[links()]Khi Tổng Biên tập Báo Pháp luật Việt Nam, TS Đào Văn Hội vừa nhắc đội ngũ chỉnh tề, Đoàn công tác 10 người trang nghiêm hướng tâm về Đài tưởng niệm, bát nhang bỗng bùng lên rừng rực trong mưa tầm tã. Như thể trong cõi thinh không, các anh hùng liệt sĩ hiện về chứng cho lòng thành của chúng tôi, như thể ngọn lửa tuổi hai mươi nơi trái tim bao lớp trai quên máu xương vì Tổ quốc vượt trầm tích thời gian bừng lên dẫn đường…
Đoàn Báo Pháp luật Việt Nam do TS Đào Văn Hội dẫn đầu dâng hương tại Thành cổ Quảng Trị |
Trời mưa nặng hạt vẫn không ngăn được dòng người khắp cả nước đổ về Thành cổ Quảng Trị. Năm nay, Quảng Trị mưa sớm hơn, nước trời làm cho cây cỏ thêm phần xanh tươi như tô thêm màu xanh áo lính nơi trận địa mà các anh đã khoác lên mình năm nào.
Thành cổ vẫn thế. Vẫn núm đất bao bọc các anh, vẫn từng đoàn người đến rồi đi trong sự trang nghiêm, thành kính khôn cùng. Nơi ấy, mỗi nhánh cây, ngọn cỏ, mỗi nắm đất đều là di vật của chiến tranh. Khúc trường ca Thành cổ không bao giờ dứt, tiếp nối và cất lên trong tâm thức những người con đất Việt trước những hy sinh lớn lao của các anh hùng liệt sĩ nơi chiến trường năm xưa.
Trên một vạn ngôi mộ tại Nghĩa trang Đường 9, có những nấm bia mộ chỉ với dòng chữ đơn sơ “liệt sĩ chưa biết tên”. Không có thông tin về nhân thân, quê quán, nhưng từng đoàn người đã đến và kính cẩn nghiêng mình dâng nén hương thơm, ghi nhớ sức sống tuổi đôi mươi của các anh hùng liệt sĩ vẫn trường tồn mãi mãi. Không ai được phép lãng quên, ở mảnh đất anh hùng ấy, sự tri ân cứ thế tiếp diễn không bao giờ ngơi nghỉ.
Bát hương bùng lên ngọn lửa linh thiêng... |
Ở tuổi 17, anh Nguyễn Bá Thanh khoác trên mình màu xanh áo lính. Sinh năm 1950, đến tháng 7/1967 anh chính thức nhập ngũ. Sức trai ra chiến trường, người lính trẻ xông pha mưa bom, bão đạn để rồi ngã xuống đất Mẹ trong một trận chiến ác liệt với quân thù khi ở tuổi 21.
Nghĩa trang Đường 9 hôm 20/7 đón bước chân của 6 thành viên trong một gia đình đến từ Hà Nội. Chuyến đi xa không làm cho đôi chân thêm mệt, họ bước nhanh đến phần mộ của liệt sĩ Nguyễn Bá Thanh trong cảm xúc lắng đọng, bồn chồn. Người phụ nữ lớn tuổi, tóc muối tiêu nói mình là chị gái của liệt sĩ Thanh. Đó là các thành viên trong gia đình của liệt sĩ. Và mỗi năm, từ phường Giảng Võ (quận Ba Đình, Hà Nội) vượt gần 500 cây số, họ đến Quảng Trị để thắp lên phần mộ anh nén nhang với lòng thương tiếc khôn nguôi.
Lễ vật hôm ấy chỉ có vàng, mã, một đĩa nhãn tươi đặt trang trọng ở mộ phần của anh. Lau giọt nước mắt lăn dài trên gò má, đôi bàn tay già nua của chị gái liệt sĩ Thanh tỉ mẩn lau chùi lớp bụi trên phần mộ, như thể điều đó giúp bà chạm được tay mình vào da thịt của người em trai. Người chị của liệt sĩ nói trong nghẹn ngào, dù đường xa nhưng năm nào cũng vào Quảng Trị để viếng mộ phần người em, đó là máu thịt, là nỗi nhớ mà các thành viên trong gia đình bà không được phép lãng quên.
Báo Pháp luật Việt Nam tặng quà Sở Tư pháp Quảng Trị. |
Ông Phan Văn Phong - người ngót nghét 20 năm làm Phó Chủ tịch rồi Chủ tịch UBND TX.Quảng Trị, hiện là Giám đốc Sở Tư pháp Quảng Trị - tháp tùng Đoàn chúng tôi kể lại rằng, người cựu chiến binh Thành cổ nổi tiếng - Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương Đinh Thế Huynh - thường gọi ông bằng cái từ thân thuộc là “thủ từ Thành cổ”.
Gắn bó máu thịt với mảnh đất này, ông Phong hiểu và cảm nhận được tận đáy lòng sự thành tâm của những đoàn người khắp cả nước đến tri ân các anh hùng liệt sĩ đã ngã xuống vì công cuộc bảo vệ Tổ quốc. Ông nói ở Thành cổ, Nghĩa trang Đường 9, Nghĩa trang Trường Sơn, hầu như không ngày nào vắng bóng các đoàn xe chở cựu chiến binh, những người lính trên chiến trường xưa đến dâng hoa tưởng niệm đồng đội của mình đã ngã xuống vì nền độc lập, tự do của dân tộc. Và, có cả mẹ già 90 tuổi, cả những em bé có thể chưa hiểu chiến tranh là gì nhưng vẫn đến với Quảng Trị để thấy lòng thanh thản hơn khi đốt được nén nhang dâng lên các anh - những người đã ngã xuống cho cuộc sống hôm nay.
Tổng Biên tập Đào Văn Hội chúc mừng tân Giám đốc Sở Tư pháp Nghệ An Hoàng Quốc Hào. |
Tỏ tấm lòng thành, những ngày tháng 7, từng đoàn người khắp mọi nơi trên cả nước lại tìm về những miền đất lửa đạn một thời để “thắp một nén nhang cho người nằm dưới mộ”. Hòa trong mạch nguồn ghi công ơn đó, đã thành thông lệ, gần 10 năm nay, năm nào Đoàn công tác Báo Pháp luật Việt Nam cũng hành hương về Quảng Trị, về Ngã ba Đồng Lộc… dâng hương tri ân các anh, các chị với tấm lòng thành kính sâu sắc.
Khi số báo này xuất bản cũng là dịp kỷ niệm tròn 45 năm ngày 10 cô gái thanh niên xung phong anh dũng hy sinh trong ngày định mệnh 24/7/1968. Hy sinh khi tuổi đôi mươi, gần nửa thế kỷ đã trôi qua rồi, lịch sử đã bước sang nhiều trang mới mà nụ cười trên di ảnh các chị nơi mộ phần vẫn trẻ mãi, nhắc nhở bao thế hệ về giá trị của hoà bình…
“Uống nước nhớ nguồn” là đạo lý, là tâm nguyện mà toàn thể các anh chị em trong toà soạn canh cánh trong lòng. Chúng tôi đã hóa vàng các ấn phẩm của Pháp luật Việt Nam để gửi xuống các anh, các chị, để chứng cho nỗ lực của các thế hệ lãnh đạo, công chức, cán bộ ngành Tư pháp trong công cuộc cải cách tư pháp, hoàn thiện thể chế, xây dựng Nhà nước pháp quyền… Ngọn lửa linh thiêng đã bùng lên trên bát nhang tượng đài liệt sĩ, ngọn lửa dẫn đường cho chúng tôi trong cuộc sống hòa bình hôm nay...
Nhân kỷ niệm 66 năm ngày Thương binh - Liệt sĩ 27/7, Đoàn công tác của Báo Pháp luật Việt Nam do Tổng Biên tập - TS Đào Văn Hội dẫn đầu đã hành hương về dâng hương tại Thành cổ, Nghĩa trang Đường 9, Nghĩa trang Trường Sơn và Khu di tích Ngã ba Đồng Lộc. Trong khuôn khổ chuyến công tác, Đoàn công tác đã làm việc với sở Tư pháp Quảng Trị và tặng món quà là một chiếc tivi 40 inch. Đoàn công tác cũng làm việc với Tư pháp Nghệ An và chúc mừng tân Giám đốc Sở Hoàng Quốc Hào. |
Việt Hưng