[links()] Không thuận lòng vì chàng rể tật nguyền hai chân, không thể kiếm ra tiền nuôi sống vợ con nên ông Nguyễn Văn Quang (58 tuổi, ngụ ấp An Phú 2, xã An Hòa Tây, huyện Ba Tri, tỉnh Bến Tre) đã không chỉ luôn miệng sỉ nhục chàng rể là “súc vật” mà còn lập kế hoạch sát hại để con gái mình “rảnh nợ” lấy chồng khác.
Tuy thoát khỏi tử thần nhưng giờ đây cả vợ chồng cô con gái đều không còn khả năng lao động do những nhát dao từ cha mình, còn ông Quang cũng luôn tìm mọi cách để tự tử trốn tội. Vậy là khó khăn càng chất chồng khó khăn sau phút quẫn trí.
Anh Thi trên với vết thương do cha vợ gây ra |
“Ngứa mắt” với chàng rể tật nguyền
Tìm về nơi xảy ra sự việc, vừa nhìn thấy người lạ, ông Quang bỗng co người lại, lo sợ đến dè dặt, chân tay run cầm cập. Chị Nguyễn Thị Giang (SN 1989, con gái ông Quang) xúc động tâm sự: “Tôi là vợ của nạn nhân, chắc cha tôi tưởng anh là công an đến bắt nên ổng sợ vậy đó. Sau cái bữa đó, ổng yếu luôn, đi đứng cũng không nổi nữa. Sáng này tôi cùng chồng đi tái khám xong là tôi ghé về đây thăm cha mình xem sức khỏe như thế nào. Ổng làm bậy thiệt nhưng dù gì cũng là cha mình, tôi không thể từ bỏ được. Còn chồng tôi thì được mẹ chồng đưa về bên nhà nội để tiện bề chăm sóc”.
Nới lỏng cánh tay phải đang bị bó bột chặt kín, chị Giang chợt có một nụ cười khi nhớ về mối tình đẹp của vợ chồng mình. Chồng chị tên là Ngô Văn Thi (SN 1984), từ nhỏ vốn vẫn là một đứa trẻ lanh lợi bình thường. Song một cơn sốt bại liệt vào năm 5 tuổi đã cướp đi khả năng đi lại của anh, hai chân teo lại, đi đâu củng phải có người ẵm bồng.
Đầu năm 2007, Thi cùng một số người bạn đến ấp An Phú 2 học nhạc và tình cờ quen biết được Giang. Tuy nhan sắc không mấy mặn mà nhưng với bản tính vui vẻ, chịu thương chịu khó nên Thi đã đem lòng yêu mến Giang. Được sự quan tâm chu đáo, yêu thương hết mực của Thi nên Giang cũng nhanh chóng có tình cảm với chàng trai không may mắn này.
Chị Giang tâm sự: “Ảnh nói chưa có cô gái nào dám cõng anh đi khắp nơi như vậy vì ai cũng ngại để cho cả thiên hạ biết mình có người yêu không thể đi lại. Còn tôi thì không ngại chuyện đó nên ảnh thương tôi lắm. Rồi tôi cũng thưowng ảnh lúc nào không hay. Nửa năm sau, anh về nhà xin hỏi cưới tôi nhưng khi nhìn thấy anh như vậy, cha tôi dứt khoát không đồng ý”.
Cha vợ tương lai khi đó nói như sau với con gái: “Nó bị tật như vậy rồi sao làm ăn được gì để nuôi vợ con, rồi mày sẽ khổ thôi. Muốn tao gả mày cho nó thì đợi bà nội mày sống dậy đi tính”. “Nghe vậy tôi buồn lắm vì tôi thương ảnh thật lòng. Tôi suy sụp tinh thần, không ăn uống được gì. Thấy vậy mẹ tôi mới nói vào rồi cuối cùng cha tôi cũng đồng ý”, chị Giang chia sẻ thêm.
Sau khi cưới vợ, Thi cũng cố gắng mở một tiệm sửa chữa điện tử để cho cha vợ yên tâm. Thời gian đầu, nghề rất thịnh và thu nhập của vợ chồng Thi cũng khá ổn. Ngày nào cũng vậy, Giang đều cõng chồng trên con đường đê nhỏ, băng qua những cánh đồng muối trắng xóa đến nơi làm việc. Đến khi có thai đến cả 8 tháng, Giang vẫn đảm nhận công việc này, trước bụng cõng con, sau lưng cõng chồng. Có những khi đường mưa trơn trượt làm Giang cõng chồng té xuống đất, động đến thai nhi nhưng Giang vẫn chưa bao giờ mở miệng nửa lời than trách.
Thương vợ đảm đang trong khi mình lại bại liệt như vậy, người chồng vô cùng mặc cảm. Giang nghẹn ngào chia sẻ: “Có hôm đang ngủ giật mình dậy, tôi thấy chồng mình ngồi khóc. Hỏi ra mới biết ảnh nằm mơ thấy tôi bỏ đi lấy chồng khác làm ảnh rất sợ. Rồi ảnh ôm tôi vào lòng, càng làm tôi thương ảnh hơn, dù có thế nào tôi cũng không bao giờ bỏ ảnh đi cả”.
Người con gái thuật lại sự việc |
Cả nhà nhập viện
Thời đại công nghệ ngày càng phát triển, nghề sửa điện tử của chàng rể dần dần bị mai một, có khi cả mấy tháng trời nhưng thu nhập chưa được 1 triệu đồng, không thấm vào đâu với số tiền thuê mặt bằng mỗi tháng. Vợ chồng anh đành giải nghệ, dọn về nhà vợ cất một căn nhà nhỏ sống tạm qua ngày. Để có tiền trang trải chi phí trong nhà, Giang đành phải đi chất gạch cho một cơ sở vật liệu xây dựng với mức lương 70 ngàn mỗi ngày. Biết vợ cực khổ nên bao nhiêu đồ ăn ngon, Thi đều ăn chút ít rồi giả bộ nói no để dành phần lại cho vợ ăn nhiều hơn.
Thời gian này, người cha vợ đã hiểu ra chuyện nên yêu thương chàng rể tật nguyền hơn, bao nhiêu chuyện vui, chuyện buồn ông đều chia sẻ với Thi. Song sau cơn tai biến đột ngột vào tháng 7/2011, ông trở nên cộc cằn với mọi người và trở lại hiềm khích với con rể như xưa.
Chị Giang rưng rưng nước mắt: “Cha tôi hay chửi anh Thi lắm, nói anh Thi là đồ bất tài, vô dụng, làm khổ vợ con. Ổng còn nói anh Thi không phải con người, con người ai cũng đi lại bình thường, còn anh Thi thì không, anh Thi là súc vật. Nghe vậy, anh Thi buồn lắm nhưng ảnh không dám nói gì vì sợ gia đình bất hòa. Cha tôi hăm mấy lần rồi, ổng sẽ canh lúc tôi đi làm rồi nhốt anh Thi ở trong nhà rồi thiêu chết, để tôi khỏe, lấy chồng mới sống sung sướng hơn”.
Tưởng rằng ông Quang ghét nên nói vậy thôi nhưng không ngờ, 3 giờ sáng ngày 6/4/2012, ông Quang dùng con dao cắt đứt dây buộc cửa rồi lẻn vào nhà Thi. Thấy vợ chồng con rể và đứa con gái đang say giấc, người cha vợ nhẹ nhàng cắt đứt dây mùng để quá trình sát hại diễn ra dễ dàng. Nghe có tiếng sột soạt, người con rể choàng thức giấc, chưa kịp hỏi chuyện đã bị cha vợ chém mấy nhát vào đầu và tay. Quá sợ hãi, Thi kéo vội cái mền che mình lại rồi kêu cứu vợ.
Lúc này, Giang ngủ kế bên nghe vậy liền hoảng hốt ôm lấy chồng thì nhận lấy một nhát dao chém thẳng vào tay. Tiếng la hét của vợ chồng Giang làm mọi người trong xóm thức giấc, liền chạy qua giúp đỡ, tước lấy con dao của ông Quang rồi tức tốc đưa hai nạn nhân đi bệnh viện. Quá tức tối vì chưa thể giết chết chàng rể và sợ bị bắt bỏ tù, ông Quang rút trong người ra một con dao nhỏ rồi bắt đầu rạch liên tiếp vào người mình. Do máu mất máu quá nhiều nên ông Quang ngất xỉu cũng được đưa gấp đến bệnh viện.
“Thương nhau như thế bằng mười hại nhau”
Thi bị cha vợ chém lõm sọ, hở thái dương đỉnh trái và gãy một ngón tay. Được sự cấp cứu kịp thời của các bác sĩ, chàng rể đã qua cơn nguy kịch. Chị Giang nghẹn ngào nhớ lại: “Sau khi phẫu thuật xong, bác sĩ nói máu bầm còn tụ trong não, nếu hôm sau vẫn không ra hết thì bắt buộc phải chuyển lên Sài Gòn liền. Anh biết ở nhà mẹ tôi phải vay mượn tiền khắp nơi mới đủ trả tiền viện phí, nên nghe bác sĩ nói vậy, tối bữa đó anh ráng khạc bằng mũi. Mặc dù khạc như vậy đầu rất đau nhưng anh vẫn cố gắng khạc máu bầm ra hết để khỏi chuyển lên Sài Gòn, sẽ tốn tiền hơn”.
“Tối hôm nằm bệnh viện, ảnh nằm mơ thấy cha tôi chém ảnh, làm ảnh hoảng hốt, la um sùm. Ảnh phải nhờ thằng em trai lên canh cho ảnh ngủ, chứ không thôi ảnh sợ cha tôi sẽ lên kiếm giết nữa. Ảnh nói sẽ không bao giờ tha thứ lỗi lầm mà cha tôi đã gây ra nhưng cũng sẽ làm mọi cách để người ta không bắt bỏ tù cha vợ, vì dù gì cũng người một nhà. Bây giờ ảnh đã xuất viện và vết thương cũng dần hồi phục rồi nhưng mỗi lần nhắc đến cha vợ là ảnh lại nhức đầu”, người vợ nạn nhân tâm sự thêm.
Về phần ông Quang sau lần tự tử không thành, đều trốn ru rú trong nhà, không dám đi đâu vì sợ công an bắt. Vợ ông sau khi mượn tiền lo viện phí cũng không dám đi làm ở đâu, chỉ dám nhận hạt điều về tách để ở nhà trông chừng ông Quang. Tuy nhiên, có một hôm khoảng 3 giờ sáng, canh lúc vợ ngủ say, ông lén ra sau nhà thắt dây treo cổ tự tử, cũng may có người phát hiện và ngăn chặn kịp thời.
“Dù biết là cha mình đáng trách thật nhưng ổng cũng chỉ muốn tốt cho tôi, không ngờ lại hại cả nhà khốn đốn như thế này. Bác sĩ nói vết thương của tôi phải nửa năm mới có thể bình phục và làm việc được nhưng tôi là lao động chính trong nhà, không làm thì lấy gì ăn. Còn phải dành dụm tiền cho đứa con đi học nữa. Hồi sáng tôi hỏi nó có muốn về thăm ông ngoại không, nó nói nó không dám về, sợ ông ngoại chém”, chị Giang tâm sự mà nước mắt chảy không ngừng.
Di Tôn