Vụ Trường ĐH Công nghiệp Hà Nội đuổi Luật sư Nguyễn Hồng Bách ra khỏi phòng họp chỉ là một trong những trường hợp luật sư bị gây khó khăn khi hành nghề…
Không chỉ là cá biệt
Việc bảo vệ Trường ĐH Công nghiệp Hà Nội đuổi Luật sư Nguyễn Hồng Bách và cộng sự của ông ra khỏi phòng họp với thái độ và cử chỉ thô bạo đã khiến giới luật sư quan ngại về tình trạng không được bảo vệ trong quá trình hành nghề theo quy định của pháp luật.
Trong hai lần bị đuổi trước, các luật sư vẫn phải “ngậm bồ hòn làm ngọt” để giải quyết công việc cho người dân. Nhưng với thái độ đối xử của ĐH Công nghiệp với người được ủy quyền như trên, công việc của các luật sư gần như không thể thực hiện được. Điều đáng nói, đây không phải là trường hợp “cá biệt” mà nó là hiện tượng tương đối phổ biến.
Bảo vệ ĐH Công nghiệp đuổi Luật sư Nguyễn Hồng Bách và cộng sự ra khỏi cuộc họp. |
Luật sư Phạm Quốc Việt, Đoàn luật sư Hà Nội cho biết, ông đã gặp tình huống mà nếu không giữ bình tĩnh thì không biết chuyện gì sẽ xảy ra. Năm 2009, ông cùng cộng sự về UBND xã Bạch Hạ, huyện Phú Xuyên, Hà Nam để làm việc với cơ quan này, bảo vệ quyền lợi cho bà Mai Thị Nương, giáo viên trường mầm non của xã bị chấm dứt hợp đồng trái pháp luật.
Khi ông và cộng sự trình giấy giới thiệu và thẻ luật sư đề nghị được làm việc với lãnh đạo UBND xã về vấn đề mà người dân ủy thác thì ông chủ tịch thay đổi nét mặt và “mời” các luật sư ra khỏi phòng với thái độ khiếm nhã. Sau đó, vị lãnh đạo UBND xã này còn nói nhiều câu khó nghe khiến Luật sư Việt đã ra đến ô tô rồi còn phải quay lại yêu cầu người đứng đầu chính quyền xã “phát ngôn đúng mực”.
Trường hợp khác tại Hà Nội, Luật sư Nguyễn Hữu Cường cho biết, cộng sự của ông nhận ủy quyền của một người dân đến UBND phường để nộp đơn yêu cầu hòa giải tranh chấp đất đai. Cán bộ địa chính phường kiên quyết không nhận đơn của người được ủy quyền mà thắc mắc: “Bà ấy ở gần ngay đây, không đi mà ủy quyền nộp đơn là sao”. Luật sư giải thích kiểu gì cũng không được, nên bà cụ già 80 lại phải lọ mọ đi nộp đơn.
Hiểu luật… cũng cản trở
Những trường hợp gây khó khăn cho luật sư như trên chủ yếu là do thiếu hiểu biết pháp luật của một bộ phận cán bộ công chức. Nhưng chỉ những người không hiểu biết pháp luật mới đưa ra những yêu cầu trái khoáy hay có hành động thiếu văn hóa, cản trở hoạt động của luật sư mà ngay cả những người có kiến thức pháp luật uyên thâm cũng có hành hành động…tương tự.
Theo Luật sư Lê Văn Đài, Trưởng VPLS Khánh Hưng thì sự việc này đã nhiều lần xảy ra với các luật sư. Nhiều trường hợp, các cơ quan, tổ chức liên quan rất nhã nhặn từ chối làm việc với “người được ủy quyền”, nhưng có những trường hợp thì tỏ thái độ thô bạo không kém những gì đã xảy ra với luật sư Nguyễn Hồng Bách.
Năm 2010, Luật sư Lê Văn Đài đại diện cho một giám đốc doanh nghiệp đến buổi họp hòa giải tranh chấp quyền sử dụng đất tại phường Mai Dịch, Cầu Giấy, Hà Nội. Sau khi xem các giấy tờ ủy quyền và thẻ luật sư, UBND phường vàn chủ đầu tư dự án đã “xin lỗi” luật sư và hẹn buổi khác làm việc còn hôm nay chỉ làm việc với đương sự. Mặc dù được ủy quyền thì chính Luật sư Đài là “đương sự” nhưng người ta muốn vậy thì đành chịu.
Không phải trường hợp nào từ chối luật sư cũng lịch sự như trên, năm 2008, một luật sư của VPLS Khánh Hưng đại diện cho ông Trần Minh Anh, một nhà đầu tư chứng khoán tại Công ty chứng khoán Bảo Việt làm việc với công ty này. Khi tiếp luật sư, ông Trưởng ban Pháp chế công ty sau khi nhìn ngắm kỹ các giấy tờ thì bắt đầu hoạnh họe, đòi bằng được giấy ủy quyền có công chứng trong khi pháp luật không bắt buộc điều này. Thậm chí, ông này còn gọi điện về VPLS và “lên lớp” luật sư vì các luật sư dám nhận mình có chức năng “bảo vệ pháp chế XHCN”.
Việc gây khó dễ, cản trở hoạt động của luật sư xuất phát từ nguyên nhân nào, chúng tôi có cuộc trao đổi với Luật sư Nguyễn Hữu Cường, Phó Chủ nhiệm ĐLS tỉnh Lạng Sơn về vấn đề này. - Thưa ông, cả những người hiểu biết pháp luật và những người không có trình độ pháp luật đều gây khó cho luật sư khi thực hiện công việc ngoài tố tụng, vậy nguyên nhân là gì? - Thực sự thì khi tham gia tố tụng, luật sư vấn bị làm khó nhưng không có các trường hợp “lôi” luật sư ra khỏi phòng làm việc như trường hợp vừa xảy ra ở ĐH Công nghiệp Hà Nội. Vì khi luật sư tham gia tố tụng trong các vụ án dân sự, hình sự… đã có các quy định của pháp luật về vai trò và thủ tục làm việc của luật sư nên các cơ quan liên quan có muốn làm khó luật sư… cũng khó. Đối với các công việc ngoài tố tụng, hiện nay, các quy định của pháp luật về việc tham gia của luật sư chưa nhiều nên bản thân các cá nhân, tổ chức liên quan cũng lúng túng trong việc làm việc với luật sư. Vì thế, nhiều trường hợp đã ứng xử không đúng chuẩn mực, về cả văn hóa và pháp luật, đối với luật sư. - Nhưng những trường hợp luật sư làm việc theo ủy quyền pháp luật đã quy định rất rõ, tại sao vẫn còn những hành động cản trở luật sư một cách thái quá, thưa ông? - Đúng là pháp luật về ủy quyền quy định khá cụ thể và đầy đủ nhưng nhận thức của nhiều người, kể cả những người có kiến thức pháp luật về vấn đề này lại chưa đầy đủ. Ví dụ như, pháp luật quy định, việc ủy quyền phải được lập thành văn bản nhưng người thực thi pháp luật cứ đòi phải có “công chứng” văn bản ủy quyền. Đặc biệt, việc ủy quyền với các pháp nhân, có con dấu thì chỉ cần pháp nhân đó đóng dấu là đầy đủ nhưng lại bắt phải “công chứng” con dấu đó là đòi hỏi không đúng pháp luật. Ngoài ra, tôi thấy những trường hợp “bẻ hành, bẻ tỏi” luật sư này đều là những vụ việc nhạy cảm mà phía các tổ chức đưa ra yêu cầu trái pháp luật không muốn luật sư tham gia các vụ việc này. - Xin cảm ơn ông!
LS Nguyễn Hữu Cường