Bị lập biên bản xe bán rau ngoài đường, cả nhà chống đối
Hai ngày xảy ra sự việc, hôm qua (11/7), Công an quận Bình Tân (TP HCM) vẫn đang tạm giữ ông Lê Văn Vũ (42 tuổi, quê Hậu Giang) và ông Lê Văn Ca (40 tuổi, em ruột Vũ) để điều tra về hành vi “Chống người thi hành công vụ”. Con trai và con gái ông Vũ cũng bị điều tra về hành vi tương tự nhưng được cho tại ngoại.
Theo xác minh ban đầu, rạng sáng ngày 9/7, ba cha con ông Vũ điều khiển xe máy kéo xe lôi tự chế đi bán rau củ ở khu vực Cầu Ông Búp, phường Tân Tạo, quận Bình Tân. Đến khoảng 6h45 cùng ngày, cả ba di chuyển đến trước số nhà 266 Lê Đình Cẩn để bán tiếp.
Lúc này, tổ công tác của UBND phường Tân Tạo (do một Phó Chủ tịch UBND phường làm tổ trưởng) khi làm nhiệm vụ giám sát thực hiện giãn cách phòng chống dịch đã phát hiện ba cha con ông Vũ vi phạm Chỉ thị 16 nên lập biên bản vi phạm, tạm giữ xe lôi để xử lý. Tuy nhiên, ông Vũ không chấp hành và có thái độ chống đối tổ công tác.
Một lúc sau, Lê Văn Ca chạy xe máy đi ngang qua thấy anh trai và cháu mình đang xảy ra mâu thuẫn với tổ công tác nên lấy điện thoại quay video. Còn ông Vũ không chấp hành mệnh lệnh của tổ công tác, nổ máy xe lôi định rời đi nhưng bị Tổ công tác chặn lại. Thấy vậy, con trai ông Vũ liền kẹp cổ, quật ngã một cán bộ trật tự đô thị. Còn ông Vũ lấy nón bảo hiểm ném vào ông Nguyễn Thanh Bình (bảo vệ dân phố). Ông Ca cũng xông vào đánh ông Bình nhưng không trúng.
Riêng con gái ông Vũ được xác định có hành vi la lối, gây cản trở lực lượng chức năng thực thi công vụ. Sau đó, cả nhóm người bỏ lại chiếc xe lôi và bỏ đi.
Ngày 10/7, Công an quận Bình Tân đã mời 4 người trên đến trụ sở làm việc và đều tỏ ra ăn năn, hối lỗi.
Ông Vũ thừa nhận có nghe thông tin về việc TP HCM áp dụng giãn cách theo Chỉ thị 16 nhưng do thời gian dịch bệnh đã kéo dài, gia đình gặp khó khăn nên mới kéo xe lôi buôn bán rau củ.
Ông Vũ khai, “số hàng đi bán là do hôm trước đã mua lỡ, bán không hết tồn lại. Tiếc quá nên mấy cha con chở đi bán kiếm ít đóng tiền trọ cho chủ nhà. Lúc mấy anh cán bộ tới thì tôi đã biết sai rồi. Tôi xin mấy ảnh tha cho, tôi xin cam kết không bán nữa, cho tôi đưa xe về nhà nhưng không được”.
Ông Vũ và ông Ca đều cho biết đã nghe người dân nói về việc cấm bán hàng rong nhưng do mưu sinh nên không chấp hành. “Thời điểm mấy anh, mấy chú tới, tôi cũng xuống xe nhưng do sợ mất xe mới sắm nên tiếc, chống đối”- ông Vũ nói.
Người nghèo mưu sinh mùa dịch - có được thông cảm?
Phải khẳng định rằng, các quy định của pháp luật cần phải tuân thủ nghiêm, nhất là quy định về phòng dịch trong thời điểm hiện nay. Không thể lấy lý do về hoàn cảnh kinh tế để biện minh cho vi phạm.
Tuy nhiên, trong vụ việc cụ thể này, LS Trương Văn Tuấn (Đoàn LS TP HCM) nêu quan điểm: “Lời khai ban đầu cho thấy, ba cha con ông Vũ nhận thức rõ TP đang áp dụng giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ. Việc bán hàng ngoài đường, khắp nơi lúc này sẽ làm tăng nguy cơ mắc bệnh cho chính bản thân họ và xã hội. Tuy nhiên vì gia cảnh quá nghèo, vì cuộc sống mưu sinh nên cả 3 cha con vẫn bất chấp lao ra đường buôn bán mớ rau còn sót lại từ hôm 8/7 (thời điểm chưa áp dụng Chỉ thị 16) để kiếm thêm chút tiền lo cho cuộc sống.
Luật sư Trương Văn Tuấn |
Có thể hiểu, chiếc xe lôi chở rau là phương tiện mưu sinh của gia đình họ. Một khi bị giữ xe đồng nghĩa với việc phương tiện kiếm sống duy nhất này sẽ bị tịch thu (do xe tự chế). Lo sợ điều đó, họ có hành vi chống trả nhằm mục đích không bị tổ công tác bắt giữ, tịch thu phương tiện. đối chiếu quy định pháp luật thì những người này có dấu hiệu chống người thi hành công vụ”.
Tuy nhiên, theo LS Tuấn, trong trường hợp đặc biệt này cần xem xét nhiều khía cạnh và bên cạnh việc xử lý có tính chất răn đe, phòng ngừa vi phạm tương tự trong thời điểm dịch bệnh căng thẳng cũng nên có một sự thông cảm sâu sắc, cân nhắc giữa tình và lý. Đến thời điểm này, TP HCM đã thực hiện giãn cách lần thứ 4 (Chỉ thị 15, 10 và 16), với tổng thời gian 40 ngày (từ ngày 31/5). Như vậy, những người buôn bán tự do như cha con ông Vũ gặp rất nhiều khó khăn.
Về tính chất vụ việc, LS Tuấn cho rằng, “tất cả 4 người trong gia đình ông Vũ đều đã nhận thức rõ hành vi vi phạm pháp luật và thiết tha mong nhận được sự hành xử bao dung từ Tổ công tác. Hành vi chống người thi hành công vụ không nhằm gây thương tích cho những người đang thi hành công vụ mà chỉ nhằm mục đích tháo chạy vì sợ phương tiện kiếm sống duy nhất của gia đình bị tịch thu. Theo tôi, có thể áp dụng biện pháp xử phạt vi phạm hành chính (về hành vi vi phạm phòng chống dịch và hành vi chống người thi hành công vụ) trong vụ việc này sẽ là một giải pháp nhân văn, hợp tình hợp lý hơn trong bối cảnh đang có quá nhiều người nghèo phải chạy ăn từng bữa khi thành phố đang giãn cách toàn xã hội”.
Đưa ra lời khuyên cho người vi phạm, LS Tuấn nhấn mạnh “vụ việc là một bài học cho nhiều người vì không thể lấy lý do hoàn cảnh khó khăn để bất chấp quy định trong về phòng dịch. Trường hợp khi bị lực lượng chức năng lập biên bản, cần hết sức bình tĩnh và chấp hành yêu cầu chứ không nên manh động, hành xử vi phạm. Nếu khó khăn thực sự thì có thể trình bày, nhờ sự hỗ trợ, giúp đỡ.