Còn hai ngày nữa là đến Tết Đoan Ngọ hay “chít ngau ngụt” theo cách gọi của người Cao Lan, đây là thời điểm mùa hạ với khí trời oi bức, các dịch bệnh hay phát sinh, côn trùng sâu bọ đua nhau sinh sôi nảy nở phá hoại mùa màng và gây hại cho người dân. Có lẽ vì vậy mà Tết Đoan Ngọ còn có một tên gọi khác là Tết diệt sâu bọ.
Kỳ công cho một chiếc bánh gio
Tôi tìm về một miền quê vùng trung du và miền núi Bắc Bộ, nơi có phần đông người dân tộc Cao Lan sinh sống thuộc xã Quang Yên, huyện Sông Lô, tỉnh Vĩnh Phúc. Đó là một ngày hè tháng 5 dưới cái nắng nóng rát da, lại là lúc bà con nơi đây vào mùa.
Ngoài đường thoang thoảng mùi rơm mới rất dễ chịu, đi theo con đường bê tông mòn, tôi tìm đến nhà bà Phạm Thị Luyến, một gia đình người Cao Lan để tìm hiểu về món bánh gio mỗi dịp Tết Đoan Ngọ.
Tới nhà bà Luyến, hình ảnh đầu tiên khiến tôi không thể không để ý, những nia vỏ hoa quả xếp sát nhau khắp sân nhà. Nào là vỏ bưởi, vỏ cam, vỏ chuối,… hầu như là tất cả những món hoa quả tự nhiên của gia đình được phơi sạch sẽ trong những nong, những sàng lớn thật cẩn thận. Về sau mới biết đây một trong những thứ không thể thiếu khi làm món bánh gio của người Cao Lan.
“Tết mùng 5/5 sao có thể thiếu bánh gio, nhất là trong mâm cúng của người Sán Chay. Bánh có tác dụng thanh nhiệt lợi tiểu, quá tốt cho mùa nóng này ” – bà Luyến cho biết.
Nguyên liệu để làm bánh là những nguyên liệu dễ tìm gần gũi với bà con như gạo nếp, nước gio và lá chít. Nhưng theo bà Luyến thì làm loại bánh này rất kỳ công, từ chọn gạo, chọn lá gói bánh, rồi tìm vỏ hoa quả đốt làm tro sao cho bánh dậy mùi.
Bà quay sang vỗ vai tôi, rồi chỉ tay về phía những nia vỏ: “Đấy cô xem kia là vỏ hoa quả tôi để dành từ Tết Đoan Ngọ năm ngoái. Hoa quả ăn xong cứ vứt lên gác bếp cho khô, khi dùng mới mang ra rửa sạch bồ hóng rồi mang phơi lại. Sắp tới là đến Tết 5/5 rồi tôi mang đi phơi, chiều khô mới mang đi đốt lấy tro. Sau đó sẽ mang đi lọc lấy nước gio mang ngâm gạo”.
Để có một chiếc bánh bóng bẩy, mềm dẻo thì thứ gạo nếp phải là thứ nếp nương, mười hạt như cả mười. Gạo được nhặt hết hạt đen hạt kẹ, đãi sạch, vì bánh này không cần nhân nên chỉ cần chuẩn bị gạo là xong. Còn muốn có chiếc bánh màu hổ phách bắt mắt và dậy mùi thì cần nhiều nước tro, điều đặc biệt hơn được bà Luyến bật mí rằng loại vỏ hoa quả càng đa dạng thì khi mang đi ngâm với gạo sẽ cho ra chiếc bánh có mùi vị đặc biệt ngon.
Tôi được bà Luyến dẫn đi lấy lá chít để chuẩn bị gói bánh, bà Luyến cho biết: “Ngày xưa lá chít nhiều lắm, giờ trong xóm chỉ còn một hai nhà còn thôi nên phải đi lấy sớm được lá đẹp, lá tốt, gói bánh mới ngon”. Lá chít đem về sẽ luộc thật kỹ và thay nước nhiều lần cho phai hết chất diệp lục. Mỗi chiếc bánh gio chỉ cần dùng 2 hoặc 3 chiếc lá chít.
Người Cao Lan có một dụng cụ riêng để làm chiếc bánh gio, đó là một chiếc ống nứa hình trụ to gần bằng cổ tay trẻ con 7-8 tuổi với một đầu cắt tròn và một đầu cắt vót để đơm gạo vào. Ban đầu là công đoạn xếp lá rồi bọc quanh ống nứa, rồi bẻ một đầu lá kín lại dựng đứng ống nứa lên múc gạo đổ vào, bà Luyến dùng một cái đũa cả dài hơn cái ống nứa để nhồi gạo cho chắc chiếc bánh.
Nhìn đôi tay bà vừa đổ gạo vừa dùng đũa nén gạo, thật điêu luyện, tôi nói nhìn bà làm bánh mà như một nghệ sỹ đang kéo đàn vậy. Thấy tôi khen bà cười nói: “Làm mãi nên quen rồi, làm bánh này phải khéo léo từng bước, nhất là nhồi gạo, nếu không nén kỹ bánh sẽ rời rạc và không thành bánh”.
Cuối cùng khi đã nhồi bánh xong tôi được làm công đoạn đơn giản nhất đó là dùng lạt mềm buộc chặt bánh thành 3-4 đoạn với nhau. Mỗi cái bánh gio chỉ dài khoảng hai gang tay với đường kính chỉ nhỉnh hơn quả chuối tiêu nên sẽ phải luộc lâu hơn so với nhiều loại bánh gio ở nơi khác.
Khi bánh đã rền thì bắc ra để nguội bóc cắt ra từng khoanh, nhìn thấu qua trong suốt màu sáp ong đã thấy ngon, đem chấm cùng mật càng hấp dẫn. Ruột bánh trong suốt, không mùi vị, vẫn còn nhìn thấy lơ mơ hình những hạt gạo đã biến hình. Nó là gạo nếp nhưng không phải còn rõ ràng như bánh chưng, mà cũng không là một khối bột chín như ruột bánh xu xê, hay bánh giò.
Bóc hết lớp lá chít chiếc bánh như một nghệ sỹ múa thực hiện động tác uốn dẻo, mà không gãy đôi, mùi bánh nồng nồng, hăng hăng, nhưng khi nếm thử lại thấy ngon lạ lùng, ngọt dịu thanh mát nơi đầu lưỡi. Mặc dù làm bằng gạo nếp nhưng bánh gio có thể ăn no mà không thấy ngán.
Bánh gio, loại bánh “diệt sâu bọ” của người Cao Lan
Bánh gio là loại bánh giản dị, nhưng đậm chất dân tộc mang hương vị quê hương của người Cao Lan. Theo lời kể của bà Luyến thì vào ngày 5/5 sau khi bánh được mang đi cúng xong, vỏ của cái bánh đầu tiên sẽ được treo trước cửa bếp với quan niệm sẽ diệt được kiến và một số loại côn trùng vào nhà. Chính vì thế nên bánh gio khi luộc xong phải được chủ nhà cho phép thì mới được bóc và dùng bánh.
Ngày nay, nhiều nơi cũng làm bánh gio như một món quà quê dân dã, nhưng để thưởng thức một chiếc bánh gio ngon dẻo thơm, bắt mắt ngay từ cái nhìn đầu tiên với màu vàng óng, trong như hổ phách thì bánh gio của người Cao Lan là một gợi ý tuyệt vời. Tuy nhiên theo đà phát triển của xã hội, nhiều phong tục trong các dịp lễ tết có những nơi bị lược bỏ tương đối nhiều, một phần là do nó không còn phù hợp với xã hội ngày nay.
Tuy nhiên trong dịp Tết Đoan Ngọ, người dân tộc Cao Lan nói chung và gia đình bà Luyến nói riêng vẫn giữ gìn được hầu hết các phong tục đặc sắc của dân tộc mình, trong đó có việc làm những chiếc bánh gio theo phương pháp truyền thống, như một lời khẳng định với tiền nhân về ý thức gìn giữ mọi sự đa dạng đặc sắc của dân tộc.