Ngôi làng gìn giữ tinh hoa cổ phục Việt

Ông Đỗ Minh Tám tỉ mẩn khâu từng đường kim, mũi chỉ.
Ông Đỗ Minh Tám tỉ mẩn khâu từng đường kim, mũi chỉ.
(PLVN) - Dù nổi tiếng là làng may áo dài, hiện nay tại làng Trạch Xá (Ứng Hòa, Hà Nội) còn một số ít hộ gia đình giữ nghề cha ông may dòng cổ phục Việt. Theo thị hiếu thị trường, những nghệ nhân vẫn miệt mài giữ từng đường kim, mũi chỉ để cho ra các sản phẩm cổ phục vừa gắn với truyền thống từ trăm năm nay, vừa có thể dễ dàng ứng dụng linh hoạt vào đời sống. 

“Mũi khâu chỉ riêng Trạch Xá mới có”

Trong căn nhà nhỏ phủ kín bởi những thớ vải lụa đủ màu sắc, ông Đỗ Minh Tám ngồi tỉ mẩn may từng lớp vải. Dù có khó khăn chút ít lúc xâu chỉ dưới ánh điện mờ, bàn tay ông vẫn thoăt thoắt may từng đường nét của lớp áo dài. Ông Tám là một trong những nghệ nhân may áo dài có tiếng ở làng Trạch Xá, đến nay còn gìn giữ nghề may cổ phục áo ngũ thân. 

Theo ông Tám, cổ phục áo ngũ thân không giống với áo dài cách tân hiện đại. Điểm khác biệt đầu tiên dễ nhận ra nhất là áo có phần thân áo rất rộng, không chiết eo và thân áo càng lượn xuống thì càng rộng. Khi trải chiếc áo ngũ thân ra, tà áo tạo ra một đường cong (sa tà). Áo ngũ thân được cấu tạo với năm thân áo may ráp lại với nhau theo chiều dọc, hai thân trước và sau được may liền lại theo đường sống áo ở chính giữa, phía trước phần bên phải là thân kép, bên trong có một “thân con”, được tính là thân áo thứ năm. Bởi cấu tạo trên mà khi ta quan sát chiếc áo dài được may theo dáng cổ, sẽ dễ dàng thấy được một đường may thẳng chính giữa thân áo này.

Ông Tám chia sẻ, riêng về cổ phục, mỗi miền lại mang một nét khác nhau bởi đặc trưng khí hậu của từng vùng. Cách ăn mặc của miền Bắc rất khác với các vùng miền khác. Chất liệu và màu sắc trên áo ngũ thân được phân biệt dựa theo tầng lớp trong xã hội. Đối với tầng lớp bình dân, chất liệu may áo chủ yếu là đũi, màu sắc đi theo tông trầm như nâu, đen. Ngược lại, với tầng lớp cao trong xã hội như quý tộc, quan lại, tông thất,… Chất liệu được sử dụng là các loại vải cao cấp như gấm, sa, đoạn, lụa với các họa tiết thêu, dệt tinh tế, màu sắc đa dạng thay đổi theo địa vị, đi kèm các phụ kiện như kim bài, kim khánh.

Phần đa các hiệu may có tiếng ở Hà Nội đều có nguồn gốc từ nghề may làng Trạch Xá, Ứng Hòa. Không phải ngẫu nhiên mà áo dài Trạch Xá lại nổi tiếng đến vậy. Theo lời ông Tám, mũi khâu của dân làng Trạch Xá rất đặc biệt, chỉ người ở đây mới có thể may được áo dài đặc biệt như thế. Với kiểu cầm kim tay dọc, người Trạch Xá khi khâu áo không hề nhìn thấy kim. Sản phẩm sau khi hoàn thiện, mép trong áo không lộ đường chỉ mà phẳng như dán hồ, còn mặt ngoài vải, có các mũi chỉ thẳng hàng, đều tăm tắp như phô trứng rận. “Trong dán hồ, ngoài phố trứng rận”, theo đó trở thành một tiêu chuẩn của người thợ may Trạch Xá.

Ngày nay dù có sự hỗ trợ của máy may công nghiệp nhưng phần hỗ trợ của máy chỉ chiếm một tỷ lệ rất nhỏ. “Nếu một sản phầm cần thời gian 4 tiếng để hoàn thành thì thời gian thực hiện trên máy chỉ có 15 phút, còn lại là làm thủ công. Máy cũng chỉ dùng để hỗ trợ những đường khâu giấu đi, còn đường may phô ra ngoài thì bắt buộc phải làm bằng tay”, ông Tám chia sẻ.

Vì phần lớn các thao tác được làm thủ công nên để hoàn thiện một sản phẩm tùy thiết kế, mất từ một vài ngày đến chục ngày, thậm chí hơn. Để hoàn thiện một chiếc áo, theo ông Tám, các công đoạn đều quan trọng như nhau từ lấy số đo, cắt, kỹ thuật may, làm khuy… công đoạn này lại làm nền cho công đoạn sau. 

Nức tiếng là vậy, tuy nhiên theo ông Tám, trước đây, Trạch Xá hoàn toàn không có nhà nào làm may. “Ngày đó, các cụ vẫn gọi vui Trạch Xá là làng nghề lưu vong vì chỉ sinh ra những người thợ may đi làm nghề nơi khác. Mỗi lần đi may có khi phải mất hàng tháng, thậm chí cả năm, đến Tết mới trở về nên ở Trạch Xá lúc đó hầu như chỉ có đàn ông học và theo nghề may áo dài”. Sau này, khi có chính sách kêu gọi người dân lưu vong trở về lập nghiệp, nghề may tại làng Trạch Xá mới phát triển như ngày nay. 

Đến nay, nhờ tâm huyết của chính những nghệ nhân như ông Đỗ Minh Tám, nghề may làng Trạch Xá không còn phải đối mặt với nỗi lo thất truyền. Những chiếc áo cổ phục được người Trạch Xá may mang tinh hoa từng đường kim, mũi chỉ, là giá trị của làng nghề đã tồn tại cả trăm năm. Bởi vậy, hằng năm, cứ vào ngày 12/12 Âm lịch dân làng Trạch Xá lại tổ chức tế lễ tri ân, tôn vinh bà tổ nghề may của làng là bà Tứ phi Nguyễn Thị Sen. 

Chiếc áo cổ phục được gia đình ông làm từ năm 1955 và gìn giữ đến nay.
Chiếc áo cổ phục được gia đình ông làm từ năm 1955 và gìn giữ đến nay.

Bảo vệ cổ phục Việt

“Nếu nói về cổ phục, đó là tinh hoa từ ngàn đời truyền lại, mãi mãi không bao giờ thay đổi”, nghệ nhân Đỗ Minh Tám nhận định. Hiện nay, tuy trong làng Trạch Xá có rất nhiều gia đình làm nghề may áo dài nhưng may cổ phục thì chỉ một phần rất nhỏ. 

Dù rất tâm huyết với chiếc áo cổ phục nhưng khi kinh tế thị trường phát triển, trào lưu áo dài cách tân chiếm lĩnh thị trường đã ít nhiều làm phai nhạt hình ảnh áo dài truyền thống. Tà áo dài truyền thống có lúc trở nên xa vắng, không còn được ưa thích nên số lượng người đặt may gần như không có. Gánh nặng lo toan cuộc sống khiến cho nhiều người làm nghề may áo dài ở Trạch Xá buộc phải chuyển hướng sang may áo dài cách tân.

“Vì những chiếc áo dài cách tân có thể sản xuất hàng loạt với nhiều kiểu cách, màu sắc đa dạng nên người dùng có nhiều sự lựa chọn hơn so với áo dài truyền thống, nhưng qua mỗi năm lại đổi mới theo thị hiếu của người dùng, vì thế khó giữ được nguyên giá trị văn hóa. Áo dài truyền thống chỉ có một kiểu duy nhất, nhưng giá trị văn hóa lại tồn tại mãi với thời gian”, nghệ nhân Đỗ Minh Tám trăn trở.

Trước xu thế đó, những người thợ lành nghề quyết không quay lưng với nghề Tổ. Họ lựa chọn thuận theo thị hiếu thị trường, khéo léo kết nối giá trị cổ truyền với công nghệ mới trong chiếc áo, từng bước phục dựng lại dáng hình áo cổ phục. 

“Ngày xưa các cụ chỉ mặc màu trầm, bởi không có màu công nghiệp, chủ yếu dùng màu tự nhiên, màu nâu, đen. Bây giờ công nghiệp phát triển nên màu sắc sử dụng rất đa dạng, đó là cái phát triển theo thời đại. Nếu mãi mình chỉ làm cổ phục thì chỉ trưng bày ở bảo tàng. Những người làm cổ phục như chúng tôi phải làm sao đưa tinh hoa cổ phục phục vụ trong đời sống đương đại ngay bây giờ chứ không phải làm mãi cổ phục đúng như cách đây 100 năm. Chúng tôi vẫn làm cổ phục nhưng vẫn phải đưa vào cuộc sống, khiến người mặc thấy đẹp và thoải mái”, ông trăn trở. 

Nhờ sự khéo léo, sáng tạo của những người nghệ nhân, chiếc áo cổ phục đã gần gũi hơn với cuộc sống hằng ngày. Một tín hiệu đáng mừng là những năm gần đây, trào lưu quay trở về với cổ phục Việt đã được nhiều người trẻ hưởng ứng. Thậm chí, có nhiều dự án của các bạn trẻ được lập ra để bảo vệ giá trị tinh hoa của trang phục dân tộc này. Ông Tám bày tỏ sự phấn khích với điều đó. Tuy nhiên, ông cũng trăn trở rằng: “Có nhiều người vì theo xu hướng thị trường mà làm những bộ cổ phục, tuy nhiên người ta làm chưa đúng với tính chất của cổ phục nên phần nào khiến hình ảnh cổ phục bị ảnh hưởng”. Cổ phục cần được bảo tồn đúng cách mà không làm giảm giá trị truyền thống, văn hóa của trang phục.

Là thế hệ nghệ nhân lão làng, ông Tám cũng gửi mong muốn đến người trẻ ngày nay hãy yêu truyền thống Việt Nam, họ chính là thế hệ nối tiếp những giá trị cha ông để lại. Chỉ khi người trẻ yêu lấy cổ phục Việt, tôn trọng cổ phục Việt,  như nghệ nhân Tám mới có thể dành tâm huyết để phục dựng lại nền cổ phục dân tộc. 

Ông chia sẻ: “Nếu cách đây 3 năm, tôi không gặp nhóm Đình làng Việt (Câu lạc bộ tôn vinh, quảng bá áo dài, cổ phục Việt) chắc tôi cũng chỉ mãi làm áo cách tân. Nhờ các bạn trẻ, tôi đã trở về với cổ phục. Một thời gian tôi đã dừng may cổ phục, lúc trở lại tôi gặp nhiều khó khăn nhưng chính thế hệ trẻ đã cho tôi niềm tin vào đó để tiếp tục”.

Gần 40 năm gắn với chiếc áo dài, điều giữ ông Tám cho đến nay vẫn trọn vẹn với nghề đó là tâm huyết của người con Trạch Xá và niềm tin vào thế hệ trẻ. Bởi là giá trị trăm năm của làng nên với người nghệ nhân, phải giữ cho được cái nghề này, phải để người trẻ hiểu và yêu trang phục của dân tộc mình. 

Đọc thêm

Trung tâm hỗ trợ phụ nữ và trẻ em gái bị bạo lực: Nơi bình yên tìm về

Ngôi nhà Ánh Dương ở Thanh Hóa chính thức đi vào hoạt động từ tháng 1/2022. (Ảnh: HLHPNVN)
(PLVN) -  Với nạn nhân bị bạo lực giới nói chung và bạo lực gia đình nói riêng, để “bình yên tìm về” là cả một hành trình dài. Nhưng qua mô hình Trung tâm dịch vụ một cửa hỗ trợ phụ nữ và trẻ em gái bị bạo lực - Ngôi nhà Ánh Dương, trong hành trình đó, họ không đơn độc. Với nhiều người, hạnh phúc, bình yên đã thực sự trở lại.

Ngăn chặn ma túy “núp bóng” thuốc lá điện tử

Hiện nay chỉ có một số ít cơ quan có năng lực xét nghiệm phát hiện ma túy tổng hợp được như: Viện Giám định Pháp y – Bộ Y tế, Viện Khoa học hình sự - Bộ Công an. (Nguồn ảnh: Thanh Loan)
(PLVN) -  Trong những năm gần đây, các sản phẩm thuốc lá thế hệ mới hay còn gọi là thuốc lá mới đã xuất hiện trên toàn thế giới với hai dòng sản phẩm chính là thuốc lá điện tử và thuốc lá làm nóng. Thứ trưởng Bộ Y tế Trần Văn Thuấn cho hay, khoảng từ năm 2015, các sản phẩm thuốc lá mới bắt đầu du nhập vào Việt Nam và nhanh chóng thu hút giới trẻ.

Thuốc lá điện tử gây ảo giác, loạn thần

4 trường hợp là học sinh nhập viện do ngộ độc sau khi hút thuốc lá điện tử. (Ảnh: Bệnh viện Bãi Cháy)
(PLVN) - Thời gian qua, tại một số bệnh viện đã tiếp nhận một số bệnh nhân đến điều trị có liên quan đến hút thuốc lá điện tử. Điều đáng lưu ý là hầu hết, bệnh nhân đến bệnh viện do có dấu hiệu đau đầu, lo âu, mất ngủ, rối loạn hoảng sợ, có một vài trường hợp có dấu hiệu loạn thần, ảo giác. Vấn đề này ảnh hưởng rất lớn đến sức khỏe tâm thần của người sử dụng.

Sôi nổi Hội thi “Nghi thức Đội TNTP Hồ Chí Minh” tỉnh Bạc Liêu

Sôi nổi Hội thi “Nghi thức Đội TNTP Hồ Chí Minh” tỉnh Bạc Liêu
(PLVN) - Hòa chung không khí thi đua sôi nổi của thiếu nhi cả nước, thiếu nhi Bạc Liêu đã và đang ra sức thi đua rèn luyện, học tập, thực hiện các công trình, phần việc Măng non lập thành tích chào mừng để kỷ niệm 82 năm Ngày thành lập Đội TNTP Hồ Chí Minh (15/5/1941 – 15/5/2023), làm quà nhân kỷ niệm 133 năm Ngày sinh của Chủ tịch Hồ Chí Minh (19/5/1890 – 19/5/2023).

Đừng coi thường say nóng, say nắng

Ảnh minh họa. (Nguồn: baochinhphu.vn)
(PLVN) -  Dù miền Bắc mới bước vào đợt nắng nóng gay gắt diện rộng thứ 2 kể từ đầu mùa nhưng nhiệt độ cao nhất ở nhiều nơi mấy ngày qua đều chạm hoặc vượt ngưỡng 40 độ C. Dự báo, thời gian tới sẽ xuất hiện nắng nóng nhiều hơn và gia tăng về cường độ trên phạm vi toàn quốc.