Đã tham vấn ý kiến giới khoa học
Thưa ông, Cục Bảo vệ thực vật dựa vào cơ sở nào để đề xuất việc tạm ngưng nhập khẩu lúa mì nhiễm cỏ kế đồng?
- Việc yêu cầu tái xuất và đề xuất ngưng nhập khẩu lúa mì nhiễm cỏ kế đồng, Cục Bảo vệ thực vật đã tiến hành hết sức thận trọng trước khi có quyết định. Cục đã xin ý kiến các nhà khoa học, các cơ quan hữu quan và giới chuyên môn về vấn đề này. Sau đó, Cục đã có văn bản gửi các nước xuất khẩu nông sản sang Việt Nam như Mỹ, Nga... và nhận được phản hồi tích cực. Các nước đều tôn trọng quyết định của Việt Nam và thống nhất với đề xuất này.
Có thể nói, mặc dù cỏ kế đồng chưa xuất hiện ở nước ta nhưng tác hại của loại cỏ này rất lớn. Khi sinh trưởng, cỏ cao đến gần 1m, rễ lan tỏa ra xung quanh gần 6m, hút hết dinh dưỡng của các cây xung quanh và sống rất dai. Thuốc bảo vệ thực vật chỉ làm chết lá, chỉ cần còn rễ là cỏ này lại sinh trưởng bình thường. Trên thế giới đã ghi nhận tại nhiều quốc gia, cỏ kế đồng gây ra tác hại lớn đối với sản xuất nông nghiệp. Chính vì vậy, Cục Bảo vệ thực vật cho rằng cần ngăn chặn triệt để để bảo vệ sản xuất nông nghiệp trong nước.
Vào tháng 5/2018, Cục đã phát hiện cỏ kế đồng trong lúa mì nhập khẩu và đã có thông báo cụ thể tới các nước, các doanh nghiệp (DN) nhập khẩu lúa mì để đáp ứng nhu cầu và quy định của nước ta. Các DN cần cân đối nguồn cung, thương lượng về giá cả để hạn chế tối đa việc nhập khẩu các lô hàng có nhiễm cỏ kế đồng.
Kế đến, tháng 9/2018, các đơn vị kiểm dịch thực vật tại Hải Phòng, TP. HCM có thông báo tới các DN nhập khẩu. Ngày 1/11/2018, Cục Bảo vệ thực vật quy đinh, các lô hàng nhiễm cỏ kế đồng không chỉ ở lúa mì mà các sản phẩm nông sản nhập khẩu khác đều phải tái xuất. Điều này không chỉ bảo vệ sản xuất trong nước, ngành nông nghiệp mà còn hàng chục triệu nông dân.
Ông Lê Sơn Hà: “Ở Mỹ, chỉ cần xét nghiệm có 3 hạt cỏ/mẫu kiểm chứng là họ đã yêu cầu tái xuất” |
Cần đặt lợi ích quốc gia lên trên hết!
Vậy giải pháp cho các DN nhập khẩu lúa mì ra sao, thưa ông?
- Quy định tái xuất đối với các lô hàng có nhiễm cỏ kế đồng nhưng đối với các lô hàng không nhiễm cỏ kế đồng, việc nhập khẩu vẫn tiến hành bình thường. Hiện, chúng tôi mới phát hiện khoảng 1,6 triệu tấn lúa mì nhập khẩu có nhiễm cỏ kế đồng - chiếm khoảng 30% sản lượng nhập khẩu.
Hơn nữa, chúng ta không thiếu nguồn cung về nhập khẩu lúa mì, ngoài thị trường Úc, Mỹ hay Nga thì các quốc gia như Bazil, Kazactan...đều có thể đáp ứng. Ngoài ra, nhập khẩu bột mì đã qua xay xát không có hạt cỏ cũng là một giải pháp cho DN. Chẳng hạn Úc là thị trường truyền thống và không có hạt cỏ kế đồng, mặc dù giá thành cao hơn các nước khác nhưng DN cần thương lượng về giá, cần chuyển nguồn cung để đảm bảo hoạt động.
Ông đánh giá như thế nào về việc DN cho rằng “Cục Bảo vệ không quản được thì cấm”?
- Là cơ quan quản lý nhà nước trực tiếp liên quan đến bảo vệ thực vật, chúng tôi đã phải làm việc với cường độ lớn, huy động nhân lực cho hai địa phương Hải Phòng và TP HCM để tăng cường giám sát, kiểm soát các lô hàng nông sản nhập khẩu.
Để đưa ra quyết định tái xuất, chúng tôi đã phải cẩn trọng và tỉ mỉ. DN nhập khẩu lúa mì nêu ý kiến như vậy nhưng các DN cần phải đặt lợi ích quốc gia và tương lai ngành Nông nghiệp lên trên hết.
Căn cứ vào Luật Bảo vệ và Kiểm dịch thực vật 2013, Cục Bảo vệ thực vật có thẩm quyền yêu cầu tái xuất đối với các mặt hàng có nhiễm đối tượng kiểm dịch thực vật của Việt Nam. Cục đã làm đúng thẩm quyền và quy định. Việc tạm ngưng nhập khẩu thuộc thẩm quyền của Bộ trưởng Bộ NN&PTNN.
Chúng ta có thế mạnh về xuất khẩu nông sản nhưng bài học về con ốc bươu vàng khiến nhiều năm ngành Nông nghiệp điêu đứng vẫn còn đó. DN nhập khẩu lúa mì không phải không có giải pháp, như có thể giảm một phần lợi nhuận để ngăn chặn triệt để việc cỏ kế đồng xuất hiện tại Việt Nam.
Để so sánh, tôi lấy dẫn chứng ở Mỹ - nhiều bang của quốc gia này chỉ cần xét nghiệm có 3 hạt cỏ/mẫu kiểm chứng là họ đã yêu cầu tái xuất, thậm chí không nhập khẩu hàng có nhiễm cỏ kế đồng. Chính vì vậy, DN trong nước không chỉ chủ động mà còn phải đoàn kết, nói không với hàng nông sản nhập khẩu có cỏ kế đồng.
Xin cảm ông!