Vua của các loại trái cây
Có tên khoa học là Mangifera indica, xoài là một phần không thể thiếu trong lịch sử và văn hóa của tiểu lục địa Ấn Độ. Ngày nay, xoài được trồng ở hầu hết các vùng nhiệt đới trên thế giới. Loại trái cây nhiệt đới này được đặt cho biệt danh “Vua của các loại trái cây” trên toàn cầu nhờ hương vị hấp dẫn, mùi thơm và giá trị dinh dưỡng cao. Quả xoài cũng là “quốc quả” của cả Ấn Độ và Pakistan.
Trong đó, thứ quả ngon ngọt này có một vị trí khá đặc biệt trong trái tim của người dân Pakistan, là một phần văn hóa, nghệ thuật, thơ ca và ngoại giao của nước này. Nhờ khí hậu thuận lợi, Pakistan là nước sản xuất xoài lớn thứ 6 và là nước xuất khẩu xoài nhiều thứ 5 trên thế giới với nhiều giống xoài khác nhau. Xoài Pakistan ngon ngọt và có tiếng ở các nước châu Âu và vùng Vịnh, là loại trái cây xuất khẩu chủ lực của Pakistan. Xoài được trồng rộng rãi ở miền đông bang Punjab và miền Nam tỉnh Sindh của nước này.
Theo các nguồn tin, tại Pakistan có tới khoảng 400 giống xoài khác nhau, trong đó có một số giống xoài đáng chú ý như Sindhri, Totapari, Langra, Fajri, Samar Bahist, Saroli, Maldah và Dasheri. Trong số đó, xoài Chaunsa chiếm 60% sản lượng xoài xuất khẩu của Pakistan. Xoài Chausa hoặc Chaunsa của Pakistan được nhiều người xếp trong nhóm 10 loại xoài ngon nhất thế giới. Trong tiếng Urdu, cái tên Chausa có nghĩa là “cuốn hút”.
Người Pakistan nói rằng, sở dĩ, loại quả này được đặt tên như vậy vì nó ngon đến mức người dùng không thể để sót lại một mảnh nào! Giống xoài này có phần thịt khá dày và mềm, vỏ mỏng, vị ngọt, rất thơm, mọng nước, ít xơ. Nhìn bên ngoài, tương tự nhiều loại xoài châu Á khác, xoài Chausa không đẹp mã, thường có màu vàng nhạt nhưng vỏ cực mỏng.
Còn loại xoài nổi tiếng nhất của Pakistan là xoài Anwar Ratol, có nguồn gốc từ một ngôi làng cách New Delhi hai giờ lái xe. Các ghi chép cho hay, nhiều năm trước, một người trồng xoài từ Ratol của Ấn Độ đã di cư đến vùng Punjab của Pakistan và trồng một cây xoài ở đó. Cây xoài được anh ta đặt theo tên cha mình là Anwar.
“Ngoại giao xoài” đặc biệt
Theo truyền thống của người Pakistan, “aam ki paitti” (giỏ xoài) luôn là một món quà ý nghĩa được người Pakistan dành tặng những người thân trong gia đình, bạn bè hay các mối quan hệ xã giao, làm ăn. Thông lệ này bắt nguồn từ việc những người trồng xoài ở Pakistan xưa kia thường gửi những hộp trái cây cho những người quan trọng để mong nhận được sự ưu ái.
Từ truyền thống này, vào tháng 8/1968, Bộ trưởng Ngoại giao Pakistan Mian Arshad Hussain đã tặng một thùng xoài cho Chủ tịch Mao Trạch Đông của Trung Quốc. Đầu những năm 1980 đánh dấu sự khởi đầu của chính sách “ngoại giao xoài” của Pakistan, khi cựu Tổng thống nước này là Tướng Mohammad Zia-ul-Haq đã tặng giống xoài bản địa cho Thủ tướng Ấn Độ Indira Gandhi trong một nỗ lực nhằm giảm căng thẳng giữa 2 nước, dù Ấn Độ cũng nổi tiếng là một nước nhiều xoài.
Nhiều thập kỷ sau, năm 2010, Thủ tướng Ấn Độ Manmohan Singh đã gửi cho Thủ tướng Pakistan Yousaf Raza Gillani 20 kg giống xoài Alphonso rất được yêu thích trong bối cảnh giảm sút lòng tin giữa hai quốc gia. Sau một trận lũ lụt kinh hoàng ập đến Pakistan vài tháng sau đó, sau khi tiếp nhận hàng triệu USD viện trợ từ Ấn Độ, Thủ tướng Pakistan lúc bấy giờ là ông Yousaf Raza Gillani đã gửi 5 thùng xoài Pakistan cho người đồng cấp Ấn Độ như cách để bày tỏ lòng biết ơn.
Sau một thời gian tạm lắng xuống, năm 2015, Pakistan chính thức khởi động lại “chính sách ngoại giao xoài” bằng cách gửi xoài đến một số nước khác. “Hàng năm, Tổng thống Pakistan gửi xoài chất lượng cao như một món quà cho một số nước được chọn như biểu hiện thiện chí và để thúc đẩy các nỗ lực ngoại giao thương mại của chúng tôi”, Văn phòng Ngoại giao Pakistan cho biết trong một tuyên bố. Bộ này được giao chuẩn bị một danh sách các quốc gia dự kiến sẽ tặng xoài cũng như triển khai các quy trình vận chuyển để đảm bảo tuân thủ các quy định về kiểm dịch, vệ sinh cũng như việc vận chuyển.
Năm 2020, khi dịch bệnh Covid-19 bùng phát, Tổng thống Pakistan Arif Alvi vẫn quyết định gửi xoài làm quà cho nguyên thủ các nước có quan hệ hữu nghị với Pakistan nhằm củng cố quan hệ song phương. Trong bối cảnh dịch bệnh ảnh hưởng đến hoạt động xuất khẩu của Pakistan, giới chức nước này cũng tặng xoài cho lãnh đạo các nước đang và có tiềm năng nhập khẩu xoài của họ nhằm thúc đẩy thương mại, đồng thời khai phá các thị trường mới.
Bộ Ngoại giao Pakistan khi đó được giao thêm nhiệm vụ rà soát và điều chỉnh các quy trình gửi quà tặng để đảm bảo yêu cầu phòng, chống dịch và kiểm duyệt hoa quả nhập khẩu phù hợp với bối cảnh mới ở các nước. Pakistan hiện xuất khẩu xoài sang khoảng 40 quốc gia, trong đó có Iran, Afghanistan và các quốc gia vùng Vịnh. Chính phủ nước này cũng đang thúc đẩy tiếp cận các thị trường Mỹ, Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc.
Trong đó, xoài Pakistan có mối liên hệ đặc biệt với Hoàng gia Anh. Vào năm 1953, khi Nữ hoàng Elizabeth II đăng quang, Pakistan gửi tặng bà giống xoài Kachhelo. Đến khi Thái tử Charles và Công nương xứ Wales, Diana, tổ chức hôn lễ, Pakistan tiếp tục tặng thứ quả quý của họ làm quà mừng cho cặp tân lang tân nương. Nữ hoàng Anh sau đó đã đáp từ bằng cách viết thư cảm ơn Pakistan.
Vào những năm 1970, trong một cuộc triển lãm ở London, Nữ hoàng Elizabeth II đã trao tặng danh hiệu “Vua của các loại xoài” cho Trang trại trái cây Kachhelo của Pakistan. Năm 2016, Chủ tịch Đảng nhân dân Pakistan (PPP) Bilawal Bhutto Zardari cũng gửi một số thùng xoài Sindhri cho Nữ hoàng Anh như một biểu hiện của thiện chí.
Nữ hoàng Anh được cho là rất thích món quà này. Năm 2020, Thái tử Charles, người thừa kế ngai vàng Anh, đã công khai cảm ơn Tổng thống Pakistan Arif Alvi vì món quà xoài của ông. Thái tử Anh cho biết vợ chồng ông vô cùng trân trọng món quà vì “Xoài Pakistan rất ngon”.
Các hoạt động “ngoại giao xoài” của Pakistan trong năm nay bắt đầu vào tháng 7, khi Đại sứ Pakistan tại Mỹ Asad Majeed Khan tổ chức một bữa tiệc tối với sự tham dự của một nhóm các nhà lập pháp, quan chức, giới truyền thông và học giả Mỹ.
Sau đó, Tổng thống Pakistan Arif Alvi đã gửi xoài tặng các vị vua, các nhà lãnh đạo và quan chức ở hơn 32 quốc gia bao gồm Mỹ, Anh, Nga, Trung Quốc, Ấn Độ, Iran, các quốc gia vùng Vịnh, Thổ Nhĩ Kỳ, Afghanistan và Bangladesh. Một số tờ báo sau đó đưa tin, do lo ngại về việc phòng, chống dịch nên một số nước đã từ chối quà tặng của Pakistan. Tuy nhiên, Bộ Ngoại giao Pakistan đã lên tiếng bác bỏ thông tin này, khẳng định quá trình gửi xoài làm quà cho các nước vẫn được Bộ này triển khai theo kế hoạch, “không có vấn đề gì”.