Huyền bí về một báu vật
Chùa Tác Đức nằm án ngữ bên hai dãy núi Khụ Khoi và Khụ Khà – những cái tên của vùng đồng bào càng tô thêm sự huyền bí cho chùa. Theo quan sát, ngôi chùa cổ bài trí đơn sơ, thanh tịnh. Ấn tượng đặc biệt là ngay chính giữa điện thờ có một ụ tổ mối rất lớn, mối đùn lên khiến một bát hương vùi mất một nửa. Theo người đân, tổ mối này chính là nơi cất giấu báu vật khiến ngôi chùa càng trở nên huyền bí, linh thiêng.
Hôm chúng tôi ghé thăm chùa, tuy không phải là ngày tuần nhưng vẫn có người vãng cảnh và lễ bái, có một gia đình mang cả cỗ mặn gồm mâm xôi con gà đến lễ tạ nhà chùa. Người phụ nữ trông coi chùa cho biết, chùa này cầu gì được nấy, mà lại linh ứng ngay nên được việc là các tín chủ lập tức mang lễ vật đến lễ tạ chùa. Cũng theo bà, chùa linh thiêng chính bởi có tổ mối chứa vật báu, không một ai dám mạo phạm hay trộm cắp.
Chùa Tác Đức đơn sơ nằm dưới chân dãy núi Khụ Khoi, Khụ Khà |
Theo các bậc cao niên trong làng, nghe các cụ truyền lại rằng báu vật là một bức tượng làm bằng đồng đen, được đưa từ trên núi “Khụ Khà” xuống. Ngày xưa có hai anh em lên núi để đốn cột gỗ về làm nhà sàn. Khi lao gỗ từ trên đỉnh núi xuống thì đột nhiên phát ra một tiếng động lớn, vang vọng cả cánh rừng. Lúc hai anh em chạy lại thì nhìn thấy một bức tượng phật được đúc bằng đồng đen nằm cạnh cột gỗ.
Biết đây là vùng đất thiêng, họ đưa báu vật xuống chân núi Khụ Khà đặt am thờ, am thờ đó là chùa Tác Đức ngày nay.
Chùa Tác Đức nổi tiếng linh thiêng, cầu gì được nấy. Chẳng hạn có người mất của, đến chùa cầu xin, dăm bữa là tìm lại được. Lại có người gia đình lục đục, làm ăn thất bát, chăm đến chùa lễ bái, sám hối, lập tức lại ăn lên làm ra, gia cảnh thuận hòa…
Dân gian đồn rằng người thành tâm, ngay thẳng đến chùa cầu gì được nấy |
Sau chuyện đốn gỗ tìm thấy tượng thiêng, người dân không còn dám chặt hạ, phá rừng nữa. Muốn xin một khúc cây làm nhà cũng phải lựa cây khô, cây hỏng, xin phép thần linh đồng ý mới được phép chặt hạ.
Nhưng thần phật trong chùa cũng chỉ phù hộ người ngay thẳng, thật thà chứ không dung túng kẻ gian, người xấu. Đối với người dân, chùa Tác Đức còn là nơi trừng phạt những người làm điều độc ác. Có kẻ xấu, tà tâm, tham lam đến chùa cầu xin thần phật dung túng cho những hành động khuất tất vừa ra khỏi chùa lập tức gặp phải tai ương khiến ai cũng sợ. Đến nỗi từ đó những kẻ tâm địa xấu không dám bước chân vào chùa.
Mó nước thần bên hông núi Khụ Khà
Cùng với câu chuyện linh thiêng, cạnh chùa Tác Đức ngay chân núi Khụ Khà còn có một mó nước lạ, quanh năm nước đầy ắp, trong xanh. Dân làng kể rằng, xưa kia lúc mang tượng phật từ trên núi xuống, họ đã mang tượng đến đây để tắm rửa rồi mới đưa vào chùa thờ nên mó nước càng linh thiêng. Vào những ngày lễ tết, dân trong bản kéo về đây để xin nước thánh về nhà dùng. Người dân bản Mường quan niệm rằng, khi tưới dòng nước này lên cơ thể là sẽ có sức khỏe, tránh được tai ương, cuộc sống no ấm đủ đầy.
Dân gian còn đồn rằng, những người đến chùa cầu tự khi uống dòng nước này là sẽ có thai, muốn có con trai hay con gái đều được. Bởi vậy mà đã có rất nhiều cặp vợ chồng hiếm muộn, khi đến chùa cầu con đều xin nước thánh uống cho tăng phần linh nghiệm.
Lại có người cho rằng, uống nước thiêng ở mó Khụ Khà còn giải được bùa ngải, bùa yêu. Ở bản nọ có một người đàn ông bị yểm bùa, mê muội đến nỗi bỏ vợ đẹp con ngoan đi theo người tình, khuyên ngăn thế nào cũng không tỉnh ngộ. Phải đến khi gia đình làm lễ đưa đến chùa Tác Đức cầu xin, rồi xin nước thánh Khụ Khà về cho anh ta uống, rửa mặt. Kỳ lạ là sau đó người này đã tỉnh ngộ, từ bỏ con đường tình bất chính, quay về vợ con trong cuộc sống bình thường.
Ông Bùi Văn Phỏn (47 tuổi, trong Ban quản lý chùa) cho biết: “Những chuyện linh thiêng về chùa thì dân gian đồn nhiều lắm. Những chuyện uống nước thần giải bùa, rồi uống nước thánh cầu con thì chưa ai kiểm chứng xem sự thật đến đâu, nhưng có một sự thật là hầu như gia đình nào có con cái làm điều không tốt là họ lại dẫn lên chùa để sám hối, hứa sẽ không tái phạm, hứa từ bỏ những thói hư như trộm cắp lừa lọc, và quả thật họ đều sửa được lỗi, làm được điều đã hứa. Mâu thuẫn gia đình, mâu thuẫn láng giềng cũng thế, họ lên đây chủ yếu để sửa lỗi”.
Theo ông Phỏn, do sự linh nghiệm của ngôi chùa nên mối quan hệ trong các gia đình mới có sự hòa hợp. Bởi vậy mà chòm xóm không có chuyện cãi vã, đánh đập, chửi thề. Hiện xóm Đình A và nhiều thôn xóm của xã Lạc Thịnh những năm qua đã giảm thiểu đáng kể tình trạng tội phạm và tệ nạn xã hội.