Đó là thông tin được ông Lê Cao Thắng - Phó trưởng ban, phụ trách Ban Tuyên giáo, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam (LĐLĐ) thông tin tại Hội nghị giao ban báo chí quý IV/2019 và Gặp mặt báo chí đầu Xuân, ngày 7/1.
Đánh giá về tình hình chung, ông Thắng cho biết, năm 2019, thu nhập bình quân của công nhân, viên chức, lao động tăng hơn 17% so với cùng kỳ năm 2018 do điều chỉnh mức lương tối thiểu vùng và mức lương cơ sở.
Để đạt được kết quả này một phần là nhờ công đoàn cơ sở tại doanh nghiệp từng bước phát huy vai trò đại diện NLĐ trong đối thoại, thương lượng, ký kết thoả ước lao động tập thể; chú trọng nắm bắt tình hình, trao đổi thông tin, giải quyết kịp thời những khó khăn, vướng mắc, những kiến nghị, đề xuất của NLĐ ngay trước và khi ngừng việc tập thể xảy ra, nhất là các vụ việc có diễn biến phức tạp, kéo dài.
“Tuy nhiên, số doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh có thời hạn, ngừng hoạt động, giải thể vẫn ở mức cao. Tình trạng doanh nghiệp đột ngột cắt giảm lao động, doanh nghiệp có chủ bỏ trốn vẫn diễn ra ở một số địa phương”, ông Thắng nói.
Ngoài ra, tình trạng nợ lương, trốn đóng, nợ đọng, chiếm dụng tiền BHXH, bảo hiểm y tế vẫn diễn ra ở nhiều doanh nghiệp. Hoạt động vay nợ, vay nóng từ các tổ chức tín dụng tư nhân với lãi suất cao qua trấn áp có xu hướng giảm nhưng lại xuất hiện những hình thức mới, tinh vi hơn. Phản ánh của LĐLĐ nhiều địa phương cho thấy, hiện tượng cho vay, cầm cố, mua lại sổ BHXH của NLĐ có chiều hướng gia tăng, dẫn đến nhiều hệ lụy.
Về mức thưởng Tết 2020 cho NLĐ, theo ông Lê Đình Quảng, Phó Trưởng Ban Quan hệ lao động, Tổng LĐLĐ Việt Nam, hầu hết các doanh nghiệp đều có mức thưởng Tết trung bình một tháng lương cho NLĐ.