xay xát, chế biến lúa gạo. Năm 2017 bán ra thị trường 35 nghìn tấn vật tư các loại, đạt doanh thu 100 tỷ đồng, tạo việc làm cho hơn 100 lao động với mức lương từ năm đến mười triệu đồng/người/tháng. Ngoài phát triển kinh doanh, công ty của ông Khuê còn cung cấp các loại vật tư hàng hóa đầu vào có chất lượng, góp phần ổn định giá cả thị trường, tập huấn cho nông dân quy trình kỹ thuật sản xuất vệ sinh an toàn thực phẩm và đóng góp cho hoạt động từ thiện, nhân đạo, xây dựng nông thôn mới tại địa phương, với số tiền hàng trăm triệu đồng.
Cư trú tại xã Ðắk Lao, huyện Ðắk Min, tỉnh Ðắk Nông, ông Nguyễn Văn Sơn, 64 tuổi, sản xuất, kinh doanh cây cà-phê cùng một số cây trồng khác. Ông luôn chịu khó nghiên cứu, học hỏi khoa học - kỹ thuật để áp dụng trong chăm sóc, tưới tiêu, bón phân, lai ghép, cắt tỉa và tạo cành… để làm sao cây cà-phê cho năng suất cao nhất. Hằng năm gia đình ông thu hơn 16 tấn cà-phê, 20 tấn gừng, 3 ha hồ tiêu, 120 cây sầu riêng, bơ và vú sữa. Ngoài ra, gia đình ông còn chế tạo và sản xuất máy xây dựng cơ và điện tử, mở một phân xưởng sản xuất máy, sản phẩn làm ra đến đâu được tiêu thụ hết đến đó. Bình quân mỗi năm, gia đình ông thu lãi 3,2 tỷ đồng.
Ðã 26 năm làm nghề đá, với biết bao khó khăn, vất vả, bà Trần Thị Khánh Toàn, 72 tuổi, ở thị trấn Quỳ Hợp, huyện Quỳ Hợp, tỉnh Nghệ An, vay vốn mở công ty khai thác và chế biến đá đầu tiên trong tỉnh Nghệ An. Ðến nay bà đã là giám đốc của bốn công ty, trong tổng số gần 300 công ty khai thác và chế biến đá ở tỉnh, với tổng số vốn hơn 500 tỷ đồng, thu hút hơn 150 lao động. Trong những năm qua, công ty đã đóng góp và xây dựng nhiều công trình phúc lợi từ thôn, xã, huyện, tỉnh; mỗi năm khoảng một tỷ đồng...
Ảnh minh họa. |
Có thể thấy, NCT có lợi thế khi làm việc, kinh nghiệm nghề nghiệp, có nhiều mối quan hệ xã hội, các mối quan hệ này rất đặc biệt được bồi đắp qua nhiều năm tích luỹ mà người trẻ không thể có được. Chính những điều này góp phần cho sự thành công, phát triển cùng tinh thần khởi nghiệp của NCT.
Cổ vũ người cao tuổi để phá vỡ định kiến về người già
Nghiên cứu của Quỹ Dân số LHQ, 80% dân số sau khi nghỉ hưu đều mong muốn tìm thêm việc làm. Nhiều chủ doanh nghiệp cũng mong muốn tìm kiếm những người nghỉ hưu để làm việc cho mình bởi họ có nhiều kinh nghiệm. Đơn cử như trường hợp của bà Đặng Thị Dung ở tổ 6, phường Lộc Vượng thành phố Nam Định, tỉnh Nam Định là một ví dụ. Ngay sau khi nhận sổ hưu, bà Dung đã xin làm thêm tại Công ty TNHH Nam Dược, tỉnh Nam Định. Là kế toán giàu kinh nghiệm, nên chỉ sau một thời gian bà được công ty bổ nhiệm vào vị trí phụ trách nhân sự. “Đi làm không chỉ có thêm thu nhập mà tôi còn được sinh hoạt tập thể. Bên cạnh đó, với kinh nghiệm bản thân, tôi có thể giúp đỡ, hỗ trợ những lao động trẻ về chuyên môn, nghiệp vụ”.
Theo số liệu khảo sát của Cục Việc làm, Bộ LĐ-TB&XH, cả nước hiện nay có khoảng 13 triệu NCT, trong đó 46% có nhu cầu làm việc và đang làm việc, 68% có khả năng làm việc. Lao động cao tuổi có những điểm mạnh mà lao động trẻ tuổi không có được như: hầu hết đã được đào tạo, có kinh nghiệm, tác phong làm việc tốt, có hiểu biết và tuân thủ pháp luật. Đặc biệt, nhóm lao động này ít bị tai nạn lao động, quan hệ giữa người sử dụng lao động và người lao động tốt.
Thực tế trên thị trường lao động cho thấy, hiện nay có rất nhiều công việc NCT làm được mà không ảnh hưởng tới người trẻ. Hiện nay, các tỉnh, thành phố như Hải Phòng, Thái Bình, Hải Dương đã có nhiều doanh nghiệp sử dụng lao động cao tuổi và cho biết trong tương lai nhu cầu sử dụng lao động cao tuổi của họ sẽ cao hơn.
Ảnh minh họa. |
Tuy nhiên, không ít người cao tuổi có sức khỏe và khả năng lao động những không tìm được công việc phù hợp. Các quy định về lao động cho người cao tuổi vẫn hạn chế và thị trường lao động dành riêng cho đối tượng này chưa hình thành.
Theo ông Nguyễn Hải Hữu - Phó Chủ tịch Hiệp hội Giáo dục nghề nghiệp và nghề công tác xã hội, đa số người cao tuổi có nhu cầu làm việc không biết tìm việc ở đâu, chỉ qua giới thiệu của người quen, bạn bè, cơ hội tìm kiếm việc làm phù hợp với sức khỏe không nhiều. Trên các web tuyển dụng hiện nay, người lao động trong nhóm 45 tuổi trở lên có ít lựa chọn việc làm, còn nhóm từ 60 tuổi trở lên hầu như không có việc làm qua các kênh tuyển dụng chính thức. Bên cạnh đó, nhiều người cao tuổi có khả năng, kinh nghiệm, muốn đầu tư sản xuất kinh doanh nhưng lại thiếu vốn. Do đó, nhà nước cần có các chính sách nhằm phát huy sinh kế và tạo việc làm cho người cao tuổi.
“Chúng ta phải xác định được nhóm đối tượng cần về sinh kế để hỗ trợ, đặc biệt là khu vực nông thôn. Chính sách sinh kế cho người cao tuổi phải có sự khác biệt với nhóm đối tượng khác nhau. Không thể lấy một chính sách sinh kế chung cho người cao tuổi cả nước áp dụng cho người cao tuổi ở vùng dân tộc thiểu số, vùng sâu vùng xa. Chính sách sinh kế phải phù hợp với đặc thù vùng miền ở các địa phương, bởi mỗi vùng miền có đặc thù khác nhau, nếu không tính đến vùng miền mà đưa chính sách áp dụng cho tất cả thì không bao giờ vào được những vùng khó khăn”, ông Nguyễn Hải Hữu nêu ý kiến.
Được biết, Cục Việc làm, Bộ LĐ-TB&XH đang chỉ đạo các trung tâm việc làm ở các địa phương tổ chức thu thập thông tin, tổ chức các sàn giao dịch việc làm dành riêng cho NCT. Thời gian vừa qua, Nhà nước cũng đã có những chính sách khuyến khích người nghỉ hưu tiếp tục tham gia lao động nhưng còn nhỏ lẻ, chỉ tập trung ở môt số đối tượng. Do đó, thời gian tới, những tổ chức như Hiệp hội doanh nghiệp, Hội NCT cần có thêm các giải pháp phù hợp để quan tâm, tạo điều kiện hơn nữa cho NCT tiếp tục làm việc.
“Chúng ta không chỉ quản lý và trợ giúp cho những doanh nghiệp bình thường, đối với NCT cũng cần trợ giúp, đôi khi chỉ bằng lời khuyên, bằng sự phân tích ý tưởng cho NCT. Vì thế, vai trò của các tổ chức như VCCI, các tổ chức nghề nghiệp là rất quan trọng trong việc phân tích, tư vấn cho NCT ý tưởng. Khi có sự phối hợp, trợ giúp của Nhà nước sẽ là điều kiện tốt cho khởi sự doanh nghiệp nói chung và NCT nói riêng đều có những thuận lợi” - TS. Nguyễn Lê Minh, nguyên Phó Trưởng ban chương trình Quốc gia về việc làm thuộc Bộ LĐTB&XH chỉ rõ.
Với tinh thần “Tuổi cao gương sáng”, nhiều NCT tiếp tục phát huy khả năng, trí tuệ, kinh nghiệm, góp phần xây dựng quê hương đất nước. Hiện có hơn 1,24 triệu NCT đảm nhận các chức vụ bí thư chi bộ, tổ trưởng dân phố, trưởng thôn, trưởng bản, tham gia Ủy ban MTTQ ở cơ sở, ban công tác mặt trận ở khu dân cư. Cả nước hiện có gần 400 nghìn NCT làm kinh tế giỏi, 130 nghìn người cao tuổi làm chủ trang trại, cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ tạo nhiều việc làm cho xã hội, đóng góp đáng kể vào phát triển kinh tế xã hội của địa phương.