Ngày 26/10, trước thông tin bão số 6 (bão Trà Mi) đang di chuyển nhanh hướng về các tỉnh miền Trung, các ngư dân Đà Nẵng khẩn trương cho tàu thuyền vào âu thuyền Thọ Quang neo đậu, chuẩn bị phương án tránh bão an toàn.
Ghi nhận của PV tại âu thuyền Thọ Quang vào ngày 26/10, dưới cơn mưa lớn, nhiều ngư dân đã thuê xe tải cẩu để đưa thuyền đánh cá lên bờ, sẵn sàng ứng phó khi bão Trà Mi áp sát đất liền TP Đà Nẵng. Còn số tàu, thuyền công suất nhỏ được ngư dân gia cố, neo đậu tại âu thuyền Thọ Quang để giảm chi phí vận chuyển.
Nhiều ngư dân cho biết, việc đưa tàu thuyền lên bờ là cần thiết nhằm đảm bảo an toàn tài sản, tránh những thiệt hại không đáng có khi bão đổ bộ.
Ngư dân Trần Văn Ánh (trú quận Sơn Trà) cho hay, dù đã có nhiều năm kinh nghiệm đối phó với bão, anh vẫn không chủ quan. “Cơn bão Trà Mi có diễn biến phức tạp nên không thể lơ là. Trước đó, chúng tôi đã đưa tàu vào bờ để neo đậu an toàn, nhưng vẫn không yên tâm nên thuê xe cẩu đưa lên bờ để cho chắc ăn,” anh Ánh nói.
Đang cùng con trai gia cố thuyền cá, neo đậu vào vị trí an toàn ở âu thuyền Thọ Quang, ngư dân Hà Đình Duy (trú quận Sơn Trà), cho biết, để giảm thiểu nguy cơ hư hỏng, đảm bảo an toàn cho tài sản khi bão đổ bộ gia đình ông Duy đã chi tiền thuê xe tải cẩu để đưa 1 chiếc thuyền đánh cá lên bờ. Chiếc thuyền đánh cá còn lại ông Duy neo đậu chắc chắn vào vị trí an toàn ở âu thuyền.
“Để giảm chi phí thuê xe cẩu tải đưa thuyền lên bờ, cha con tôi gia cố thuyền và neo đậu 1 chiếc dưới mặt nước. Hy vọng bão số 6 sẽ suy yếu khi vào bờ để giảm thiểu thiệt hại”, ông Duy nói.
Trong thời gian chưa đầy 1 tháng, ngư dân ở TP Đà Nẵng đã 2 lần thuê xe cẩu đưa tàu, thuyền lên bờ tránh bão. Chi phí thuê xe cẩu chuyển tàu thuyền lên bờ tùy thuộc vào kích cỡ, dao động từ 300.000 - 500.000 đồng/lượt. Nhiều chủ tàu tốn kém chi phí gần 5 triệu đồng để đưa hết tàu mình lên bờ.
Trước đó, Bộ Chỉ huy Bộ đội biên phòng TP.Đà Nẵng đã họp triển khai nhanh các phương án phòng chống bão số 6, đặc biệt là đảm bảo thông tin liên lạc để kêu gọi tàu thuyền đang hoạt động trên biển nhanh chóng tìm nơi trú tránh.
Theo thông tin từ Bộ Chỉ huy Bộ đội biên phòng TP Đà Nẵng, hiện nay tổng số phương tiện của Đà Nẵng là 1.159 phương tiện/8.316 lao động. Trong đó, số phương tiện neo đậu tại bến là 1.155 phương tiện/8.276 lao động; số phương tiện đang hoạt động trên biển là 4 phương tiện/40 lao động.
Cụ thể, Khu vực Bắc Vịnh Bắc bộ là 2 phương tiện/20 lao động và Nam Vịnh Bắc bộ là 2 phương tiện/20 lao động. Tất cả các phương tiện hoạt động trên biển đều đã biết được vị trí, hướng di chuyển của bão để tìm nơi trú tránh.
Bộ Chỉ huy Bộ đội biên phòng thành phố ban hành lệnh cấm biển, nghiêm cấm tàu thuyền ra khơi từ 16 giờ chiều 25/10; tiếp tục kiểm đếm, quản lý chặt chẽ và giữ thông tin liên lạc với các tàu thuyền còn đang hoạt động trên biển.
Đại tá Trần Công Thành, Chỉ huy trưởng Bộ đội biên phòng TP Đà Nẵng cho biết, hiện nay đơn vị tiếp tục duy trì thông tin liên lạc với tàu thuyền đang ở trên biển, đồng thời chỉ đạo cho các đồn biên phòng phối hợp với gia đình, chủ phương tiện thông báo vị trí, hướng di chuyển của bão để kịp thời tìm nơi trú tránh.