Bà Nguyễn Trà An (Phù Ninh – Phú Thọ) hỏi: Chồng của em gái bà sống chung như vợ chồng với một người đàn bà khác có vi phạm pháp luật không? Em gái bà phải làm thế nào để bảo vệ quyền và lợi ích của mình?.
Trả lời:
- Tại điểm a,b Khoản 1 Điều 8 Nghị định 87/2001/NĐ-CP ngày 21/11/2001 Về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực hôn nhân và gia đình đối với hành vi phạm quy định về cấm kết hôn, vi phạm chế độ hôn nhân một vợ, một chồng như sau: “ Phạt tiền từ 100.000 đồng đến 500.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây:
Đang có vợ hoặc đang có chồng mà kết hôn hoặc chung sống như vợ chồng với người khác nhưng chưa gây hậu quả nghiêm trọng;
Chưa có vợ hoặc chưa có chồng mà kết hôn hoặc chung sống như vợ chồng với người mà mình biết rõ là đang có chồng hoặc đang có vợ nhưng chưa gây hậu quả nghiêm trọng….” .
Như vậy, nếu em rể bà chung sống như vợ chồng với người đàn bà khác nhưng chưa gây hậu quả nghiêm trọng thì em rể bà sẽ bị xử phạt hành chính theo quy định nêu trên.
Theo quy định tại khoản 1 Điều 147 Bộ luật hình sự quy định Tội vi phạm chế độ một vợ, một chồng như sau: “ Người nào đang có vợ, có chồng mà kết hôn hoặc chung sống như vợ chồng với người khác hoặc người chưa có vợ, chưa có chồng mà kết hôn hoặc chung sống như vợ chồng với người mà mình biết rõ là đang có chồng, có vợ gây hậu quả nghiêm trọng hoặc đã bị xử phạt hành chính về hành vi này mà còn vi phạm, thì bị phạt cảnh cáo, cải tạo không giam giữ đến một năm hoặc phạt tù từ ba tháng đến một năm”.
Gây Hậu quả nghiêm trọng có thể là làm cho gia đình của một hoặc cả hai bên tan vỡ dẫn đến ly hôn, vợ hoặc chồng, con vì thế mà tự sát, v.v...
Trích lại giá trị hợp đồng là đúng hay sai?
Các cổ đông Công ty cổ phần thiết bị vật tư nông sản hỏi: Nếu Tổng Công ty sở hữu 52% vốn điều lệ của Công ty cổ phần thiết bị vật tư nông sản thì có phải là cơ quan cấp trên của Công ty không? Mỗi một hợp đồng ký giữa Tổng Công ty và Công ty sẽ phải trích lại 10% giá trị hợp đồng là đúng hay sai.
- Nếu Tổng Công ty sở hữu 52% vốn điều lệ của Công ty cổ phần thiết bị vật tư nông sản thì Tổng Công ty là công ty mẹ của Công ty cổ phần thiết bị vật tư nông sản (theo quy định tại Khoản 15 Điều 4 Luật doanh nghiệp).
Theo quy định tại Điều 147 Luật doanh nghiệp, công ty mẹ là một cổ đông của công ty con, có quyền và nghĩa vụ của một cổ đông công ty với công ty. Hợp đồng, giao dịch và các quan hệ giữa công ty mẹ và công ty con đều phải được thiết lập một cách độc lập, bình đẳng theo điều kiện đối với chủ thể pháp lý độc lập.
Chính vì vậy, các giao dịch giữa công ty mẹ và công ty con cũng cần tuân thủ Điều 120 Luật Doanh nghiệp.
Như vậy, việc trích lại 10% cho công ty mẹ là một giao dịch không bình đẳng, nếu không được Đại hội đồng của công ty con đồng ý thì giao dịch này vô hiệu./.
Công ty luật Đại Việt