Vỡ mộng làm ăn
Từ miền Nam, bà Bùi Ngọc Diễm (ngụ tại xã Phú Vinh, huyện Định Quán, Đồng Nai) tìm đến Tòa soạn Báo PLVN với một chồng đơn khiếu nại những bất thường của một vụ án dân sự.
Theo bà Diễm, năm 2003, để kinh doanh buôn bán tại Đồng Nai, bà Diễm ủy quyền cho ông Thượng Công Tài đứng tên và làm hợp đồng nhận chuyển nhượng của vợ chồng bà Nông Thị Khánh, ông Phùng Văn Ngọc 5.900m2 đất thuộc tờ bản đồ số 41 tại ấp 5, xã Phú Vinh, huyện Định Quán (đã được UBND huyện Định Quán cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho ông Ngọc, bà Khánh, trong đó có 300m2 đất nền thổ cư).
Ngày 29/6/2003, vợ chồng ông Ngọc, bà Khánh làm hợp đồng chuyển nhượng diện tích đất trên cho ông Tài với giá 198 triệu đồng. Khi đó, dưới sự ủy quyền của bà Diễm, ông Tài đã giao trước 30 triệu đồng cho ông Ngọc, bà Khánh và nhận đất sử dụng, xây dựng công trình kiên cố để ở và kinh doanh.
Số tiền còn lại hai bên thỏa thuận sẽ giao nhận sau khi hoàn tất thủ tục chuyển quyền cho ông Tài đứng tên và bên ông Ngọc, bà Khánh sẽ phải nộp thuế chuyển quyền sử dụng đất. Sau khi hoàn tất thủ tục trước sự xác nhận của Công an xã Phú Vinh và được vợ chồng ông Ngọc, bà Khánh giao chìa khóa, giao khu đất, được sự cho phép của UBND xã, bà Diễm đã bỏ ra hơn 2 tỷ đồng xây nhà, mở quán kinh doanh ca nhạc giải trí.
Sự việc bắt đầu phức tạp khi giấy tờ chuyển nhượng chưa hoàn thiện thì ngày 14/11/2003, bà Khánh đến UBND xã Phú Vinh yêu cầu địa chính xóa đi 300m2 đất thổ cư để chuyển thành 100% đất nông nghiệp. Do đã xây dựng nhà và khu kinh doanh nên bà Diễm nhờ chính quyền can thiệp không cho xóa 300m2 đất thổ cư.
“Tôi mua gồm có đất thổ cư, đã có nền nhà, chính quyền cũng biết mới cho tôi xây dựng nhà và khu kinh doanh trên 300m2 đất thổ cư đó. Nếu không làm sao tôi dám xây nhà cửa, hàng quán trên đất rẫy chứ” - bà Diễm bức xúc nói.
Bà Diễm cho biết: “Theo logic bình thường, không có ai đang yên lành lại đến chính quyền xin chuyển mảnh đất thổ cư của mình sang thành đất rẫy, đất nông nghiệp làm giảm giá trị của mảnh đất”. Một phép tính đơn giản, nếu vợ chồng ông Ngọc, bà Khánh xóa 300m2 đất thổ cư trên giấy chứng nhận quyền sử dụng đất thành đất nông nghiệp thì họ không phải đóng 18 triệu đồng tiền thuế đất cho 300m2 đó nữa.
Càng kêu oan, càng thiệt hại
Khi bà Diễm không đồng ý xóa 300m2 đất thổ cư, ngày 12/2/2004, vợ chồng ông Ngọc khởi kiện yêu cầu hủy hợp đồng chuyển nhượng đất ngày 29/6/2003 và buộc bà Diễm bồi thường thiệt hại với lý do bà Diễm và ông Tài không hợp tác để hoàn tất thủ tục chuyển nhượng.
Tại Bản án sơ thẩm ngày 27/9/2005, TAND huyện Định Quán đã bác yêu cầu xin hủy hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất của vợ chồng ông Ngọc, bà Khánh; yêu cầu bà Diễm thanh toán cho vợ chồng ông Ngọc, bà Khánh 254.545.243 đồng tiền chuyển nhượng giá trị quyền sử dụng đất.
Ngày 7/10/2005 bà Diễm kháng cáo, cho rằng Tòa buộc bà phải trả 254.545.243 đồng là không đúng bởi lỗi là do ông Ngọc, bà Khánh tự ý đề nghị UBND huyện xóa 300m2 đất nền thổ cư. Tại bản án phúc thẩm số 59/2006/DSPT ngày 17/3/2006, TAND tỉnh Đồng Nai đã sửa một phần bản án sơ phẩm về phần buộc bà Diễm phải thanh toán cho ông Ngọc, bà Khánh số tiền 305.460.000 đồng và giữ nguyên các quyết định khác của bản án sơ thẩm. (Tòa phúc thẩm xác định giá trị một mét chiều ngang là 30.000.000 đồng).
Không đồng ý, bà Diễm đã làm đơn đề nghị giám đốc thẩm. Tại Quyết định giám đốc thẩm số 59/2006/DS-GĐT ngày 19/3/2006, TANDTC đã hủy Bản án dân sự phúc thẩm số 59/2006/DSST, giao hồ sơ cho TAND tỉnh Đồng Nai xét xử phúc thẩm lại. Ngày 21/4/2009, TAND tỉnh Đồng Nai xét xử phúc thẩm lại và ra Bản án dân sự phúc thẩm số 91/2009/DSPT buộc bà Diễm trả cho ông Ngọc, bà Khánh 1.592.108.430 đồng.
Như vậy, theo thời gian thì số tiền TAND tỉnh Đồng Nai buộc bà Diễm phải trả cho ông Ngọc, bà Khánh ngày càng cao hơn so với bản án trước đó. Tính ra, số tiền bà Diễm trả năm 2009 cho ông Ngọc, bà Khánh cao gấp 5 lần so với năm 2006 và gần 7 lần so với năm 2005.
Bà Diễm nói trong nước mắt: “Thật oan uổng, bất công khi mà một người càng làm đơn khiếu nại để đòi sự công bằng, đúng pháp luật thì càng bị pháp luật làm thiệt hại nặng nề hơn khi chưa khiếu nại hàng chục lần”.
Nhiều dấu hiệu bất thường trong Bản án phúc thẩm
Theo một số luật gia, Bản án phúc thẩm số 91/2009/DSPT ngày 21/4/2009 đã vi phạm nghiêm trọng tố tụng. Bản án số 91 đã công nhận hợp đồng thì phải giải quyết theo hướng công nhận hợp đồng nên bà Diễm chỉ phải trả số tiền còn thiếu cho bên bán hoặc bà Diễm chỉ trả số tiền cộng với lãi chậm trả theo quy định của pháp luật. Nhưng TAND tỉnh Đồng Nai lại giải quyết theo đường lối hủy hợp đồng, không xem xét, xác định lỗi của các bên, buộc bà Diễm chịu toàn bộ chênh lệch giá là sai lầm nghiêm trọng. Thêm nữa, ông Ngọc, bà Khánh đồng tình với Bản án phúc thẩm của TAND tỉnh Đồng Nai buộc bà Diễm phải trả số tiền 305.460.000 đồng; trong khi bà Diễm là người khiếu nại mà Bản án phúc thẩm số 91 lại buộc bà Diễm phải trả cho ông Ngọc, bà Khánh số tiền lên tới 1.592.108.430 đồng là điều vô lý.