Những bất hợp lý trong bản án của TANDTC đã khiến việc thi hành án (THA) bế tắc. Người phải THA muốn trả tiền cũng không được vì nếu làm đúng bản án thì quá… vô lý.
Ông Lê Minh Hải
Muốn tự nguyện THA thì phải.. trả nợ thay người khác
Ông Lê Minh Hải, người bị tuyên án tử hình nhưng… không chết đã hoàn thành xong việc chấp hành hình phạt. Trở lại cương vị của một doanh nhân, ông Hải muốn trả sòng phẳng các món nợ mà bản án đã tuyên đối với cá nhân ông cũng như Cty Dolphin do ông làm giám đốc. Thế nhưng, mong muốn “tự nguyện THA”của ông đã không thực hiện được. Lý do xuất phát từ nội dung bất hợp lý của bản án.
Theo Bản án Phúc thẩm số 379, ngày 31/3/1997 của TANDTC, về phần dân sự, ông Hải phải bồi thường cho Cty Tamexco hơn 64 tỷ đồng. Số tiền này ông Hải đã hoàn thành việc trả nợ. Điều khó thực hiện nhất trong bản án là việc tuyên Cty Dolphin do ông Hải làm giám đốc phải liên đơi với 13 cty và 2 cá nhân khác bồi thường 137 tỷ đồng cho Ngân hàng Firstvinabank.
Đến nay, những doanh nghiệp và cá nhân trên đều không bị “túm tóc”, chỉ ông Hải và Cty Dolphin là bị buộc yêu cầu THA đối với toàn bộ hơn 137 tỷ đồng vì Cty Dolphin…còn tài sản.
Song trong thực tế, Cty Dolphin chỉ “gây thiệt hại” cho Firstvinabank với số tiền 1 triệu đô la Mỹ, chỉ hơn 10 tỷ đồng tại thời điểm hiện án tuyên. Vì thế, việc buộc ông Hải phải trả nợ cả 137 tỷ đồng cho 15 “con nợ” khác là điều cực kỳ phi lý.
Những cái sai làm hại doanh nghiệp
Ông Hải đề nghị được xem xét tách phần nghĩa vụ mà ông phải thực hiện để ông THA. Nhưng, yêu cầu chính đáng của Cty Dolphin và ông Hải vẫn bị treo lơ lửng, không được giải quyết. Nhiều cơ quan chức năng đã nhìn thấy nguyên nhân của vụ việc, nhưng bản thân họ lại không có thẩm quyền xử lý đối với những sai trái đang gây hại cho lợi ích hợp pháp của doanh nghiệp.
Cái sai đầu tiên phải kể đến nội dung của bản án hình sự phúc thẩm, tuyên buộc Cty Dolphin phải “liên đới” với 13 Cty và cá nhân bồi thường 137 tỷ cho Firstvinabank. Mặc dù, việc gây thiệt hại của các Cty và cá nhân này hoàn toàn theo “phần”, mỗi Cty và cá nhân “vay khống” của Firstvinabank khoảng 1 triệu đô la Mỹ thì họ chỉ chịu bồi thường phần thiệt hại mà họ gây ra. Nhưng không hiểu sao, TANDTC lại tuyên họ phải liên đới với nhau bồi thường cho Firstvinabank 13 triệu đô la Mỹ.
Nghiêm trọng hơn, trong quá trình giải quyết vụ án, cấp sơ thẩm không xem xét phần bồi thường. Theo quy định về xét xử phúc thẩm thì Tòa án cấp phúc thẩm chỉ xem xét những gì mà cấp sơ thẩm đã xử; việc sơ thẩm không tuyên bồi thường mà cấp phúc thẩm đã “xét” là vi phạm nghiêm trọng nguyên tắc xét xử 2 cấp và do đương sự mất quyền kháng cáo đối với phần xử bất hợp lý của tòa án.
Về việc này, UBND tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu đã nhiều lần kiến nghị Chính phủ chỉ đạo các cơ quan chức năng, TANDTC xem xét lại tính hợp pháp và hợp lý trong bản án; Không thể buộc Cty Dolphin phải bồi thường phần thiệt hại do người khác gây ra; cần phải xem xét tách phần nghĩa vụ trả nợ mà Cty Dolphin phải chịu để Cty này thực hiện việc THA.
Ông Hải khẳng định, nếu các cơ quan chức năng xác định rõ phần trách nhiệm bồi thường của Cty Dolphin, ông Hải có thể thực hiện việc THA ngay lập tức. Song, những đề nghị hợp lý này vẫn không được giải quyết.
Không chỉ liên đới “oan” và có nguy cơ mất hết tài sản để gánh nợ thay cho người khác, Cty Dolphin còn bị thiệt hại nhiều tài sản trong quá trình thi hành bản án. Theo Quyết định thi hành án 945/THA, ngày 18/11/1999, Cơ quan THA đã giao cho Firstvinabank quản lý lô mỹ phẩm trị giá hơn 7 tỷ đồng của Cty Dolphin. Nhưng chủ nợ này đã bảo quản không tốt, các cơ quan chức năng đã xử lý không tốt tài sản để THA dẫn đến lô hàng bị hỏng toàn bộ. Đáng nói là số hàng bị hỏng này vẫn “giao cho” Cty Dolphin phải chịu, còn những người gây thiệt hại tài sản cho doanh nghiệp thì… vô can.
Vụ thi hành án này đã kéo dài 13 năm và có thể kéo dài hơn nữa vì những bất hợp lý từ nội dung bản án. Đặc biệt, nếu thi hành những nội dung bất hợp lý của bản án bằng những “biện pháp mạnh” thì có đảm bảo sự công bằng của pháp luật và sự thực thi pháp luật có thể sẽ trở thành phi nghĩa.
Về những vấn đề gây bức xúc cho doanh nghiệp, chúng tôi có cuộc trao đổi với Luật sư Lê Văn Kiên, VPSL Phạm Hồng Hải và Cộng sự để làm rõ hơn những nội dung mà bạn đọc quan tâm. Thưa Luật sư, việc xác định nghĩa vụ dân sự liên đới đối với trong việc bồi thường cho bị hại như bản án nêu trên có đúng pháp luật không, thưa ông? Thời điểm xét xử vụ án này đã có Bộ Luật dân sự. Theo quy định của pháp luật thời điểm đó thì nghĩa vụ dân sự liên đới là nghĩa vụ dân sự không phân chia được. Những người có nghĩa vụ liên đới phải thực hiện nghĩa vụ thay cho những người có nghĩa vụ khác cho đến khi thực hiện xong. Việc các cá nhân và Công ty ký hợp đồng vay vốn hoàn toàn độc lập với nhau thì không phát sinh nghĩa vụ liên đới mà chỉ phát sinh nghĩa vụ theo phần đối. Nói ngắn ngọn là, sai đến đâu thì bồi thường đến đó. Nội dung bản án tuyên như vậy là không đúng pháp luật. Nhiều ý kiến cho rằng, mặc dù nội dung bản án trái pháp luật nhưng không thể xem xét lại theo thủ tục giám đốc thẩm vì đã hết thời hiệu xem xét, ý kiến của ông về vấn đề này thế nào? Đó là vấn đề của nhiều bản án hiện nay, không riêng gì bản án này. Đây là vấn đề mà cơ quan nhà nước có thẩm quyền cần phải xem xét. Khi nhìn thấy sự vô lý rất rõ ràng trong bản án nhưng lại cho rằng hết thời hạn xem xét sự vô lý ấy mà cứ cho thực thi thì không phù hợp với ý nghĩa của việc bảo vệ pháp luật. Theo tôi, những trường hợp này cần phải xem xét theo tính hợp lý của sự việc vì xét cho cùng, cái sai đó là do cơ quan nhà nước gây ra, không lẽ lại để doanh nghiệp phải chịu. Phải chăng, sự việc khó xử này xuất phát từ những bất hợp lý của pháp luật hiện nay, thưa ông? Đúng là như vậy. Rõ ràng, ai cũng thấy tuyên trách nhiệm liên đới cho Công ty Dolphin là không hợp lý, trái pháp luật nhưng lại không dám kháng nghị bản án sai vì hết hạn theo luật định. Như thế, thời gian đã “đồng phạm” với việc làm sai và có thể gây thiệt hại cho công dân. Theo tôi, cần xem xét lại các quy định của pháp luật liên quan đến kháng nghị giám đốc thẩm, cho phép miễn thời hạn kháng nghị đối với những bản án tuyên “oan” như thế này. Xin cảm ơn ông!